Năm 2014, công tác quản lý, điều hành giá, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục theo cơ chế giá thị trường, công khai thông tin về giá, đặc biệt công tác điều hành giá sẽ được thực hiện trên nguyên tắc hài hòa các lợi ích, công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.
Một cửa hàng bán hàng thiết yếu bình ổn giá ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Chú trọng quản lý bình ổn giá
Năm 2013, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết diễn biến giá thị trường về cơ bản tuân theo các quy luật chung hàng năm, giá tăng vào hai tháng đầu năm là thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán sau đó giá có xu hướng ổn định từ tháng Ba đến tháng Chín; xu hướng tăng nhẹ vào các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, mức tăng giá cao nhất của năm rơi vào các nhóm thuốc ( tăng 18,97%) và dịch vụ y tế (tăng 11,71%) đồng thời giá lương thực giảm trong một số tháng từ tháng Ba đến tháng Bảy đã có tác dụng bù trừ sự tăng giá nhóm thực phẩm vào dịp Tết 2013 và nhóm ăn uống ngoài gia đình, kết quả là chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 5,08% đóng góp 2,3% vào chỉ số giá nói chung.
Đánh giá cao những chính sách vĩ mô của Chính phủ về quản lý giá năm 2013, chuyên gia Phạm Minh Thụy cho rằng, chính sự điều hành, can thiệp vào thị trường, giá cả ở Việt Nam của Chính phủ đã chủ động, có liều lượng và bài bản, do vậy giá cả không còn bị tăng nhanh rồi lại chậm, rồi lại nhanh như một số năm trước đó.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì diễn biến thị trường giá cả 2013 tiếp tục ổn định vượt ngoài sự mong đợi. Đây là kết quả của sự tiếp tục tăng chậm lại rõ rệt của tổng cẩu, cả tổng cầu tiêu dùng và tổng cầu đầu tư, cả tổng cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp nhiều khó khăn, đòi hỏi công tác quản lý bình ổn giá năm 2013 phải chủ động bám sát chủ trương điều hành kinh tế của Chính phủ, kế hoạch hành động của Bộ, dự báo tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới. Đánh giá về công tác điều hành hành giá năm qua,
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng cho rằng đã có sự chuyển biến lớn, đã góp phần vào thành công chung trong kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết cùng với việc thực hiện tốt công tác bình ổn giá, công tác điều hành giá một số vật tư đầu vào quan trọng của nền kinh tế đã được giữ ổn định để tránh tác động dây chuyền đến toàn bộ mặt bằng giá như giá bán điện, giá bán than cho sản xuất điện, giá xăng dầu, hoặc giãn thời gian điều chỉnh như đối với Giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục, giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá,... đồng thời giá một số mặt hàng thiết yếu đã tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường có sự quản lý của Nhà nước đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Hàng Tết dồi dào, tác động tăng giá chưa đáng lo ngại
Trong việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 sắp tới, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra các loại hàng và số lượng hàng hóa chuẩn bị và nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết qua khảo sát thì việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng ra thị trường của các doanh nghiệp tương đối tốt, hàng hóa dồi dào, do vậy tác động tăng giá chưa đến mức độ lo ngại.
Dù vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng không nên chủ quan với biến động giá cả thị trường, và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình. Nếu có biến động bất thường, Bộ sẽ báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện bình ổn giá và điều tiết theo quy định của Luật giá.
Trong thời gian giáp Tết, Bộ Tài chính cũng các bộ ngành chức năng sẽ thực hiện kiểm tra việc chuẩn bị các hàng hóa và triển khai các chương trình bình ổn giá thị trường của các địa phương.
Thực tế cho thấy các địa phương rất chủ động đánh giá giá tình hình. Theo Cục quản lý giá thì Cục cũng sẽ tổ chức các đoàn đi nắm tình hình các tỉnh thành phố cả nước để xem xét việc cung ứng hàng hóa, đồng thời theo dõi sát tình hình diễn biến, trong dịp trước trong và sau Tết để có đề xuất phù hợp.
Đối với hoạt động bình ổn giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết hầu như các địa phương không cần phải đưa khoản vốn nhất định cho doanh nghiệp thực hiện như các năm khác. Thay vào đó, khuyến khích doanh nghiệp tự tiếp cận với ngân hàng để tham gia chương trình bình ổn giá.
Tham gia chương trình này, doanh nghiệp được hưởng một số lợi thế, đó là được ưu tiên vị trí thuê cửa hàng. được treo biển có gắn thương hiệu bình ổn giá và được giới thiệu với các ngân hàng để vay vốn.
Ngoài ra, để công tác quản lý giá trong Tết Nguyên đán 2014 được kiểm soát chặt chẽ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu toàn ngành tài chính phải chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Đối với các trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế xã hội tại địa phương. Kiên quyết dừng các phương án tăng giá khi tiếp nhận đăng ký giá, kê khai giá mà các yếu tố hình thành giá không thay đổi.
Năm 2014 tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường
Theo chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho rằng, năm 2014, một mặt diễn biến thị trường giá cả chịu sự tác động bởi các chính sách quản lý thị trường giá cả truyền thống cũng như xu thế tăng chậm của tổng cầu đầu tư và tiêu dùng mặt khác lại chịu sự ảnh hưởng của các chính sách nới lỏng tài khóa như tăng thâm hụt ngân sách nhà nước lên 5,3% GDP đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư giai đoạn 2011-2015.
Thêm vào đó, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường và cố gắng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể buộc dòng tiền vận động nhanh hơn với quy mô lớn khiến áp lực lạm phát tăng.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng diễn biến giá cả ở Việt Nam trong năm 2014 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều hành giá một số mặt hàng của nhà nước như điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục...
Do đó, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.
Việc chuyển đổi này là cần thiết nhưng chuyển sang cơ chế thị trường với các mặt hàng độc quyền không có nghĩa là tăng giá sản phẩm dịch vụ. Nhà nước cần áp dụng các biện pháp kiểm soát độc quyền, độc quyền nhóm như cấp phép kinh doanh để tăng sức ép cạnh tranh, chia tách doanh nghiệp độc quyền.
Trên cơ sở đó, Cục Quản lý giá cho biết việc sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá, áp dụng các biện pháp khuyến mại, giảm giá theo quy định của pháp luật hiện đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế đồng thời tiếp tục điều hành giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Cục cũng kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước điều hành, giao kế hoạch, hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, hàng dự trữ quốc gia chi từ ngân sách nhà nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát xoay quanh mức 7,0%; Công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như trên cần tiếp tục điều hành linh hoạt tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể, có sự quản lý của Nhà nước, nhưng tính thị trường sẽ cao hơn.
Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2014 điều hành các hàng hóa thiết yếu này phải mạnh hơn, quyết liệt hơn theo cơ chế thị trường, bên cạnh đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát, giám sát bằng nghệ thuật và đòn bẩy với tinh thần kiên định.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý giá, tại hội nghị tổng kết ngành Tài chính vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện tốt việc quản lý giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; ngăn chặn các hành vi đầu cơ, trục lợi, tăng giá cục bộ; Kiên định mục tiêu thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng như xăng dầu, than, điện… nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch việc hình thành giá đồng thời thực hiện tốt việc trợ giá cho người nghèo, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người kinh doanh và người tiêu dùng.
Thùy Dương
theo TTXVN