Rất nhiều bạn đã tìm ra cho riêng mình một phương pháp học tập siêu “độc” và hiệu quả tức thì.
Rất nhiều bạn đã tìm ra cho riêng mình một phương pháp học tập siêu “độc” và hiệu quả tức thì.
Leo cây... học bài
Một chiêu thức hết sức đặc biệt khiến ai cũng phải ngả mũ thán phục của một teen nam ở Thái Bình: anh chàng thường ngồi vắt vẻo trên cây để học bài.
Bạn ấy giải thích: Ngồi trong nhà, trên bàn học tớ thường mất tập trung vì chuyện này, chuyện kia nhưng khi đã... leo lên cây, tâm trạng rất thoải mái, và khi thật sự tập trung tớ chỉ biết học mà thôi.
Ban đầu, mọi người ngăn cản vì sợ bạn bị “hít đất”. Nhưng tới khi nghe thuyết phục thì ai nấy đều ủng hộ. Để đảm bảo an toàn, cậu bạn cũng chỉ "leo trèo" ở độ cao vừa phải ^^
Đọc to công thức Toán, Lý, Hóa
Đối với những teen khối C thì đọc to, học thuộc có lẽ không còn xa lạ.
Tuy nhiên Thanh Lan (THPT Chuyên Nguyễn Huệ - HN) - một thí sinh ban A lại thấy cách này "phát huy tác dụng" với mình. Lan kể: "Mình thường khép cửa lại để không làm ảnh hưởng đến cả nhà, rồi đọc rất to công thức Toán, Lý, Hóa. Nghĩ tới đâu đọc to tới đấy. Nghĩ – Đọc – Viết (ban đầu phải nghĩ trước đã, rồi đọc to lên và tiếp theo là ghi chép lại) giúp mình "ngấm" kiến thức lâu nhất".
Lan cũng cho biết thêm, khi học bạn ấy luôn tránh xa cái điện thoại di động và cả điện thoại bàn ra. Cô nàng còn treo một cái bảng có tựa “Không làm phiền” để lấy tinh thần học.
Tập làm cô giáo
Đã gần 1 năm nay, Thu Hương (THPT Thái Phiên - Hải Phòng) mượn riêng một lớp học nhỏ ở trường Tiểu học gần nhà để đến... tập giảng.
Hương chia sẻ: Sau khi học một vấn đề gì đó mình luôn viết lại. Có thể viết ra giấy, nhưng khi viết lên bảng thì tốt nhất! Cảm giác giống như mình đang là cô giáo giảng bài trên lớp ấy.
Nhiều lúc, Hương còn rủ thêm một bạn cùng học cách viết bảng, rồi quay sang giảng bài cho nhau nghe. "Học một mình cũng không tồi, kiến thức mình vẫn nắm được. Nhưng nếu bạn định dạy điều này cho người khác, bạn phải chú ý hơn, đào sâu hơn, diễn giải vấn đề một cách đầy đủ và rõ ràng. Lúc này, lỗ hổng kiến thức hoặc thiếu sót sẽ được phát hiện và mình thường nhớ rất lâu những thiếu sót ấy, không bao giờ quên được chúng" - Hương nói.
Học sử bằng cách kể chuyện
Nếu bạn chỉ học thuộc bằng miệng thì khó nhớ chi tiết kiến thức được, nhìn vào cuốn sách giáo khoa Sử có thể thuộc làu một cách trôi chảy nhưng khi đặt bút viết ra giấy là “bí” hoặc thiếu nhiều ý.
Bạn Nguyễn Văn Quỳnh chia sẻ bí kíp để học môn Sử như sau:
Biến bài Sử của bạn thành 1 câu chuyện. Ban đầu, đưa ra tiêu đề cho câu chuyện, cũng sát với tiêu đề của bài học Sử. Sau đó tóm tắt bài theo thời gian, trình tự diễn biến sự kiện, và đừng bỏ quên những con số, những nhân vật chính. Đem câu chuyện do chính mình dựng lên kể lại cho người khác nghe, bạn sẽ thấy cực kỳ "ngạc nhiên" vì khả năng ghi nhớ của mình.
Và chìa khóa: nghiêm khắc với bản thân
Những cách học độc, lạ, giản dị và hài hước nhưng đều chứng tỏ sự cố gắng, tha thiết với kiến thức mà sĩ tử nào cũng cần phải có. Đa dạng hóa phương pháp học tập quả là một chiêu ôn thi cực hay phải không teen?
Tuy nhiên, điều cần thiết để thành công chính là sự nghiêm túc. Nghiêm túc thực hiện những gì đã đề ra, bạn mới có động lực và tập trung học dù đang vắt vẻo trên cành cây hay giảng bài, kể chuyện cho người khác...
Hãy nhớ “Mọi sự dễ dãi đều dẫn đến thất bại. Dễ dãi với người thì bạn thất bại một, nhưng nếu dễ dãi với bản thân, bạn sẽ thất bại suốt đời" - Người sáng lập tập đoàn sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới Nitendo đã từng phát biểu như vậy.
MM