Mỗi dịp đầu Xuân năm mới, nhiều người Việt lại đi xin chữ thánh hiền. Đây là mỹ tục đã có từ lâu đời, tồn tại ở nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo, trong đó có Việt Nam. Xin chữ là để lấy may, cầu mong một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Nét đẹp của người Việt
Văn hóa Việt chịu ảnh hưởng khá lớn từ những quy tắc, lễ nghi Nho giáo. Ngay từ xa xưa, khi Nho giáo với đặc trưng chữ Hán, và sau này là sự sáng tạo của người Việt - chữ Nôm ra đời thì chữ viết luôn rất được coi trọng.
Quý chữ, kính chữ đạt đến tột đỉnh. Biết chữ hay nói rộng ra là việc học hành được coi như thước đo đánh giá nhân cách và sự nghiệp của một con người. Học cao hiểu sâu, đỗ đạt qua thi văn là niềm tự hào làm rạng danh không chỉ một cá nhân mà cả dòng họ. Chính vì thế, người Việt từ xưa đã rất thờ chữ. Tục rước chữ, chơi chữ và xin chữ xuất hiện vào những dịp lễ, Tết vừa là sự tôn vinh, vừa để thưởng ngoạn và hơn hết là cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với cá nhân, gia đình và dòng họ.
Theo ông Nguyễn Đăng Hiển – một nhà nho có tiếng đất Kinh kỳ, những ông đồ ngày xưa rất được trọng vọng. Kính lễ với thầy là đạo đức với bất kì một ai. Người xưa có câu “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”. Là những người học cao, hiểu biết, được kính trọng nên trong những ngày lễ, Tết, rất nhiều người đến xin chữ thầy đồ. Đây cũng là việc mà cả người xin chữ và cho chữ đều hết sức trân trọng, nâng niu.
Chữ xin là tùy vào nguyện vọng của người xin chữ. Thông thường ai cũng mong được phúc của người cho chữ, mong chữ xin được ứng với những điều mong mỏi, có thể là xin tài lộc, xin chữ phúc, có người lại cầu sức khỏe nên xin chữ thọ… Cũng có khi người đến xin chữ còn băn khoăn chưa biết chọn xin chữ gì thì thầy đồ sẽ có những nhạy bén, tâm tình để hiểu tâm tư, nguyện vọng mà tìm chữ cho thích hợp. Chính bởi vậy nên chữ được cho đi, được xin rất đáng trân quý, đáng mặt chữ và hồn chữ.
Ngoài ra, còn một cách nữa là tặng chữ. Tuy nhiên, điều này hiếm hơn, thường phải là những người chơi với nhau, biết nhau, quý trọng và hiểu tính khí, tâm tư của nhau mà tặng chữ. Chữ thường được viết trên giấy hồng, giấy đỏ, biểu tượng của may mắn, tốt lành. Đầu Xuân năm mới có chữ treo trong nhà, không chỉ điểm tô sắc màu cho ngôi nhà mà còn là bao ước vọng của con người về một năm mới được gửi gắm trong đó, thể hiện tinh thần hiếu học, trọng tri thức của người Việt.
Nghĩ về xin chữ hôm nay
Theo Nhà nho Cung Khắc Lược, ngày xưa, những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Có người xin chữ Lộc, cũng có người xin chữ Tài, chữ Phúc, chữ Tâm.
Ngày nay, người trẻ tỏ ra là những người chuộng chữ nghĩa nên đầu năm rủ nhau đi xin chữ. Cũng có thể đôi khi chỉ là sở thích được sở hữu một vật mang tính chữ nghĩa để treo trong nhà. Nhưng phổ biến hơn cả là tâm lý cầu mong chữ đem lại thứ mình mong muốn. Chẳng hạn, những người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn. Người buôn bán xin chữ Lộc, chữ Tín. Người làm quan xin chữ Danh… Đối với gia đình, người ta thường xin chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm. Phần lớn người xin chữ dạo khắp, ngắm nghía, kén chọn như đi xem hàng rồi dừng lại nơi bắt gặp con chữ bắt mắt và quyết định xin. Người xin thích chữ gì, người viết làm ra chữ đó. Cả người làm ra và người xin đều chú trọng đến mặt nghệ thuật viết chữ hơn là bản thân con chữ. Nói cách khác, đa phần người đi xin chữ giống người mua tranh và người viết giống người vẽ tranh, hầu như ít ai quan tâm đến sức mạnh tinh thần của con chữ. Mặc dù vậy, họ vẫn vui hân hoan khi xin được chữ như ý muốn, cầu mong một năm mới an khang, vạn sự như ý.
Xin chữ là thể hiện tâm nguyện của sự học. Bởi lẽ chỉ có học mới được chữ. Chữ không phải là thứ có thể đem cho, tặng (thậm chí) bán như hiện nay. Những cái được gọi là chữ bày la liệt vào mỗi dịp Tết cổ truyền thực chất chỉ là “từ” chứ không phải “chữ”. “Từ” là thứ có hình tượng, âm tiết có thể viết ra để đọc, nói ra để nghe. Thực chất tất cả những cái gọi là chữ hiện nay mọi người đi xin chỉ là từ. Nhưng chữ thì phải học mới có. Bởi vậy, muốn có chữ thì phải học chứ không thể xin. Vậy thì sao lại có tục xin chữ như đã nói ở trên?
Xin chữ là để học, để tu rèn chứ không phải để có cái treo trong nhà. Muốn vậy cần phải biết vào thời điểm xin chữ, người đi xin cần học chữ gì. Ngược lại, người cho chữ là người phải biết cho ai chữ gì họ cần chứ không phải cho chữ họ muốn. Chẳng hạn, người buôn bán muốn xin chữ Lộc, nhưng người cho chữ lại thấy họ cần chữ Tín, bởi vì họ đang thiếu đức tín thì không thể cho chữ Lộc. Mục đích cao cả của học chữ là để thành Người. Nếu không vì mục đích này thì cho chữ chỉ giúp việc buôn bán biến người kia thành con buôn chứ không thể là người buôn hay nhà buôn được.
Để cho chữ đúng người cần, người cho chữ phải minh chữ và có khả năng trực giác. Chỉ bằng trực giác thì mới “nhìn” thấu được đối tượng xin là ai và cái gì cần cho họ. Trực giác chính là Thầy. Đây là lý do người đời gọi những người cho chữ là Thầy. Chữ Thầy là để nói đến trực giác, trí tuệ chứ không phải tri thức học được của người cho chữ. Người có trí thức không hẳn là người trí tuệ nhưng người có trực giác là người trí tuệ. Người có trí tuệ là người có Chữ, người có nhiều tri thức chưa chắc đã là người có nhiều chữ. Phải có Chữ mới cho được Chữ, nếu không có lấy gì mà cho. Người có tri thức nhưng không có trí tuệ (tức không có Chữ) thì chỉ cho được tri thức chứ không có Chữ để cho. Ví dụ muốn cho người khác chữ An thì bản thân người cho phải có An. Nếu người cho chữ bất an thì lấy đâu ra an mà cho người khác. Cho nên xin chữ là xin cái Trí tuệ của người cho chữ được gửi vào từng nét chữ chứ không phải một bức họa chữ đơn thuần. Chỉ có trí tuệ mới dẫn dắt con người thành Người. Nói như vậy không có nghĩa là cứ nhận được chữ là trở thành người có chữ. Như trên đã nói, muốn có chữ phải học tập, rèn luyện, phải qua thử thách. Vậy việc nhận chữ có ý nghĩa gì?
Người cho chữ đúng nghĩa như nói ở trên giống như người tạo duyên cho người nhận chữ được khởi duyên. Tạo duyên giống như cho hạt giống tốt. Hạt giống đó đảm bảo nảy mầm nhưng nó phát triển ra sao lại phụ thuộc vào người chăm sóc nó. Giống tốt nảy mầm nhưng không được chăm sóc tốt nó vẫn bị thui chột. Do vậy, người nhận chữ phải dày công tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu cho có chữ, nếu không thì “chữ thầy lại trả thầy”.
Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng xin chữ như một thú vui, một cái mốt của thanh niên hơn là thực sự “tìm thầy học chữ”. Người viết miệt mài, cố gắng viết cho được nhiều, người xin thì chọn chữ mình thích rồi mang về treo trong nhà, có khi cả năm không biết có được mấy lần nhớ đến nó. Nơi xin và cho chữ chẳng khác nào một phố thương mại chuyên về những bức họa chữ.
Vậy nên, nếu tìm được thầy cho chữ mà xin vào ngày đầu xuân là phúc lớn nên nó là nét văn hóa đẹp và cần làm. Còn xin – cho chữ như hiện nay chỉ giống như cái mốt của một thời. Mốt nào rồi cũng hết thời nhưng học chữ là muôn thuở. Chỉ có trở về với những giá trị truyền thống bằng cái tâm sáng, thông tuệ, hiểu đúng bản chất vấn đề thì mới có thể giữ lại nguyên vẹn tục lệ xin – cho chữ như vốn có.
Dẫu vậy, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, đất trời giao hòa bước sang năm mới, vẫn chẳng thể thiếu bút nghiên, mực tàu giấy đỏ. Tất cả hòa quyện tạo nên một nét riêng thiêng liêng của không gian văn hoá dân tộc. Sự hiện hữu của ông đồ góp thêm nét đẹp truyền thống ấm cúng, trang trọng cho ngày Tết và nét chữ.
Những ngày Xuân, dạo qua “phố ông đồ” khiến cho ta như trở về kỷ niệm xa xưa, bất chợt vọng về tiếng ca dao ngày xưa bà, mẹ ru ầu ơ:
“Chẳng ham ruộng cả ao liền
Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ...”
Đường Lâm
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng