Sự kiện hot
5 năm trước

Đề xuất xử phạt vi phạm giao thông đường bộ tối đa từ 40 triệu lên 75 triệu đồng

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, trong đó, giao thông vận tải đường bộ từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng.

Sáng 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên 75 triệu đồng?

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: Giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng.

Điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng trình bày cho hay các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực. Báo cáo tổng kết thi hành Luật không đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa...

hoang-thanh-tung
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn.

Cũng theo báo cáo này, đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa về các lĩnh vực này của các cơ quan trong hồ sơ dự án Luật chỉ nêu chung chung là để bảo đảm tính răn đe, giáo dục, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm…; ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể, thiếu thuyết phục.

"Chưa có cơ sở để xem xét việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đề xuất. Thực tế cho thấy, biện pháp hữu hiệu hơn để bảo đảm tính răn đe và giáo dục của việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) là thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi hành vi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Mặt khác, Ủy ban Pháp luật nhận thấy một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi VPHC (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật XLVPHC mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp.

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nói thêm: "Trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được Luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa mà không cần thiết phải sửa đổi Luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó. Ủy ban đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực".

Tăng phạt tiền để răn đe

Cho ý kiến về dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng ở lĩnh vực giao thông, tình trạng vi phạm, trong đó có hành vi nhồi nhét khách vẫn diễn ra trong khi mức xử phạt chưa tương xứng.

Theo ông, xe chở 40 người nhồi nhét đến 80 người. "Bây giờ cứ phạt 1 triệu/người chở thêm, nếu chở vượt 40 người thì phạt 40 triệu đồng thì sợ ngay. Có hành vi phải phạt nặng như chống đối người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức hình sự. Lái xe thấy bị công an kiểm tra thì đóng cửa xe bỏ đi, không chấp hành thì cần phạt nặng để lần sau phải tuân thủ", ông Hiển nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến dẫn chứng có những điều chỉnh tăng mức phạt đảm bảo hiệu quả, được ủng hộ như Nghị định 100 về xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Mức phạt cao nên người điều khiển phương tiện phải cân nhắc, qua đó đảm bảo sự răn đe và nâng cao tính chấp hành của người dân.

nguyen-thi-kim-ngan
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng cho biết sau khi Nghị định 100 về xử lý vi phạm về nồng độ cồn đi vào cuộc sống, tai nạn giao thông dịp Tết giảm khoảng 20%, đặc biệt là nguyên nhân từ rượu bia giảm. Đây là vấn đề cần nhìn nhận để xử lý trong luật này.

Đồng các quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh vừa qua có những quy định phạt nặng nhưng người dân ủng hộ như xử lý lái xe sử dụng rượu bia.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Số tiền phạt 40 triệu đồng bằng cả chiếc xe máy mới. Không muốn ảnh hưởng đến thu nhập thì đừng vi phạm. Việc tăng mức phạt tiền tối đa để đáp ứng yêu cầu thực tế, đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm".

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ cơ sở tăng mức phạt tiền tối đa với 10 lĩnh vực và bổ sung phạt mức tối đa với 6 lĩnh vực khác. "Các lĩnh vực đó có khó khăn, cấp bách, cần thiết phải tăng mức phạt hay không? Tại sao không phải lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm? Phải làm rõ thực tiễn để thuyết phục đại biểu Quốc hội", bà Ngân nói thêm.

Bảo Lâm
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: