Sự kiện hot
13 năm trước

Dịch tai xanh tấn công miền Nam

Cuối cùng, điều lo lắng nhất cũng đã xảy ra: Dịch tai xanh trên lợn sau nhiều tháng hoành hành tại miền Bắc đã bắt đầu "tấn công" các tỉnh phía Nam. Bạc Liêu và Đồng Nai là những tỉnh đầu tiên dịch bệnh này tràn đến...

Cuối cùng, điều lo lắng nhất cũng đã xảy ra: Dịch tai xanh trên lợn sau nhiều tháng hoành hành tại miền Bắc đã bắt đầu "tấn công" các tỉnh phía Nam. Bạc Liêu và Đồng Nai là những tỉnh đầu tiên dịch bệnh này tràn đến...

Thiệt hại nặng nề hơn

Năm 2012, dịch tai xanh (DTX) bắt đầu xảy ra từ 11.1, tại tỉnh Lào Cai; đến nay toàn quốc ghi nhận các ổ DTX tại 123 xã, phường, thị trấn của 27 quận, huyện thuộc 11 tỉnh là Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn và Bạc Liêu (Đồng Nai chưa công bố dịch).

Không ngăn chặn kịp thời, dịch tai xanh sẽ gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong cuộc họp ngày 12.6 khẳng định, so với cùng kỳ năm 2011, thì DTX năm nay gây thiệt hại nặng nề hơn cho ngành chăn nuôi khi mà tổng số lợn mắc bệnh gấp 2,5 lần, với 33.778 con (năm 2011 là 14.759 con); số lợn tiêu hủy cũng nhiều hơn năm 2011 rất nhiều, là 21.708 con (năm 2011 là 14.158 con).

Diễn biến DTX năm nay có nhiều điểm bất thường so với năm 2011, ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: "Phần lớn các ổ dịch phân bố ở vùng miền núi phía Bắc và trung du như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái... và sau đó lây lan xuống các tỉnh đồng bằng sông Hồng là Bắc Ninh, Nam Định. Điểm khác biệt nữa là virus đã lưu hành rộng rãi trong đàn lợn, kể cả ở một số trại lợn giống của T.Ư và địa phương. Nếu tình hình này không được cải thiện thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn".

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng bày tỏ lo âu: "Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi rất khó khăn. Với việc dịch bệnh gia tăng như hiện nay, chỉ 4 tháng nữa sẽ xảy ra tình trạng không có thịt để cung cấp cho thị trường".

Dịch "tấn công" các tỉnh phía Nam

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho hay, DTX đã bắt đầu hoành hành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tỉnh đầu tiên phát dịch là Bạc Liêu.

Đầu năm 2012 cũng chính tại Bạc Liêu, DTX đã bùng phát lần đầu, may mắn là ổ dịch xảy ra không lớn và chính quyền địa phương đã khoanh vùng dập dịch ngay sau đó nên dịch bệnh này đã được khống chế và không bị lây lan sang các tỉnh khác. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, DTX đã quay trở lại, điều đó khiến người dân lo lắng nguy cơ DTX sẽ bùng phát mạnh mẽ và lây lan ra nhiều tỉnh phía Nam.

Tại cuộc họp hôm qua, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi lo lắng: "DTX đã bắt đầu đánh vào khu vực ở ĐBSCL, tôi nghĩ chúng ta cần phải có biện pháp khống chế tránh lây ra 13 tỉnh ĐBSCL. Nếu để dịch lây lan, thiệt hại cho ngành chăn nuôi sẽ khôn lường".

Sáng 12.6, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lâm Trí Thông - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm: “Nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát ngoài việc virus tai xanh còn tồn tại trong môi trường thì ý thức của các hộ chăn nuôi trong việc phòng chống dịch bệnh còn thấp cũng là yếu tố khiến dịch bệnh quay trở lại. Các hộ chăn nuôi gia súc ở đây đã lơ là tiêm phòng vaccin. Nếu phòng bệnh thiếu chặt chẽ thì khả năng DTX sẽ bùng phát mạnh trong những ngày tới".

Về việc phòng chống dịch, ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NNPTNT bức xúc: "Địa phương chống dịch không quyết liệt, phát hiện dịch rất muộn, chống dịch kiểu đối phó, chính vì thế từ tháng 4 ,5 đến giờ, dịch vẫn lây lan, âm ỉ, không kết thúc được. Địa phương bỏ tiền ra khá nhiều nhưng cách làm và phương pháp làm thì cần phải xem lại”.

Khi phóng viên đề cập việc người chăn nuôi kêu giá vaccin cao nên họ không đủ chi phí mua, lãnh đạo Chi cục Thú y Bạc Liêu thừa nhận: Giá vaccin tiêm phòng bệnh heo tai xanh tương đối cao (34.000 đồng/liều) làm cho chi phí chăn nuôi tăng thêm, trong khi giá heo hơi liên tục giảm (chỉ còn 3,8 - 4 triệu đồng/tạ).

Vì không có lãi nên người chăn nuôi không thiết tha phòng chống dịch bệnh, do đó kết quả tiêm vaccin rất thấp, nếu như không tính vaccin do T.Ư hỗ trợ thì tỷ lệ tiêm ở các hộ nhỏ lẻ gần như bằng không. Bộ NNPTNT có cấp 10.000 liều vaccin tai xanh, tỉnh đã sử dụng hết, nên Chi cục Thú y đã đề xuất tỉnh mua bổ sung 30.000 liều và đã được phê duyệt.

Khi đề cập đến nguy cơ DTX ở Bạc Liêu lây lan sang các tỉnh khác trong vùng, ông Thông cho rằng: "Nguy cơ đó là thấp vì Bạc Liêu không có heo xuất đi mà chỉ có nhập vào". Tuy nhiên, có một thực tế là năm 2011, khi Bạc Liêu phát DTX từ 1 trại giống, trong quá trình bán heo con ra ngoài đã làm lây lan DTX sang một số khu vực khác.

Đình Thắng
theo Dân Việt

Từ khóa: