Nhiều bến cóc, xe dù gắn chặt với quyền lợi của không ít cán bộ địa phương nên việc dẹp bỏ không dễ. Ảnh: Tấn Thạnh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-6, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT, cho biết từ ngày 21-6 đến 20-10, cơ quan này tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô liên tỉnh tại các TP là Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TPHCM và tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi thanh tra sở GTVT các địa phương còn lại đề nghị đồng loạt ra quân kiểm tra, giám sát hoạt động của xe khách.
Hiện, đoàn thanh tra do ông Thạch Như Sỹ dẫn đầu đang thanh tra việc chấp hành quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định ở TP Cần Thơ. Ông Sỹ cho biết thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định còn nhiều bất cập như tranh giành khách giữa các phương tiện; bến cóc, xe dù xuất hiện phổ biến ở hầu hết các địa phương; chất lượng phục vụ ở một số doanh nghiệp chưa bảo đảm yêu cầu của Nghị định 91/2009 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. “Hy vọng qua đợt thanh tra này, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ được nguyên nhân của các vụ tai nạn, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT áp dụng nhiều biện pháp chấn chỉnh kịp thời” - ông Sỹ nói.
Từ kinh nghiệm thực tế, Giám đốc Bến xe Gia Lâm (Hà Nội) Nguyễn Như Trúc cho rằng nhiều doanh nghiệp vận tải còn kinh doanh theo hình thức chụp giật, không coi trọng việc giáo dục đạo đức cho tài xế và phụ xe. Từ đầu năm tới nay, Bến xe Gia Lâm đã đình chỉ hoạt động 61 phương tiện do vi phạm về dừng đỗ, không có vé, treo biển sai tuyến, xuất bến sai giờ…
“Chúng tôi công khai biểu đồ, phương tiện của các doanh nghiệp vận tải trên tuyến để họ giám sát lẫn nhau và kiên quyết không cho các phương tiện không đủ điều kiện vào bến đón khách” - ông Trúc khẳng định. Theo ông Trúc, sắp tới, Bến xe Gia Lâm sẽ lắp đặt hệ thống camera để giám sát hoạt động của xe khách. Thông tin thu được từ camera sẽ được chuyển tới Công an quận Long Biên và Cảnh sát 113 để xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết sau một thời gian phân cấp quản lý và cấp phép kinh doanh vận tải cho sở GTVT các địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực. Đặc biệt, nạn bến cóc, xe dù ngày càng rầm rộ ở Hà Nội và TPHCM. “Nhiều bến cóc, xe dù gắn chặt với quyền lợi của không ít cán bộ địa phương nên việc dẹp bỏ không dễ” - ông Hùng nhận định. Theo ông Hùng, việc thanh tra hoạt động xe khách tại 5 tỉnh, TP lớn là rất cần thiết nhưng cần tránh hình thức và phải nhìn thẳng vào thực trạng kinh doanh xe khách hiện nay để có những điều chỉnh phù hợp.
Dẹp “đầu gấu” bến xe
Công an quận Long Biên - Hà Nội vừa phối hợp với Bến xe Gia Lâm giải tán nhóm “đầu gấu” được một doanh nghiệp vận tải thuê để dọa dẫm doanh nghiệp khác nhằm tranh giành khách. Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó trưởng Công an quận Long Biên, doanh nghiệp cạnh tranh phải văn minh, lịch sự chứ không thể dùng những biện pháp “lỗi thời” như thuê “đầu gấu” dọa dẫm. “Chúng tôi sẽ làm quyết liệt để tình trạng này không tái diễn trên địa bàn. Nếu phát hiện có trường hợp nào vi phạm thì sẽ áp dụng các chế tài mạnh nhất để xử lý” - ông Khanh kiên quyết.
|