Thị trường tăng, giảm trồi sụt trong tuần qua, nhưng điểm tích cực là VN-Index đã lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và thanh khoản tuy chưa tăng nhiều nhưng đã có sự cải thiện đáng kể trong ba phiên gần nhất, trong đó, điểm đến dòng tiền là tại nhóm cổ phiếu thép, vốn nhận được không ít khuyến nghị từ các công ty chứng khoán.
Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu VGT tại ngưỡng 33
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20 và MA50, ủng hộ cho xu hướng tăng giá.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 27.0, chốt lãi tại ngưỡng 33.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 24.0.
Trong tuần qua, thông tin chia cổ tức 5% vào ngày 28/2 đã không giúp ích được gì nhiều cho VGT, khi cổ phiếu này gần như đi ngang khi kết tuần này, tăng nhẹ 100 đồng so với cuối tuần trước lên 26.700 đồng.
* PHS Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TRA
CTCP Traphaco (TRA – sàn HOSE) đặt kế hoạch nâng tỷ trọng tân dược lên 40% Tổng doanh thu vào năm 2025. Trong giai đoạn này, công ty tập trung nâng cao năng lực R&D nhờ sự hợp tác với đối tác chiến lược Daewoong (nắm giữ trực tiếp 15% cổ phần TRA).
Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu TRA là 122.400 đồng/cổ phiếu (+34% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này.
Cổ phiếu TRA tuần qua biến động nhẹ qua các phiên, với biên độ dao động giá chỉ ở mức thấp dưới 1%, giá cổ phiếu nhích từ 93.000 đồng lên 94.000 đồng khi kết tuần.
* MBS Khuyến nghị mua cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 53.500 đồng
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim với giá mục tiêu 53.500 đồng/CP trong bối cảnh tiêu thụ thép trong nước và thế giới vẫn duy trì khả quan trong năm 2022. Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ động lực đầu tư công và sự phục hồi ngành bất động sản trên toàn quốc sẽ giúp ngành thép tiếp tục sôi động.
Chúng tôi định giá cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 53.500 đồng/CP dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 7,01 lần (theo EPS 2022F 7.546 đồng).
Cổ phiếu NKG hay nhóm thép nói chung có tuần giao dịch sôi động với dòng tiền dồi dào tìm kiếm cơ hội, giúp giá cổ phiếu tăng vọt trong 4 phiên, dù có điều chỉnh đôi chút trong phiên cuối tuần.
Tổng cộng, cổ phiếu NKG tăng từ 41.300 đồng lên 48.750 đồng/cổ phiếu, tương đương +18%.
* BSC khuyến nghị chốt lãi HSG tại ngưỡng 46.9
Chỉ báo MACD và RSI đều đang cho thấy xu hướng hồi phục tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt ngưỡng MA20 và MA50.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 38.35, chốt lãi tại ngưỡng 46.9 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 35.2.
Tương tự NKG, cổ phiếu thép HSG cũng đã có tuần tăng vọt, với thanh khoản 3/5 phiên đều có trên 21 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu tăng từ 35.850 đồng lên 40.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +14%.
Mới đây, HSG cũng đã ra chỉ tiêu kinh doanh niên độ mới 2021 – 2022 trình Đại hội cổ đông thường niên sắp tới, với doanh thu 46.399 tỷ đồng, giảm gần 5% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế dao động từ 1.500-2.500 tỷ đồng, giảm khá lớn so với mức 4.313 tỷ đồng của năm ngoái.
* VCSC đánh giá triển vọng kinh doanh của FPT tích cực
Chúng tôi đã tham dự buổi họp gặp nhà đầu tư trực tuyến của CTCT FPT (FPT) diễn ra mới đây, thảo luận về triển vọng năm 2022 của công ty và các chủ đề khác xung quanh các HĐKD cốt lõi của Công ty.
Tuần qua, cổ phiếu FPT ít thay đổi, dù tăng 4/5 phiên, nhưng biên độ giá chỉ dưới 1%, trừ phiên 28/2 tăng 1,08%. Cổ phiếu kết tuần tăng từ 92.300 đồng lên 93.500 đồng.
* VCSC cho rằng, khả năng cạnh tranh của SAB được tăng cường
Chúng tôi đã tham gia cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư trực tuyến của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (SAB) diễn ra mới đây.
Những ghi nhận chính của chúng tôi từ cuộc họp gần như phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về sự phục hồi dần của ngành bia trong năm 2022 và tăng cường khả năng cạnh tranh của SAB nhờ tăng cường đầu tư vào marketing, phân phối thương mại hiện đại và cao cấp hóa sản phẩm.
Cổ phiếu SAB tuần này đón nhận 4 phiên đầu tuần gần như không có diễn biến đáng chú ý nào, trước khi lao dốc khá mạnh và để mất 4,25% trong phiên cuối tuần, đưa giá cổ phiếu về 160.000 đồng.
* BSC khuyến nghị chốt lãi GVR tại ngưỡng 40.5
Chỉ báo MACD và RSI đều đang cho thấy xu hướng hồi phục tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt ngưỡng MA20 và MA50 trong phiên giao dịch hôm nay, cho thấy đà tăng trung hạn đã hình thành.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 35.70, chốt lãi tại ngưỡng 40.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 34.0.
Trong tuần qua, cổ phiếu GVR có 3 phiên tăng, với hai phiên tăng khá 4,4% và 2,54% và hai phiên giảm nhẹ, giá cổ phiếu tăng từ 34.000 đồng lên 36.000 đồng, tương đương +5,88%.
* VCBS khuyến nghị khả quan dành cho NKG, HSG, HPG
Chúng tôi đánh giá tích cực với kết quả kinh doanh 2021 của các doanh nghiệp thép, đặc biệt khi kết quả kinh doanh trong năm 2021 tăng trưởng mạnh.
Chúng tôi đánh giá cao khả năng các doanh nghiệp NKG, HSG và HPG có thể tiếp tục duy trì được quy mô doanh thu và lợi nhuận sang năm 2022 dựa trên việc giá thép đang quay trở lại với nguyên nhân chính đến từ xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hiện EU vẫn áp thuế nhập khẩu thép dựa trên quota xuất khẩu cho nên tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong 2022 sẽ không còn cao như 2021.
Do đó, với kết quả kinh doanh dự phóng, chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan cho NKG, HSG và HPG.
Tuần qua, điểm sáng của thị trường chính là nhóm cổ phiếu thép, khi có những thời điểm là động lực tâm lý lớn đối với nhà đầu tư, ngoài HSG, NKG tăng 14% và 18% thì HPG tăng từ 45.900 đồng lên 49.800 đồng, tương đương +8,1%.
Đáng chú ý nhất là cổ phiếu HPG trong phiên 03/3, khi thanh khoản bùng nổ với khối lượng khớp lệnh kỷ lục hơn 76,2 triệu đơn vị, còn giá cổ phiếu tăng kịch trần.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 65.100 đồng
Chúng tôi lặp lại khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, với giá mục tiêu 65.100 đồng/CP (+24%), dựa trên 4 luận điểm chính.
Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khả quan trong 2022, trong đó giá trị bán hàng năm 2022 dự kiến đạt khoảng 11.000 - 12.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NLG sở hữu quỹ đất sạch quy mô lớn (681 ha) với giá vốn thấp. Các dự án của NLG phần lớn ở vùng ven TP.HCM với vị trí chiến lược ở các cửa ngõ vào thành phố, đáng chú ý nhất là Waterpoint (Long An) và Izumi City (Đồng Nai).
Định giá hấp dẫn xét trên giá trị thị trường của quỹ đất, tiềm năng lợi nhuận cũng như so với các doanh nghiệp trong ngành.
Ngoài ra, NLG là đối tác của nhiều tập đoàn quốc tế, đa số các dự án đều liên doanh 50% với các đối tác Nhật Bản. Điều này khiến các dự án của NLG có được sự an toàn về thu hồi vốn, đồng thời chất lượng và tiến độ pháp lý và xây dựng luôn được đảm bảo.
Trong tuần, cổ phiếu NLG có 4/5 phiên biến động nhẹ với biên độ chỉ hơn 1%, trừ phiên ngày 1/3 đã tăng khá mạnh +4,2%, giá cổ phiếu cả tuần tăng từ 53.700 đồng lên 56.200 đồng, tương đương +4,7%.
* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PSD với giá mục tiêu 50.300 đồng
Chúng tôi khuyến nghị mua mã cổ phiếu PSD với giá 50.300 đồng/CP, upside 21% so với giá ngày 01/03/2022, sử dụng phương pháp P/E với P/E mục tiêu 9 lần - thấp hơn P/E trung vị doanh nghiệp quy mô tương đồng là 17 lần và P/E của DGW (doanh nghiệp cùng ngành) là 16 lần.
Trong tuần, cổ phiếu PSD có hai phiên đáng chú ý là 28/2 và 03/3, khi tăng lần lượt 5,26% và 4,51%, còn lại ba phiên giảm 1,9%, 1% và 2,2%.
Giá cổ phiếu nhích từ 39.900 đồng lên 42.100 đồng, tương đương +5,5%.
Vào tuần tới, cụ thể ngày 11/3, PSD sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2020 và tạm ứng đợt 1 năm 2021 bằng tiền mặt theo tỷ lệ tổng cộng 15%.
* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 74.900 đồng
Quan điểm đầu tư dành cho KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP: Kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng cao trong 2022-2023 nhờ vào giá cho thuê duy trì ở mức cao nhờ triển vọng tích cực của ngành bất động sản khu công nghiệp, quỹ đất liên tục được mở rộng tại các vị trí thuận lợi đảm bảo cho sự tăng trưởng liên tục.
BSC khuyến nghị mua cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 74.900 đồng/CP(upside 30.5% so với giá đóng cửa ngày 01/03/2022 là 57.500 đồng/CP) theo phương pháp RNAV.
Trong tuần, cổ phiếu KBC giao dịch tương đối nhàm chán, khi chỉ biến động nhẹ trong các phiên, giá cổ phiếu giảm từ 57.800 đồng xuống 56.300 đồng.
* BSC khuyến nghị chốt lãi VSC tại ngưỡng 50.5
Chỉ báo MACD và RSI đều đang cho thấy xu hướng hồi phục tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt ngưỡng MA20 và MA50 trong phiên giao dịch hôm nay, cho thấy đà tăng trung hạn đã hình thành.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 44.4, chốt lãi tại ngưỡng 50.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 42.5.
Trong tuần, cổ phiếu VSC cũng như nhóm logistics, đã có những thời điểm song hành cùng đà tăng của nhóm thép, trong đó, đáng kể có phiên 3/3, khi VSC tăng kịch trần, dù 3 phiên trước đó giảm nhẹ.
Giá cổ phiếu theo đó tăng từ 42.350 đồng lên 44.500 đồng, tương đương +5,1%.
* MBS Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 70.800 đồng
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh với mức giá mục tiêu 70.800 đồng/CP.
Luận điểm đầu tư đối với cổ phiếu BMP là doanh thu năm 2022 của Công ty có sự khởi sắc khi mà rủi ro giãn cách xã hội gần như không còn, yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến kết quả kinh doanh của BMP trong năm 2021.
Chúng tôi dự phóng doanh thu năm 2022 của BMP đạt 5.659 tỷ đồng (tăng 24,3% so với năm 2021), lợi nhuận sau thuế đạt 470 tỷ đồng.
Cổ phiếu BMP tuần qua có hai phiên 02 và 03/3 đáng chú ý, khi giảm sâu 4% và hồi phục lại 2,3%, còn lại chỉ dao động giá thấp trong các phiên còn lại, thanh khoản chỉ trên dưới 100.000 đơn vị khớp lệnh/phiên, trừ phiên 2/3 có hơn 250.000 đơn vị khớp lệnh.
Lạc Nhạn
Theo Đầu tư Chứng khoán