Cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang muốn dành trọn thời gian để sáng tạo, để đổi mới, để bứt phá trong trong xu hướng mới của nền kinh tế số. Cơ hội đang mở ra khi Chính phủ cam kết bảo đảm an toàn và thuận lợi cho mọi hoạt động kinh doanh.
Thách thức thế hệ
Doanh nhân tham gia Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 diễn ra hôm qua (11/10) hẳn thấy động lòng sau lời nhận xét của ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang nằm ở cuối chuỗi giá trị.
“Điều này có nghĩa, tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu với doanh nghiệp Việt Nam sẽ là áp lực không nhỏ”, ông Chang Hee Lee thẳng thắn khi gắn vào chủ đề mà giới doanh nhân đã chọn cho Diễn đàn năm nay, đó là Vươn tới chuẩn mực toàn cầu.
Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 đã thẳng thắn mổ xẻ những điểm yếu của doanh nhân trong nước để tìm hướng khắc phục và phát triển. Ảnh: Đ.T
Thực ra, cảnh báo thẳng thắn của ông Chang Hee Lee không mới. Giới doanh nhân cũng không né tránh. Ngay trong phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã nhắc tới hiện trạng sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới.
“Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn được xếp hạng cao trong khu vực, nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn. Các đại gia của ta tới nay chủ yếu hoạt động trong khu vực tài chính - ngân hàng và bất động sản. Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp thấp và còn xa mới đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu. Hộ kinh tế gia đình vẫn là chủ thể kinh tế phổ biến trong khu vực nông nghiệp, nông thôn”, ông Vũ Tiến Lộc phác họa chân dung cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Đương nhiên, khi kinh tế hộ còn phổ biến, thì chuẩn mực toàn cầu gần như nằm ngoài tầm với. Hơn thế, mối quan ngại về một lớp doanh nhân lớn lên bằng quan hệ, những “trọc phú mới” đang cản đường ra ngoài thế giới của doanh nhân Việt Nam vẫn còn rất lớn. Thậm chí, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam trở nên méo mó bởi cách thức đầu tư vào quan hệ, và các nhóm lợi ích.
Ông Lộc cũng nói thẳng, việc học và đầu tư vào công nghệ đang là đòi hỏi cấp bách nhất để doanh nhân Việt Nam thực sự đặt chân vào nền kinh tế thế giới.
Đường cùng để lớn
“Tại sao sản phẩm của chúng tôi rất đơn giản, dễ làm, nhưng lại có thể tồn tại được hơn 130 năm”, ông Sanket Ray, Tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam đặt một câu hỏi không dễ trả lời cho các đồng nghiệp Việt Nam. Thậm chí, ông Sanket Ray còn tự gọi một doanh nghiệp có tuổi đời 130 năm là một doanh nghiệp… trẻ.
“Công thức thành công là chúng tôi tự coi là trường đại học của những sáng kiến. Đây cũng là kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với các doanh nhân Việt Nam. Chúng tôi tồn tại và phát triển được ở khắp thế giới nhờ sáng tạo và khớp nối với cộng đồng nơi chúng tôi đặt chân”, ông Sanket Ray chia sẻ.
Nhưng việc doanh nhân Việt Nam có học được bài học thành công của thương hiệu toàn cầu này hay không mới là điều cần phải bàn. Lý do là, trong khá nhiều nghiên cứu về doanh nhân Việt Nam, việc nhân rộng các thông lệ tốt ra ngoài phạm vi một doanh nghiệp ở Việt Nam không dễ. Giải pháp về liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, doanh nhân để lớn lên, để nâng cao năng lực cạnh tranh được đưa ra nhiều, nhưng vẫn bị cho là chưa có kết quả tốt.
Cũng phải nói thêm, cơn lũ quét của công nghệ đang cấu trúc lại nền kinh tế thế giới. Các đại gia sống nhờ tài nguyên, giàu lên nhờ dầu mỏ đang mất dần lợi thế. Cơ hội của các nền kinh tế, các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo đang lên ngôi.
Nhưng trong bức tranh mới của nền kinh tế thế giới, đang có những thương hiệu công nghệ lâm vào giai đoạn thoái trào do không theo kịp xu thế, không đủ đổi mới và sáng tạo.
“Hội nhập và xu hướng mới của thương mại, đầu tư toàn cầu đang là nhân tố mới để thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư, tiếp cận thị trường, tạo việc làm cho người lao động và cơ hội cho doanh nhân. Đổi mới, sáng tạo không phải chỉ của doanh nhân, mà của cả nền kinh tế. Nhưng doanh nhân phải là người tiên phong, tạo áp lực vì nếu không thay đổi, doanh nhân Việt Nam sẽ không còn đường nào để ra thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Cơ hội của những người làm khác
Thông tin nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân vừa được nhận giải thưởng của cộng đồng quốc tế về khởi nghiệp khiến giới khởi nghiệp Việt Nam nức lòng. Ông là người thứ ba được trao tặng giải thưởng dành cho lãnh đạo của các quốc gia đáp ứng các yêu cầu của một quốc gia khởi nghiệp.
Có thể vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng nỗ lực xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp của Chính phủ đang đưa đến không gian mới cho khởi nghiệp. Ngay cả với Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng được gọi là nghị quyết về khởi nghiệp theo nghĩa rộng, vì hệ thống giải pháp đang khuyến khích doanh nhân tái cơ cấu, thay đổi, vươn tới chuẩn mực toàn cầu để không bị chậm chân trong dòng chuyển dịch mới của thương mại và đầu tư thế giới.
“Nếu chưa có hệ thống chính sách ủng hộ kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp thì sức lực của doanh nhân san sẻ vào nhiều phần việc ngoài kinh doanh. Hiện giờ, Chính phủ đang cam kết tạo môi trường an toàn, minh bạch cho doanh nghiệp, bỏ cơ chế xin - cho, tôi tin là sức sáng tạo của doanh nhân Việt Nam sẽ lên ngôi. Đã sáng tạo để vượt qua những rủi ro, bất định trong thể chế thời gian qua, thì hiện nay, họ hoàn toàn có đủ năng lực để vượt qua những thách thức của thị trường thường dễ đoán định hơn”, ông Lộc nói.
Lúc này, chuẩn mực toàn cầu và sức sáng tạo, cách nghĩ và làm khác, chứ không phải là quy mô doanh nghiệp quyết định sự thành công của doanh nhân.
Theo Báo Đầu tư