Sự kiện hot
4 năm trước

Doanh nghiệp tăng mạnh tiền gửi tại ngân hàng

Tính đến hết 6/2020, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 4,13 triệu tỉ đồng, tăng 4,32% so với cuối năm trước. Trong đó, tiền gửi của các doanh nghiệp tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng tính đến hết tháng 6/2020 đạt 4,13 triệu tỉ đồng, tăng 4,32% so với cuối năm trước.

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, các tổ chức kinh tế đã rút hơn 120.000 tỉ đồng khỏi các ngân hàng. Thậm chí, cuối tháng 2, lượng tiền gửi đã giảm hơn 190.000 tỉ đồng, tương đương mức giảm 4,84% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã bật tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Riêng trong quí II, các tổ chức kinh tế đã gửi thêm hơn 300.000 tỉ đồng vào ngân hàng.

Trong khi đó, tiền gửi của dân cư trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tương đối ổn định, duy nhất trong tháng 3 giảm hơn 32.400 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 6/2020, lượng tiền gửi huy động từ dân cư đạt 5,08 triệu tỉ đồng, tăng 5,09% so với cuối năm trước.

Doanh nghiệp tăng mạnh gửi tiền vào ngân hàng - Ảnh 1.

(Nguồn: SBV)

Tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư đều bật tăng trong quí II bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm sâu. Đến giữa tháng 8, lãi suất tiền gửi  tại các ngân hàng giảm xuống chỉ còn 3,15-4,25%/năm với kì hạn 1 đến dưới 6 tháng, 4,4-6,5%/năm với kì hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5,0-7,3%/năm với kì hạn 12, 13 tháng.

Cũng theo số liệu của NHNN, trong 6 tháng đầu, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 3,65% so với cuối năm 2019 với tổng dư nợ đạt hơn 8,49 triệu tỉ đồng. Trong đó, công nghiệp và xây dựng là hai nhóm ngành tăng trưởng mạnh nhất, với dư nợ nhóm công nghiệp đạt 1,62 triệu tỉ đồng (tăng 3,95%) và nhóm xây dựng đạt hơn 836.000 tỉ đồng (tăng 4,45%).

Nhóm ngành vận tải có tăng trưởng tín dụng thấp nhất ở mức 1,71%, với hơn 225.000 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6.

Lê Huy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: