Quảng Ninh: Nhà xây trái phép lấn cả biển
Tại tổ 4, tổ 5, khu 1 phường Cửa Ông, hàng trăm căn nhà (cấp 4 và kiên cố) xây dựng trái phép trên đất lấn biển, đất chưa được cấp quyền sử dụng. Đặc biệt, khu vực cống 9 cửa ra biển, hàng chục hộ dân đã lấn biển tạo nên mặt bằng rộng hàng nghìn m2, trong đó đã có 17 căn nhà cấp 4 của 17 hộ dân được xây dựng “cấp tốc”, không phép ngay trước Tết Kỷ Hợi năm 2019.
|
|
Theo người dân, đất khu vực cống 9 cửa, vốn là điểm neo đậu thuyền của các hộ dân từ năm 2004 - 2005. Nơi này có vị trí riêng của từng hộ. Sau đó do đất bồi không neo đậu thuyền được và do không có nhà ở nên các hộ dân đã tự san lấp, tạo mặt bằng và xây dựng nhà ở như hiện nay.
Anh Vũ Văn Lượng, một trong 17 chủ hộ có nhà xây trái phép trên phần đất lấn biển cho biết: "Vẫn biết việc xây dựng nhà ở không xin phép là vi phạm pháp luật, nhưng do khó khăn về nhà ở, mà đất có lại bỏ hoang nên chúng tôi mới san nền xây tạm nhà làm chỗ ăn ở sinh hoạt cho gia đình.
Sau khi xây dựng nhà (sau Tết Kỷ Hợi), UBND phường Cửa Ông mới xuống lập biên bản về việc xây nhà trái phép của 17 hộ dân chúng tôi. Các hộ dân đã ký vào biên bản vi phạm, đồng thời kiến nghị UBND phường xem xét, giúp đỡ cho tồn tại những căn nhà đã xây, tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định cuộc sống gia đình".
Về kiến nghị của người dân liên quan đến đất đai và xin tồn tại nhà xây trái phép; vấn đề này vượt quá thẩm quyền của phường. UBND phường đã làm tờ trình báo cáo UBND Thành phố ra quyết định xử phạt; cơ quan chức năng cũng sẽ có xác minh làm rõ về nguồn gốc đất đai của từng hộ và sẽ có hướng giải quyết cụ thể sau. Quan điểm của phường là xây dựng nhà trái phép phải được xử lý nghiêm theo pháp luật.
TP. HCM: Sự tảng lờ của địa phương
Tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. HCM cũng diễn biến ngày càng phức tạp cả về số vụ và mức độ vi phạm. Đó là việc hàng chục căn nhà không phép ở Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… được xây dựng kiên cố nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề biết hoặc bao che cho sai phạm.
|
|
Đội thanh tra địa bàn quận Thủ Đức vừa kiểm tra phường Hiệp Bình Chánh, phát hiện nhiều công trình không phép. Cụ thể, tại công trình nhà số 41, đường số 18, khu phố 4 do ông Võ Văn Phú làm chủ đầu tư, một phần công trình được Đội thanh tra xác định xây dựng không phép.
Tương tự, tại công trình nhà không số đối diện nhà số 29/40/7/19 đường số 42, khu phố 8 xây dựng không có giấy phép. Cạnh quán cà phê N2N và đối diện nhà số 73 đường số 10, khu dự án Công ty Địa ốc 10, khu phố 5 có công trình được xây dựng không phép, diện tích vi phạm tầng 1 lên tới 128,7m2, cột, khung kèo thép, chưa lợp mái…
"Biết là xây dựng trái phép vẫn cấp phép hoặc nhắm mắt làm ngơ thì không thể chấp nhận được dù bất kỳ ở đâu, cấp nào, cán bộ nào… Như thế này rất dễ mất cán bộ, mà mất cán bộ đau lòng lắm", ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP. HCM |
Ở Bình Chánh, tình trạng xây dựng không phép đang diễn ra rầm rộ. Từ đầu hẻm tổ 11, 12 đi vào khoảng 200m của ấp 5A, đường Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A, hàng chục căn nhà 2 tầng kiên cố mọc lên giữa cánh đồng cỏ trống trải. Cùng với đó nhiều nền đất đã hoàn thành móng, đang chuẩn bị xây. Điều đáng nói, tất cả căn nhà này đều xây dựng không phép.
Tương tự, hàng chục căn nhà xây dựng sai phép ở hẻm 1991, ấp 4, xã Nhơn Đức, Nhà Bè vẫn đang tồn tại. Có 3 loại nhà ở đây: nhà xây đúng phép, xây không đúng phép bị dỡ bỏ và 3 nhà xây sai phép nhưng vẫn được phép tồn tại...
Hàng chục ngôi nhà kiên cố xây không phép ở ấp 5A, đường Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.
|
|
Có dấu hiệu bao che?
Trước tình trạng trên, dư luận đặt ra câu hỏi đó là hệ quả của việc cơ quan chức năng quản lý địa bàn yếu kém hay do địa phương buông lỏng quản lý. Nhiều người dân đặt ra nghi vấn có hay không chuyện “bảo kê” của chính quyền địa phương cho các công trình nêu trên. Bởi lẽ, khi xây dựng công trình, cán bộ phường, quận hay thanh tra xây dựng quản lý địa bàn đều biết. Hơn nữa, để xảy ra tình trạng này còn gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, vì nếu phát hiện ngay từ đầu sẽ không tốn kinh phí để họp hành, ban hành văn bản, quyết định, thành lập đoàn đi cưỡng chế, thuê mướn nhân công thực hiện...
Theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Trần Trọng Tuấn, thời gian qua việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng gặp một số vướng mắc, khó khăn; đặc biệt là xử lý vi phạm xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa như Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn... ngày càng phức tạp. Các địa phương thực hiện xử lý vi phạm xây dựng mỗi nơi một kiểu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do luật chồng chéo. Cụ thể, tại Điểm k, Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 quy định, đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, sẽ miễn phép xây dựng nếu không nằm trong khu bảo tồn, khu di tích, văn hóa. Do đó, việc áp dụng xử lý hành vi xây dựng trái phép gặp nhiều bất cập, khó khăn dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành tăng cao.
Rõ ràng, thực trạng về các sai phạm công trình xây dựng trái phép tại Quảng Ninh hay tại TP. HCM đã tồn tại từ nhiều năm nhưng không xử lý kịp thời, đang để lại những hậu quả rất lớn, gây bức xúc trong xã hội, là điều khó chấp nhận.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã bức xúc khi cho rằng đang có một vấn đề nổi lên là quản lý xây dựng yếu kém, xây dựng không phép, trái phép, hoặc làm ngơ hoặc không biết, cấp phép cho xây dựng tràn lan… buộc Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phải xử lý.
Quốc Trung
Theo Thời báo Chứng khoán
|