Dantin - Dân trong nghề vẫn quen gọi nhái bằng một cái tên mĩ miều là “vũ nữ chân dài”. Nguồn gốc của tên gọi ấy xuất phát từ chính hình dáng những chú nhái sau khi chế biến và lên bàn nhậu với đôi chân “dài miên man” và duỗi thẳng đơ. Đặc biệt khi thưởng thức cũng có sức hấp dẫn đến lạ thường.
Dantin - Dân trong nghề vẫn quen gọi nhái bằng một cái tên mĩ miều là “vũ nữ chân dài”. Nguồn gốc của tên gọi ấy xuất phát từ chính hình dáng những chú nhái sau khi chế biến và lên bàn nhậu với đôi chân “dài miên man” và duỗi thẳng đơ. Đặc biệt khi thưởng thức cũng có sức hấp dẫn đến lạ thường.
Nghề săn nhái đêm gần như chỉ hợp với ai mệnh “ thổ” cầm tướng tinh “ con rái cá” vì theo người trong nghề thì việc đi săn nhái đêm như chơi một canh bạc trong đêm. Khác với miền Nam, thợ̣ săn nhái Bắc sử dụng rất nhiều phương thức như câu, đặt lưới, đặt chúm, móc hang... nhưng có lẽ hấp dẫn và năng suất nhất vẫn là đi soi nhái vào ban đêm.
THEO CHÂN PHI ĐỘI SĂN “VŨ NỮ CHÂN DÀI”
Phải mất mấy lần lên lịch hẹn, lần đầu tiên tôi mới có dịp được “ bám càng” “phi đội” săn nhái của anh Nguyễn Văn Hoàn (xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) dẫn đầu. Chúng tôi bắt đầu khởi hành lúc nửa đêm trong tiết trời lạnh đến “cắt da cắt thịt” đầu mùa đông. Đoàn đi có 5 người, hai người soi, hai người bắt còn tôi là thành phần “bâu xâu”. Thấy tôi cứ lập cà lập cập bước run rẩy, anh Hoàn luôn miệng giục tôi bước sát theo anh và cố đừng tạo tiếng động lớn khiến nhái sợ. Tôi cố bám theo theo vệt sáng đùng đục, loẹt quẹt chấp chới phát ra từ chiếc đèn soi chạy bằng pin con thỏ tự chế gắn trên đầu 4 thành viên trong phi đội săn nhái để không bỏ lại xa. Cái lạnh cộng thêm địa hình ruộng lầy khó đi khiến các bước chạy của tôi cứ liêu xiêu như kẻ say rượu đang tập “túy quyền”. Đã từng đi nhiều nơi, trải nghiệm qua đêm cũng nhiều nhưng đi lang thang rình mò từng góc ruộng, bờ mương trong cái lạnh mùa đông với màn đêm đặc quánh lại cộng thêm lắc rắc mưa rơi thì đây là lần đâu tiên. Bộ đồ nghề của thợ soi nhái đơn giản chỉ có chiếc bình ắc-quy, đèn soi, rọng sắt và cây chụp có khi chỉ cần một chiếc lốp, săm xe đạp, xe máy hỏng là có thể làm “vũ khí” để đi săn. Phương tiện đi lại chủ yếu của nhóm thợ làm nghề săn nhái là .. chân đất. Hôm nào “đánh bắt xa bờ” thì có thêm chiếc xe đạp cà tàng làm bạn đồng hành và thường vứt chỏng chơ ở bờ mương, bờ kè khi thực hiện việc săn nhái ngoài ruộng. Khi đến địa điểm đã được tiền trạm là có nhái từ trước đó, mấy thành viên trong phi đội sẽ tùy nghi di tản mỗi người mỗi hướng bắt đầu cho chuyến mưu sinh đầy may rủi và thử thách.
Nhóm thanh niên lật tìm bắt nhái vào ban ngày.
Bám riết theo “đội trưởng” Hoàn, chỉ cần thấy một vài thao tác của anh cũng đủ thấy anh là một tay “sát” nhái. Đặc biệt là cái tài quan sát mà theo tôi đánh giá nó như một thứ linh cảm, một giác quan thứ sáu và chỉ có ở người làm nghề chuyên nghiệp mới sở hữu được. Trên cánh đồng vừa thu hoạch vụ thu đông, anh Hoàn chỉ cần rảo một vòng là chiếc rọng đã rủng rỉnh những “nàng vũ nữ”. Chỉ cần một cú lướt đèn soi qua gốc rạ hoặc bụi rậm, anh Hoàn cũng có thể phát hiện một cách chính xác nơi ẩn nấp của ếch, nhái. Ngoắt chiếc đèn soi sang bờ mẫu để chụp con nhái cơm ngồi gọn dưới gốc rạ, anh Hoàn nói: “Trong các loại nhái thì nhái cơm là khó bắt nhất. Vì nó rất khôn và thính, chỉ cần nghe một tiếng động nhỏ là nằm thu gọn một chỗ. Nhiều con có màu da hòa lẫn với màu cây cỏ nên rất khó quan sát. Lắm lúc nó ở ngay dưới chân mình hoặc lọt hẳn vào trong luồng sáng của đèn rọi song cũng không thể thấy chúng được”. Anh Hoàn kể rằng, lúc mới vào nghề, chưa am hiểu về đặc tính của con nhái nên chúng tôi thường lắp chiếc đèn ắc-quy có ánh sáng trắng bắt mỗi đêm chỉ được chừng trên dưới một cân. Nhưng chỉ cần chỉnh chiếc đèn có ánh sáng đỏ và để ý chút xíu là sẽ bắt được nhiều. Bởi trong quá trình săn tìm, ánh đèn đỏ lướt qua sẽ tương phản với mắt nhái; nếu nhái cơm thì tròng mắt màu trắng, còn mắt ếch màu hơi đỏ và mắt cóc thì có màu đỏ bằm…
Ông Nguyễn Văn Phấn (56 tuổi, người xã Khánh Thượng), một tay soi nhái có tiếng trong “phi đội” của anh Hoàn cho biết, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong nghề săn nhái là phải biết nhìn trời. Vào những hôm trăng sáng, tuyệt đối không được đi săn. “Dân săn nhái kỵ nhất là ánh trăng. Vào đêm trời sáng trăng thì nên ở nhà bởi có đi thì cũng vác giỏ về không. Đó là bí quyết từ xa xưa để lại. Không hiểu sao vào đêm sáng trăng ếch nhái không bao giờ ra khỏi hang, chúng nằm bất động trong hang, mắt nhắm nghiền và bặt tiếng kêu”, ông Phấn nói. Ngược lại, vào những hôm trời mưa buổi chiều thì y như rằng đi săn sẽ trúng lớn. Trong suốt gần chục năm đi soi nhái, chưa có hôm nào thời tiết ưu đãi như thế mà ông bỏ lỡ, trừ khi bị ốm liệt giường mới chịu ở nhà. Đối với dân săn nhái, “ra trận” vào những hôm trời mưa buổi chiều có một cảm giác thú vị đặc biệt. Không chỉ vì bắt được nhiều, mà cảm giác khi săn được những “vũ nữ chân dài” to lớn, béo ngậy luôn tạo cho cánh thợ săn sự phấn khích tột độ, cũng giống như cầu thủ bóng đá lúc ghi bàn vậy. “Thời điểm như thế, ếch nhái bắt cặp dữ lắm! Một vũng nước xăm xắp mắt cá chân có khi bắt được cả cân nhái. Đêm nào bắt được nhiều, anh em lội bộ cả chục cây số mà chẳng ngán tí nào. Nếu gặp mưa giữa chừng thì dạt vào bụi tre hoặc trùm áo mưa ngồi tụm lại ở trên góc bờ ruộng, chừng nào ngớt hạt thì đi tiếp…”, ông Phấn nói.
NGHỀ CÓ NGUY CƠ... “THẤT TRUYỀN”
Buổi săn kết thúc cũng là lúc phía Đông đã ửng hồng. Anh em trong đội tập trung về cả nhà anh Hoàn nghỉ. Xô nhái lưng lưng, ước chừng cũng được đến vài cân được anh Hoàn đổ thẳng vào một cái bể khô rồi đậy nắp lại. Anh bảo, bỏ đói các “em vũ nữ” chừng một ngày, cho nó thải bớt chất thải trong người ra, tầm đến tối hôm sau đem ra làm thịt là ngon nhất.
Món nhái xào xả ớt được nhiều người ưa thích.
Đúng hẹn, chiều tối hôm sau, tôi cùng 4 anh em đã tập trung đầy đủ trong nhà anh Hoàn để được tận mắt nhìn anh chế biến món nhái sào xả ớt. Anh Hoàn cho biết, khi làm món này thì kiêng nhất là rưả nhái nhiều lần trong nước bởi làm vậy thịt nhái sẽ nhanh nhão và rất tanh. Để làm sạch nhái trước khi chế biến thì cần sục cả giỏ nhái vào nước muối đậm. Chất nhờn trên da nhái sẽ hết. Trước khi chế biến lột sạch da, rút hết những dải gân trắng ở hai đùi nhái, bỏ nội tạng. Sau đó ướp xả ớt, và đảo nhanh qua chảo dầu sôi. Khi nhái chuyển mầu vàng là được. Anh Hoàn cho biết, vài năm gần đây, trong nhà hàng, quán nhậu, món khô nhái cũng được kê trong thực đơn với cái tên khá kêu: “Vũ nữ chân dài”, do đó nhái cũng được tiêu thụ mạnh. Một cân rưỡi nhái sống khi làm khô hao hụt còn lại khoảng 300 gram. Mỗi cân nhái khô được nhà hàng thu mua với giá 200.000 đồng. Ngoài cung cấp cho nhà hàng phục vụ thực khách, nhái còn được bán phóng sinh. “Loại nhái ở trong các nhà hàng, trông to có vẻ ngon mắt nhưng thực chất là loại nhái công nghiệp, được nuôi ở các trang trại, thịt không thể ngon bằng nhái bắt ở đồng như thế này đâu”, anh Hoàn nói.
Một thợ soi nhái chuyên nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghề soi nhái ở các xã ven sông thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã tồn tại hàng chục năm nay. Hầu như xã nào cũng có một vài làng có người làm nghề. Mục đích có thể khác nhau, người bắt về ăn, người bắt về bán, người lại bắt về làm thức ăn chăn nuôi. “Vào mùa săn nhái có đến cả trăm đội ở các làng hành nghề. Săn nhái có thể kéo dài trong cả năm tuy nhiên vụ chính vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Sau vụ thu đông người đi săn nhái thưa dần do nhái vào mùa nghỉ đông rất khó bắt” ông Phấn cho biết. Theo ông Phấn, thời gian gần đây việc người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu nhiều trong canh tác khiến nguồn nhái tự nhiên cạn kiệt đi rất nhiều. Ngoài ra, một số tay săn nhái vì chạy theo lợi ích kinh tế đã đem cả xung điện, bình kích vào đánh bắt cá, ếch, nhái ở ao, hồ sông rạch khiến trứng nhái bị tuyệt diệt. “Nhiều đêm đi cả chục nơi mà chẳng thấy nhái. Bây giờ kiếm được vài cân nhái đem bán là việc rất khó. Chỉ đến khi vào vụ thì mới kiếm ăn được. Còn bình thường, anh em chỉ tranh thủ lúc nhàn rỗi rủ nhau đi kiếm chút đỉnh, về làm vài món nhậu chơi thôi. Cứ tình hình này, chỉ vài năm là nhái tự nhiên sẽ hết. Và các nàng “vũ nữ chân dài” lại chuyển sang nhân giống, nuôi công nghiệp như mấy ông ếch ộp, ba ba hiện nay thôi”, ông Phần thở dài.
Món nhái xào sả ớt đã xong được bắc ra mâm còn nóng hổi. Tôi cùng anh em trong đội săn nhái quây quần quanh mâm nhậu bốc khói nghi ngút và thơm nồng mùi vị đặc biệt của những nàng “vũ nữ chân dài”, cùng chúc nhau những chén rượu quê.
Trời càng về đêm không gian càng như đặc lại, nhấp một ly rượu đế và thưởng thức món nhái xào xả ớt cùng gia đình anh Hoàn và anh em trong đội khiến lòng tôi ấm lại. Tiếng ếch nhái thỉnh thoảng lại kêu ộp oạp từ cánh đồng xa cộng với cái lạnh đêm sương, tôi thực sự cảm nhận hết nỗi vất vả và cả cái thú vị của những người soi nhái.
Dân trong nghề vẫn quen gọi nhái bằng một cái tên mĩ miều là “vũ nữ chân dài”. Nguồn gốc của tên gọi ấy xuất phát từ chính hình dáng những chú nhái sau khi chế biến và lên bàn nhậu với đôi chân “dài miên man” và duỗi thẳng đơ. Đặc biệt khi thưởng thức cũng có sức hấp dẫn đến lạ thường.
|
Hòa Thắng