Mâu thuẫn vốn là thuộc tính cố hữu của cuộc sống. Không chỉ có ở người, mà còn hiện hữu nơi cỏ cây. Đơn cử như lá cách.
Mâu thuẫn vốn là thuộc tính cố hữu của cuộc sống. Không chỉ có ở người, mà còn hiện hữu nơi cỏ cây. Đơn cử như lá cách.
Lá cách ác “miệng” thiện “tâm”!. Ảnh: Tạ Tri
Cây lá cách có nơi còn gọi vọng cách, thích mọc hoang nơi thềm ao, bìa rừng, vách núi... trên chân đất phèn lợ hay đất thịt pha cát. Đứng cách cây này khoảng 1-2 m, người thính mũi đã nghe tỏa mùi hăng hăng khó chịu. Càng lại gần, hơi lâu, người sức khỏe yếu dễ bị “mệt ngang”.
Theo ghi nhận của dược sĩ Trần Việt Hưng, “lá cách được dùng trong nhiều món ăn dân dã đồng thời cũng được xem là một “cây thuốc nam” dùng trị một số bệnh theo kinh nghiệm dân gian. Cây tuy có nguồn gốc tại vùng Nam Á Châu nhiệt đới nhưng cũng được trồng tại Hawaii, Florida (Hoa Kỳ). Lá cách thuộc chi thực vật Premna, họ Verbenacea. Chi Prem na có khoảng 200 loài, riêng tại Việt Nam có khoảng 15 loài trong đó có 4 hay 5 loài được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.”
Cho nên, dân sành ăn tây nam bộ thường trồng vài bụi cách ngoài bờ mương, thềm rạch để dành chế biến nhiều món độc đáo. Cách mười ngày, nửa tháng họ chịu khó tỉa trụi cây cách, cho nó đâm nhiều chồi non mới. Lá cách non ít hôi hơn. Và khi gặp những vật thực có hậu vị tanh như: chuột, lươn, rắn... nó lại càng có khả năng “phù phép” cho chúng thơm tho.
Lá cách “cứu rỗi” thịt ếch chân ngắn (hàng nuôi). Ảnh: Tạ Tri
Có lần về Bình Đại, Bến Tre, cậu một người bạn đãi món chuột dừa với mớ lá này. Ngon “nhức răng”! Tuy lá hôi hăng, nhưng khi gặp nhiệt cao thì bỗng dưng khiến món ngon thơm lừng. Không kiềm chế nổi, thằng cu Tí (cháu ngoại của cậu) lẻn vào bốc vụng một miếng, nhai “ngọt xớt” rồi vụt chạy trốn sau lùm chuối sau vườn.
Tuổi thơ hồn nhiên gợi nhớ thằng tôi thuở nhỏ, cũng ham chơi: đội nắng bắn chim, trèo tìm ổi chín, thả diều... nên dễ bị cảm ho. Chiều, mẹ níu áo bắt uống hết chén nước lá cách giã, pha muối. Tôi cứ nhăn mặt lắc đầu. Mẹ dụ: “Nín thở ực một hơi sẽ hết ho liền. Giỏi! Mẹ cho nửa cục đường tán!”
Thêm một tin mừng cho những ai thường ngậm đắng nuốt cay (nhậu), lá cách có khả năng bảo vệ gan. “Dịch chiết bằng alcohol từ lá có khả năng bảo vệ gan, tạo được sự giảm nồng độ men gan, giảm bilirubin và chặn được các phản ứng loại peroxy-hóa lipid. Hoạt tính có thể so sánh với bilirubin”, Trần Việt Hưng.
Mặt khác, những ai ghét đắng chê cay cũng nên chú ý đến lá cách. Bởi khi lá gan khỏe, sẽ giúp cơ thể giải độc tốt hơn.
Thêm một hiện tượng đặc biệt quan trọng là, nhóm vật thực trong cùng sinh cảnh có khả năng hỗ trợ cho nhau. Ví dụ, con ếch, con nhái, chú rắn nước, bụi lá cách... vốn “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau". Thế nên, khi gom chúng vào nồi, tự nhiên chúng sẽ khắc chế những điểm yếu của nhau, để người ăn gắp mạnh hơn.
Tạ Tri
theo iHay