Sự kiện hot
3 năm trước

Doanh nghiệp 'khát vốn', mong được giảm lãi vay

Một trong những nguyên tắc khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% là không hạ chuẩn cho vay. Các ngân hàng khẳng định, chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Vấn đề đặt ra là với tỷ lệ lên tới 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều điều kiện hạn chế về tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu sản phẩm... sẽ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ra sao?

Ngân hàng dồn dập công bố quy mô gói tín dụng ưu đãi

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng Giám đốc ABBank cho biết, ngân hàng đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất 2% là 572 tỷ đồng, tương đương với quy mô 28.600 tỷ đồng dư nợ cho vay bình quân trong vòng 2 năm đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

4702-04-jpeg-3269-1654851890-1-8266-3805
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có xếp hạng tín nhiệm thấp sẽ khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Tại ABBank, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 5 là 84.011 tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm 31/12/2021. Dự kiến đối tượng được hưởng chương trình ưu đãi lãi suất 2% chiếm khoảng 15% tổng dư nợ của ngân hàng.

Theo ông Quân, ABBANK đang xây dựng và tiến tới ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 31 và Thông tư 13 trong nội bộ ngân hàng, đảm bảo công tác hỗ trợ lãi suất được triển khai kịp thời, minh bạch và hiệu quả.

Còn tại Eximbank, ngân hàng này đã đăng ký gói giải ngân của chương trình hỗ trợ lãi suất 2% là 350 tỷ đồng trong 2 năm và đang chờ ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). "Trước mắt, ban lãnh đạo ngân hàng đang làm hướng dẫn và tập huấn kỹ trước khi triển khai chương trình", ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank cho hay.

Không chỉ có ABBank và Eximbank, nhiều ngân hàng khác cũng sẵn sàng tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2%: Viet Capital Bank đăng ký với NHNN gói 200 tỷ đồng; OCB đăng ký gói 400 tỷ đồng...

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách là một trong nhiều giải pháp mà ngành ngân hàng triển khai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ để hồi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để tránh rủi ro cho các tổ chức tín dụng (TCTD) khi thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN cũng đã có thông tư hướng dẫn hạch toán về phần hỗ trợ lãi suất, thông thoáng hơn so với trước, tạo điều kiện cho ngân hàng triển khai được. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc của việc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này.

Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn ưu đãi

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Nghị trường Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi cho Thống đốc NHNN: Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn kêu lãi suất cao, tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, vì sao?

Trong khi đó, một số đại biểu khác băn khoăn về việc gói hỗ trợ lãi suất có đến tay doanh nghiệp nhỏ và vừa được hay không?

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được NHNN quan tâm.

Theo đó, NHNN đã chỉ đạo hệ thống các TCTD có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của NNHNN chịu áp lực lớn từ bên ngoài như: lạm phát, các nước tăng lãi suất… Lạm phát đang có xu hướng toàn cầu, ngân hàng trung ương các nước đều có xu hướng tăng lãi suất, từ năm 2021 có khoảng 100 lượt tăng lãi suất và 5 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương cũng có khoảng 135 lượt tăng lãi suất.

Trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, khi sản xuất kinh doanh quay trở lại, tín dụng đã tăng lên đến 8%. Đây là mức khá cao so với mục tiêu định hướng của cả năm 2022 là 14%. "Áp lực lớn nhưng NHNN đã điều tiết, cơ bản ổn định mặt bằng lãi suất, chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái", bà Hồng cho hay.

Tại Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quan điểm là thực hiện chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong điều hành lãi suất, NHNN cũng cần điều hành trên cơ sở tổng thể với tất cả công cụ khác, chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí trong hoạt động để giảm lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn.

Theo bà Hồng, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khối doanh nghiệp này có nhiều điều kiện hạn chế như tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu hàng hóa... nên mức xếp hạng tín nhiệm chưa cao.

Khi vay vốn, các TCTD phải đánh giá tín nhiệm để đưa ra mức lãi suất: lãi suất với doanh nghiệp tín nhiệm thấp phải cao hơn so với doanh nghiệp tín nhiệm cao.

"Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn chế nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng. Các TCTD cũng phải thực hiện nguyên tắc khi cho vay thì khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ, vì tiền cho vay cũng là huy động của người dân", bà Hồng nói.

Về giải pháp hỗ trợ, Thống đốc cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện cả nước có khoảng 29 quỹ ở các địa phương. “Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành tháo gỡ khó khăn", bà Hồng thông tin.

P.V
Theo ndh.vn

Từ khóa: