Sự kiện hot
3 năm trước

Đất nền Bắc Trung Bộ 'tắt' cơn sốt

Đất nền tại các tỉnh Bắc miền Trung đã giảm nhiệt nhờ việc can thiệp kịp thời của UBND các tỉnh và động thái nắn chỉnh dòng vốn của các nhà băng.

Đất nền Bắc Trung Bộ 'tắt' cơn sốt

“Sốt” đất giảm nhiệt

Thanh Hoá, những tháng đầu năm 2022, người dân chứng kiến một cơn “sốt đất” chưa từng thấy. Không chỉ ở TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn giá đất mới tăng mạnh mà điều này diễn ra ở hầu khắp các nơi, thậm chí cả ở vùng hẻo lánh. Tuy nhiên, bạo phát bạo tàn, giá đất lên nhanh thì cũng xuống nhanh.

Anh Hoàng Nghĩa Hiếu, một môi giới bất động sản tại Sầm Sơn, cho biết: “Từ đầu tháng 2/2022, giá đất nền tại nhiều địa phương của Thanh Hoá đã tăng chóng mặt, trung bình khoảng 50%-60% so với cuối năm trước. Nhưng cũng với lô đất đó hoặc các lô đất có giá trị thấp hơn thì ở thời điểm hiện tại không thể giao dịch được. Nhiều nhà đầu tư tay ngang hoặc cò đất vay ngân hàng xuống tiền cọc đang rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở vì nguy cơ mất cọc rất cao”.

Bà Nguyễn Thanh Hà, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại TP. Thanh Hóa, nhận xét: “Nhìn chung thị trường bất động sản Thanh Hóa vài tuần trở lại đây có dấu hiệu hạ nhiệt, ở một số điểm sốt đất ‘hầm hập’ như TP. Sầm Sơn, TP. Thanh Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương không còn cảnh người mua kẻ bán, đặt cọc, chốt lời như trước. Hiện tại nhà đầu tư đang dần rút khỏi thị trường khiến nhiều ‘cò đất” hay nhà đầu tư lướt hàng đã trót đặt cọc không thể thoát ra, dù cho giá đất vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống”.

Tại Nghệ An, ghi nhận của Tạp chí Đầu tư Tài chính cũng cho thấy cơn sốt đất nền thời gian gần đây cũng đã giảm hẳn. Việc hàng loạt nhà đầu tư tham gia đấu giá đất xong đồng loạt bỏ cọc vào đầu tháng 5/2022 vừa qua có thể xem như một chỉ báo rõ ràng.

Theo ông Phan Xuân Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, địa phương này vừa có quyết định về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã: Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ. Theo đó, từ ngày 28/1, các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Bích, Diễn Phúc, Diễn Mỹ được UBND huyện Diễn Châu phê duyệt kết quả trúng đấu giá một số khu vực quy hoạch diện tích đất ở.

Thời điểm đấu giá, đất ở các xã trên rất “nóng” khi lượng người tham gia đông, đất đấu giá tăng cao so với giá đất bình thường tại địa phương. Người mua đã đóng số tiền đặt cọc từ 110 - 385 triệu đồng/thửa tùy theo diện tích và vị trí, tổng số tiền đặt cọc là hơn 15,7 tỷ đồng. Ngày 28/1, UBND huyện Diễn Châu đã công nhận kết quả đấu giá các lô đất kể trên. Tuy nhiên, đến thời hạn nộp tiền mua đất theo quy định, các nhà đầu tư đã không nộp hoặc nộp không đủ số tiền trúng đấu giá. UBND huyện Diễn Châu đã quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất đối với 73 lô đất kể trên, đồng thời thu nộp ngân sách nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá.

Đáng chú ý, trong số khách hàng tham gia đấu giá và nộp tiền có ông N.T.N. (trú tại Hà Nội) trúng đấu giá 19/28 lô đất tại vùng quy hoạch Rộc Thum Bắc, xã Diễn Phúc. Việc bỏ cọc đồng nghĩa với việc người đàn ông này mất 7,3 tỷ đồng tiền đặt cọc đã nộp trước đó.

Không chỉ thị trường bất động sản ở Thanh Hoá, Nghệ An có dấu hiệu hạ nhiệt mà các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng chung chiều hướng khi nhiều giao dịch đã bị bỏ ngang. Một số phiên đấu giá đất có ít người tham gia.

Bà Nguyễn Thị P. (thôn Việt Yên, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) cho hay: “Hơn tháng trước, ngày cao điểm có khoảng 200 đến 300 xe ô tô về các thôn Lộc Thọ, Việt Yên, Trung Trinh, Bùi Xá, Hòa Bình... (gần dự án khảo sát của khu công nghiệp VSIP và nhà máy may mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina - PV) tìm mua đất. Riêng nhà tôi, mỗi ngày đón khoảng 20 khách đến hỏi mua đất, nhiều thời điểm quá mệt mỏi phải đóng cửa không tiếp. Giá đất tăng từng ngày, những vị trí đẹp trước được rao bán vài trăm triệu đồng cũng khó có người mua nhưng thời điểm đó tăng lên tiền tỷ. Thế nhưng, hơn tháng nay, không thấy bóng dáng nhà đầu tư đất nào về đây hỏi mua nữa”.

Còn tại Quảng Trị, anh Trần Xuân Quyết, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản, thông tin thời gian gần đây số lượng cuộc gọi, tin nhắn đưa đi xem đất tại các điểm trên địa bàn TP. Đông Hà giảm rõ rệt, thậm chí nhiều người còn bỏ, rút tiền cọc, không giao dịch. Một số xã trên địa bàn huyện tổ chức đấu giá đất không có người mua hoặc đấu giá đất thành công nhưng lại lo các nhà đầu tư “bỏ cọc”...

Đất nền “rơi” về giá trị thực

Trước hiện tượng thị trường nhiễu loạn, giá đất bị “thổi phồng”, UBND các tỉnh đã chỉ đạo triển khai các giải pháp để ổn định, đưa hoạt động giao dịch bất động sản từng bước đi vào ổn định.

Cụ thể, UBND các tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc phổ biến pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản; công bố công khai, kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đang triển khai và thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký quyền sử dụng đất, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất... Các tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm với hành vi không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Một giải pháp tích cực tác động đến hoạt động mua bán bất động sản đó là việc “siết” dòng tiền vào lĩnh vực này. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các hội sở chính, ngân hàng thương mại đã tăng cường siết chặt tín dụng bất động sản. Theo đó, nhiều ngân hàng đặc biệt lưu ý với các khoản vay tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực bất động sản, hạn chế cho vay bất động sản, tham gia đấu giá đất…

Nói về giải pháp “thắt” nguồn tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm các giải pháp, nhiệm vụ đảm bảo an toàn hoạt động, trong đó, kiểm soát chặt các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán... đồng thời yêu cầu các tổ chức phải hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ”.

Ngoài ra, góp phần đưa thị trường bất động sản qua “cơn sốt” là sự vào cuộc của ngành thuế. Ban hành công văn về tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản vào cuối tháng 2/2022, ngành thuế đã đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người nộp thuế kê khai chính xác, trung thực nhằm chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản và phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh xử lý hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Cùng với đó, lãnh đạo các tỉnh đã có các văn bản yêu cầu các cơ quan, địa phương tăng cường quản lý các hoạt động công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch về bất động sản. Đặc biệt là phối hợp với các sở ngành phát hiện, xử lý hành vi công chứng “khống”, công chứng “treo” các hợp đồng, giao dịch bất động sản.

Ông Nguyễn Đình O. - Trưởng một văn phòng công chứng ở Hà Tĩnh cho biết: “Những tháng đầu năm 2022, không chỉ tại văn phòng của chúng tôi mà hầu hết văn phòng trong toàn tỉnh đều trong tình trạng tấp nập, quá tải vì lượng người đến để thực hiện công chứng liên quan đến các hợp đồng giao dịch bất động sản quá đông. Tuy nhiên, gần 2 tháng trở lại đây. các giao dịch có vẻ lắng xuống, lượng người đến thưa dần. Trong tuần gần đây thì chỉ lác đác vài hợp đồng liên quan đến bất động sản”.

Minh Châu
Theo vietnamfinance.vn

Từ khóa: