Lãnh đạo UBND và Phòng Tài nguyên Môi trường (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) khẳng định sẽ chỉ đạo vào cuộc quyết liệt để xử lý vấn đề xây dựng nhà xưởng và công trình nhà ở kiên cố trên đất lâm nghiệp tại xã Đạo Tú và trên toàn địa bàn huyện nhưng thực tế, vi phạm đến nay vẫn ngang nhiên diễn ra.
Báo Đời sống và Tiêu dùng số 304 có bài viết: “Vĩnh Phúc: Đất lâm nghiệp biến tướng thành nhà xưởng” phản ánh về việc hàng nghìn mét vuông đất lâm nghiệp tại địa bàn thôn Đoàn Kết 1, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) được 2 doanh nghiệp “tự tiện” chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp để xây dựng nhà xưởng và các công trình nhà ở kiên cố vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, trật tự xây dựng.
Nhiều khuất tất cần làm rõ
Trước đó, ngày 16/5/2019, theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại thôn Đoàn Kết 1, xã Đạo Tú có 02 nhà xưởng được xây dựng kiên cố hàng nghìn mét vuông và các công trình nhà ở cũng được xây dựng. Xung quanh khu nhà xưởng tiếp giáp không xa khu dân cư sinh sống tại đây và tuyến đường liên xã, đường điện cao thế cũng chạy qua gần khu vực nhà xưởng, cùng với đó thực tế cho thấy 2 nhà xưởng đang hoạt động sản xuất gỗ ép rất sôi động, có tới vài trăm công nhân đang làm việc tại đây.
Cụ thể, vào cuối tháng 3/2019, sau một vụ hỏa hoạn nhà xưởng ông Đinh Văn Huy, UBND xã Đạo Tú ra văn bản số 30/BC-UBND ngày 15/5/2019 báo cáo về việc tự ý chuyển mục đích đất lâm nghiệp tại thôn Đoàn Kết 1, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương đối với hộ ông Đinh Văn Huy, yêu cầu hộ gia đình phải tự tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp trả lại mặt bằng của đất như ban đầu. Thời gian tháo dỡ xong trước 17 giờ ngày 25/5/2019.
Nhưng điều lạ lùng, văn bản xã Đạo Tú ban hành và yêu cầu xử lý dứt điểm là vậy. Ngày 24/5/2019, phóng viên lại có mặt trực tiếp tại đây và ghi được hình ảnh nhà xưởng ông Đinh Văn Huy đã khắc phục hậu quả của cuộc hỏa hoạn xong xuôi đâu vào đấy như chưa có gì xảy ra trước đó, mái tôn màu xanh dương đã được bao phủ hết và chu bị đi vào hoạt động sản xuất gỗ ép lại. Nghĩa là chỉ sau 9 ngày khi văn bản của UBND xã ban hành và yêu cầu tháo dỡ xong trước 17 giờ ngày 25/5/2019, gần như cơ sở ông Huy không chấp hành mà thay vào đó UBND xã cũng không hề có động thái gì tiếp theo để xử lý dứt điểm, vẫn có tín hiệu “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp tái diễn sai phạm.
Đặc biệt, đối với cơ sở bà Liên ở cạnh cũng xây dựng lên tới hàng nghìn mét vuông nhà xưởng và công trình xây dựng kiên cố vẫn đang hoạt động bình thường “ung dung” không bị cơ quan nào kiểm tra và xử lý, việc cháy xưởng nhà hàng xóm chứ đâu cháy xưởng nhà mình mà lo. Có lẽ nào, sau vụ hỏa hoạn cháy xưởng nhà ông Huy, đã lộ ra chân tơ kẽ tóc đối với nhà xưởng và phần đất bà Liên đang sử dụng là hoàn toàn sai phạm vì xây dựng trên đất lâm nghiệp, nhưng từ tháng 5/2010 cho đến nay là gần 10 năm thì chính quyền UBND xã ở đâu, mà không có động thái gì để cho sai phạm tồn tại.
Trao đổi với phóng viên, ngày 24/5/2019, ông Nguyễn Văn Khải – Chủ tịch UBND huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc cho biết: “Việc xây dựng nhà xưởng và công trình kiên cố trên đất lâm nghiệp chúng tôi quyết liệt xử lý. Trước sự việc này chúng tôi đã yêu cầu có văn bản chỉ đạo và UBND xã Đạo Tú đang xử lý, trong mấy ngày hôm nay chúng tôi cử cán bộ xuống địa bàn xã liên tục và có nằm trong kế hoạch chung của huyện, thực tế quan điểm của huyện không bao giờ bao che dung túng sai phạm của bất kỳ trường hợp nào. Đây là những sai phạm từ ngày trước nên quá trình giải quyết phải có quá trình thời gian, còn trước mắt là phải khắc phục việc nhà xưởng vừa xảy ra mà thành xây dựng thành nhà là sẽ kỷ luật ngay ông chủ tịch xã trên địa bàn quản lý, nhưng phải có thời hạn bao nhiêu ngày tự tháo dỡ và nếu quá ngày đó mà chưa xử lý phải có biện pháp cưỡng chế và phải đúng quy trình, thủ tục pháp luật”.
Địa bàn huyện có hàng nghìn trường hợp vi phạm
Ông Bùi Văn Quân – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Dương thừa nhận: “Không chỉ 2 nhà xưởng thôn Đoàn Kết 1, xã Đạo Tú xây dựng sai phạm trên đất lâm nghiệp. Trên địa bàn huyện Tam Dương theo hồ sơ thống kê nhiều năm nay có hàng nghìn trường hợp vi phạm vẫn đang được xử lý mà vẫn chưa xong”.
“Tại khu đất của ông Huy và bà Liên là vừa rồi Thanh tra tỉnh đã có kết luận về vi phạm hành chính, hiện nay là đang đôn đốc thực hiện kết luận và UBND huyện cũng đã giao cho Thanh tra huyện nhanh chóng thực hiện và trong kết luận cũng nói rất rõ là cơ quan thực hiện đó là UBND xã và vừa rồi chúng tôi cũng có ban hành công văn chỉ đạo đối với trường hợp ông Huy, còn bà Liên vừa rồi thanh tra cũng có văn bản đôn đốc, nhưng hiện nay phía xã Đạo Tú vẫn đang triển khai thực hiện, còn trước đó UBND xã cũng có lập biên bản xử phạt hành chính đối với chỗ cơ sở ông Huy”.
Gần đây, phía UBND huyện Tam Dương có ban hành văn bản số 273/UBND – TNMT, ngày 5/3/2019 về việc kiểm tra hoạt động xây dựng, đổ đất trên trục đường TL310 địa phận các xã Đạo Tú, Hướng Đạo, theo nội dung văn bản chỉ rõ: “1.Giao cho Chủ tịch UBND các xã Đạo Tú, Hướng Đạo chủ trì, phối hợp với các phòng KT&HT, TN&MT khẩn trương kiểm tra hoạt động xây dựng và đổ đất nêu trên, hồ sơ đất đai, xây dựng…Trường hợp phát hiện vi phạm, Chủ tịch UBND các xã Đạo Tú, Hướng Đạo chỉ đạo lập hồ sơ xử lý và tổ chức thực hiện xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo UBND huyện tình hình trước ngày 11/3/2019”.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: “Việc xây dựng nhà xưởng và các công trình kiên cố trên đất rừng là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật… Đây là hành vi “sử dụng đất không đúng mục đích” bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013. Hành vi này sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, với mức xử phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cùng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.
“Điều đáng nói trong các vụ việc này là các công trình vi phạm có quy mô lên đến hàng nghìn mét vuông, thậm chí có nhà xây kiên cố, có hàng trăm công nhân làm việc, lại cách không xa khu dân cư, các tuyến đường liên xã nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm qua. Điều đó không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm mà còn cho thấy, việc thực thi công vụ của chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương rõ ràng là có vấn đề” – Luật sư Tuấn nói.
Sơn Thủy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng