Trong "bản đồ phượt" của giới trẻ, cột mốc ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào luôn là một điểm đỏ cần phải chinh phục. Còn với nhiều người đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, việc đặt chân lên điểm mốc ấy lại là để thoả nỗi khao khát cháy bỏng: Tri ân với dải chữ S thân yêu!
Trong "bản đồ phượt" của giới trẻ, cột mốc ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào luôn là một điểm đỏ cần phải chinh phục. Còn với nhiều người đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, việc đặt chân lên điểm mốc ấy lại là để thoả nỗi khao khát cháy bỏng: Tri ân với dải chữ S thân yêu!
Cuộc sống ở ngã ba biên giới
Đồn biên phòng A Pa Chải (đồn 317) là đồn biên phòng cuối cùng về phía cực Tây của Tổ quốc. Đồn tọa lạc trên một khu đồi dốc thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Thời tiết ở miền cực Tây cũng thất thường như tính cách của đứa trẻ đang tuổi dậy thì. Thoắt mưa thoắt nắng. Có khi buổi sáng thức dậy, trời trong veo, mây trắng bồng bềnh trôi trước mặt. Nhìn ra khoảng không gian quanh đồn, núi liền núi, mây đùn mây, nắng buông mình trải vàng trên những ngọn núi có độ cao sàn sàn nhau đẹp như cao nguyên Mộc Châu vậy. Nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, mây đen kéo về, mưa tí tách và dai dẳng kéo theo cái lạnh đến tê người. Cũng có những hôm, buổi sáng mây mù, có khi 10h sáng vẫn tưởng chưa bình minh. Các chiến sĩ ở đây kể lại rằng: Mùa đông mấy năm gần đây, thời tiết khô hanh và lạnh hơn nhiều. Phải những ngày mưa phùn gió bấc thì chân tay cứng đờ, cầm cái đũa ăn cơm có khi còn trượt.
Cột mốc số 0, ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào.
Cách trung tâm huyện Mường Nhé gần 60km nên mọi sinh hoạt ở đồn của các chiến sĩ chủ yếu là tự cung tự cấp. Nguồn lương thực thực phẩm ở ngoài vào là rất khó khăn. Bởi vậy, dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng với ý chí và sự nhanh nhạy thông minh của bộ đội cụ Hồ, những nương lúa vẫn trĩu vàng trên lưng chừng đồi, rau vẫn xanh phủ dưới chân đồi. Tuy nhiên, số lương thực thực phẩm đó cũng chỉ đủ cung cấp cho cuộc sống của các chiến sĩ. Còn đối với những du khách tới đây thăm quan cột mốc, mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn hơn. Nhất là từ năm 2005, khi cột mốc số 0 được cắm xong, nhu cầu chinh phục ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào ngày càng tăng thì cuộc sống đạm bạc của các chiến sĩ đã không đủ để phục vụ nhu cầu cho khách đến thăm.
Từ khi cột mốc ngã ba biên giới được cắm xong, rất nhiều bạn trẻ trên khắp mọi miền của Tổ quốc có cái thú đi chinh phục nơi mà một con gà gáy cả ba nước nghe thấy tiếng. Hạnh phúc và tự hào khi đứng bên cột mốc, nâng cao lá cờ Tổ quốc khẳng định tuổi trẻ Việt Nam vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc dường như thật đặc biệt. Bởi vậy, hiện không ít bạn trẻ mong một lần được chinh phục cột mốc số 0 để khám phá chính bản thân mình.
Mỗi năm, các chiến sĩ ở đồn đón hàng trăm lượt người tới đây thăm cột mốc ngã ba biên giới. Điều ngạc nhiên là, không chỉ người Việt trẻ mới đam mê những đỉnh cao khó khăn như mốc A Pa Chải. Có những người đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm vẫn cứ đau đáu một khát khao cháy bỏng là được một lần đứng ở một điểm mà nhìn thấy cả ba khoảng trời: Việt - Trung - Lào.
Trải nghiệm “đỏ” ở cột mốc số 0
Thiếu tá Vũ Kim Hùng, chính trị viên phó đồn 317 cho biết: "Có những người một mình từ TP. Hồ Chí Minh ra đây, tìm đến với chúng tôi và mong muốn được đặt chân đến điểm cuối cùng cực Tây của Tổ quốc. Chúng tôi cũng bố trí chiến sĩ dẫn đường và thu xếp chỗ ăn nghỉ. Có những người tuổi đã cao nhưng vẫn còn nguyên những khao khát tuổi trẻ và tìm đến đây chinh phục cột mốc. Như trường hợp của bác Phạm Quốc Thái, 62 tuổi, ở Thụy Khuê, Hà Nội, nguyên là cán bộ văn phòng Chính phủ là một ví dụ.
Hay thậm chí có cả những người gần 80 tuổi cũng tìm đến với cột mốc từ cách đây hơn hai năm mà cho đến bây giờ các chiến sĩ ở đồn vẫn truyền miệng cho nhau nghe như là một tấm gương về quyết tâm và lòng dũng cảm của người Việt".
Khách du lịch chụp ảnh với thiếu tá Vũ Kim Hùng trước dãy nhà chính của đồn.
Nhiều người đến đây cũng dừng lại ở nhà dân và nhờ dân bản dẫn đường để đi thăm cột mốc. Tuy nhiên, với tâm lý an toàn và tin tưởng tuyệt đối nên đa số những người tìm đến với cột mốc ngã ba này đều vào đồn 317 để nhờ sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng. Khi đến với đồn, đúng với khẩu hiệu đồn là nhà, biên giới là quê hương, mọi người đều được đón tiếp chu đáo và thân tình như không khí của một gia đình đón tiếp những người thân đi xa về. Chỗ ăn, ngủ, nghỉ được bố trí chu đáo và khách đến đây còn được các chiến sĩ của đồn trực tiếp dẫn đường đi thăm cột mốc. Các anh luôn sẵn sàng nhường giường ngủ, phòng ngủ cho khách. Thậm chí nhiều khi khách tới đông, các chiến sĩ phải nhường những xô nước mưa ít ỏi cho khách dùng, còn mình thì dùng nước suối vẩn đục.
Chiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, sinh năm 1984, quê ở Thanh Hóa, người đã gắn bó với đồn A Pa Chải gần mười năm nay chia sẻ: "Mình ở đây lâu, quen với điều kiện sống khắc nghiệt rồi, mình có thể chịu được nên nhường những điều kiện tốt nhất có thể cho khách đường xa, có khi họ cũng chỉ đặt chân tới đây một lần trong đời. Nhu cầu thăm cột mốc ngã ba biên giới từ khi cắm mốc cho đến nay liên tục tăng, nhất là vào những dịp nghỉ lễ. Như dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm 2011 vừa qua vào đúng hai ngày nghỉ nên cả nước có thêm hai ngày nghỉ bù, có hàng trăm người cùng tới đây để được đi thăm cột mốc ngã ba biên giới cùng một lúc. Bọn mình đã phải tản cư và dành hẳn một dãy nhà cho khách mà nhu cầu vẫn không đủ dùng. Có những giường một mà phải nằm tới hai, ba người khách. Bữa ăn cũng trở nên đạm bạc hơn do lượng người ăn tăng đột biến".
Từ tháng 4 năm 2011 trở về trước, hầu như ai đến với đồn biên phòng 317 để được mục sở thị cột mốc số 0 ở ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào cũng được đón tiếp rất chu đáo và miễn phí. Tuy nhiên, do lượng người tới vào dịp lễ quá đông, những thứ thuộc về cây nhà lá vườn không đủ để đón tiếp đồng bào một cách chu đáo. Do đó, để những người đến thăm cột mốc ngã ba biên giới không còn phải ăn đói, ngủ chật nữa, đồn đã xin ý kiến cấp trên đầu tư hẳn một dãy nhà khách ngay bên phải lối cổng vào. Dãy nhà khách nằm xa khu ăn ở của các chiến sĩ chừng 100m, tạo không gian riêng biệt cho khách đến tham quan. Cả dãy có gần hai mươi phòng ở với sức chứa hàng trăm người. Mỗi phòng đều có chăn, màn, chiếu đầy đủ, thậm chí có phần được ưu ái hơn so với sinh hoạt của các chiến sĩ.
Cực Tây A Pa Chải là điểm cực xa nhất về phía Tây của Việt Nam. Đây còn là một trong hai ngã ba biên giới của Tổ quốc (ngã ba biên giới thứ hai thuộc khu vực đồn biên phòng 677 xã Bờ Y huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum giữa Việt Nam - Lào - Campuchia). Mốc số 0 A Pa Chải được ba bên (Việt Nam - Lào - Trung Quốc) thống nhất và cắm xong mốc ngày 27/6/2005.
Thiếu tá Vũ Kim Hùng, chính trị viên phó đồn 317 cho biết: "Việc mở dịch vụ du lịch mốc ngã ba biên giới như vậy nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu thăm quan điểm cực Tây của Tổ quốc ngày càng đông của đồng bào. Chúng tôi mong muốn sẽ hoàn thành những tâm nguyện cũng như khát vọng muốn chinh phục khó khăn và vượt lên chính mình của mọi người một cách tốt nhất có thể. Chúng tôi đưa việc thăm mốc ngã ba biên giới thành dịch vụ du lịch không phải với mục đích kinh doanh mà chỉ muốn đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc khi đến đây cùng chia sẻ những khó khăn với anh em chiến sĩ. Sự đồng cảm của mọi người chính là nguồn động viên lớn cho chúng tôi vững chắc tay súng bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc".
Dương Thu
Theo Người đưa tịn