Sự kiện hot
7 tháng trước

Doanh thu thuần PNJ đạt hơn 19.000 tỷ đồng sau 5 tháng đầu năm

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố kết quả kinh doanh lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần đạt 19.546 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.051 tỷ đồng.

Theo đó, xét về cơ cấu từng kênh, hoạt động kinh doanh của PNJ có sự tăng trưởng đồng bộ. Cụ thể, doanh thu trang sức bán lẻ trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 12,8% so với cùng kỳ nhờ vào các chiến lược kinh doanh linh hoạt, nỗ lực tung ra thị trường các bộ sưu tập mới phù hợp thị hiếu khách hàng. Đồng thời, PNJ đã triển khai thành công nhiều chiến dịch marketing và chương trình bán hàng hiệu quả, sự gia tăng khách hàng mới, tăng cường tỷ lệ quay lại của khách hàng cũ. Doanh thu trang sức bán sỉ trong 5 tháng năm 2024 cũng tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Đồng thời, PNJ đã triển khai thành công nhiều chiến dịch marketing và chương trình bán hàng hiệu quả, sự gia tăng khách hàng mới, tăng cường tỷ lệ quay lại của khách hàng cũ. Doanh thu trang sức bán sỉ trong 5 tháng năm 2024 cũng tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp trung bình trong 5 tháng năm 2024 đạt 16,5%, giảm so với mức 19,0% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh.

PNJ dự báo chi tiêu trang sức sẽ tốt hơn quý II, biên lợi nhuận gộp kỳ vọng  duy trì 17% - 19% năm 2024 - VNInde...
Doanh thu thuần PNJ đạt hơn 19.000 tỷ đồng sau 5 tháng đầu năm.

Đại diện PNJ cho biết: “Mặc dù, doanh thu vàng miếng 24K có xu hướng tăng mạnh do nhu cầu mua vàng tích trữ, đầu tư của người dân, nhưng biên lợi nhuận của vàng 24K rất thấp và đây cũng không là mảng kinh doanh chính của PNJ. Do đó, biên lợi nhuận gộp trung bình trong 5 tháng năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái”.

Trước đó, kết thúc quý quý 1/2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt kỷ lục 12.594 tỷ đồng, tăng 28,6% so cùng kỳ nhờ thị trường vàng sôi động.

Thời gian vừa qua giá vàng tăng cao giúp doanh thu vàng 24K tăng mạnh và tài sản của PNJ tăng. Tuy nhiên, theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), khi giá vàng tăng nóng có một số tác động đến tình hình kinh doanh như (1) mảng vàng 24k sẽ chiếm thị phần của vàng trang sức; (2) PNJ lại phải tính toán thời điểm mua nguyên vật liệu đầu vào (tránh mua nhiều khi giá cao) đồng thời phải tìm cách bảo toàn tài sản nếu giá vàng xuống; (3) khó khăn trong dự báo nhu cầu mua hàng của khách hàng để đưa vào sản xuất. Điều này sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng phần nào đến hoạt động kinh doanh của PNJ như giảm biên lợi nhuận, thừa hoặc thiếu hàng.

Mặc dù vậy KBSV cho rằng ảnh hưởng tới PNJ là không quá lớn nhờ kinh nghiệm rất lâu năm trong ngành vàng và hệ thống phân tích dữ liệu hiện đại giúp dự báo tương đối chính xác, hạn chế rủi ro. Kết thúc quý 1/2024, mặc dù ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn nhất từ trước đến nay nhưng con số chỉ khoảng gần 6 tỷ, rất nhỏ so với quy mô doanh thu lợi nhuận của PNJ nên KBSV cho rằng PNJ vẫn đủ khả năng để quản lý những rủi ro về biến động giá.

Trong thời gian tới, với những quyết tâm của Chính phủ và NHNN về minh bạch và ổn định thị trường vàng, kỳ vọng giá vàng ổn định trở lại sẽ giúp tình hình kinh doanh khởi sắc hơn với PNJ.

Mới đây, PNJ cũng đã có thông báo liên quan tới Nghị quyết HĐQT và CBTT về việc triển khai phát hành ESOP 2024. Theo đó, HĐQT PNJ dự kiến phát hành hơn 3,34 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 1% số cổ phiếu đang lưu hành với giá phát hành là 20.000 đồng/cổ phiếu.

Thời gian phát hành dự kiến là quý II, III/2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên của tập đoàn có đóng góp tích cực trong việc hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2023, bao gồm thành viên HĐQT, thành viên Ban điều hành, lãnh đạo chủ chốt, cán bộ cấp trung… Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của PNJ dự kiến tăng từ 3.347 tỷ lên 3.380 tỷ đồng.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: