Sự kiện hot
4 tháng trước

Đẩy mạnh công tác quản lý và thu thuế trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử

Sự phát triển TMĐT vừa mở ra không gian rộng lớn góp phần tăng thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý thu thuế bởi sự thu hẹp thương mại truyền thống, thay đổi đối tượng nộp thuế, cách thức tính thuế, phương thức thu thuế.

Pháp luật về thuế trong thương mại điện tử
Đẩy mạnh công tác quản lý và thu thuế trên nền tảng số và thương mại điện tử.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 10/2023, đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp là 11.498 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 3.478 tỷ đồng; năm 2023 là 8.020 tỷ đồng. Một số nhà cung cấp nộp thuế lớn nhất là Meta (facebook); Google; Apple; Microsoft...

Thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa. Đồng thời, cũng có ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng.

Hiện ngành Thuế toàn quốc đang nắm bắt thông tin của hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn. Thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn bao gồm: tên, mã số thuế/đăng ký kinh doanh/căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ, ngành hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị giao dịch thông qua sàn.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Công điện nhấn mạnh công tác thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ngành, địa phương có tiến độ thu đạt thấp. Nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương.

100% sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng  giả

Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tuy tăng so với cùng kỳ, song mới đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, vẫn còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao năm 2023.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu hơn nữa NSNN.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn. Nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu...

Kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước. Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Tăng cường công tác thanh tra thuế, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, hoàn thuế, phát hiện, xử lý kịp thời gian lận thuế, hóa đơn.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản, buôn lậu xăng dầu qua đường biển và qua biên giới…

Thực hiện việc tái cấu trúc, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình cơ cấu lại…

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: