Sự kiện hot
13 năm trước

Đổi giờ, công chức bỏ việc 'chạy ù' về đón con

Điều chỉnh giờ học của HS mầm non, tiểu học nhưng lại giữ nguyên giờ làm của công chức nhà nước khiến nhiều người phải bỏ việc về sớm đón con, hoặc xin đi lúc đang làm việc rồi mang con lên cơ quan làm việc tiếp. Thậm chí, có người không xoay sở được đã phải chi thêm một khoản thuê người đón con khiến cuộc sống gia đình thêm căng thẳng.

Điều chỉnh giờ học của HS mầm non, tiểu học nhưng lại giữ nguyên giờ làm của công chức nhà nước khiến nhiều người phải bỏ việc về sớm đón con, hoặc xin đi lúc đang làm việc rồi mang con lên cơ quan làm việc tiếp. Thậm chí, có người không xoay sở được đã phải chi thêm một khoản thuê người đón con khiến cuộc sống gia đình thêm căng thẳng.

Đón con rồi mang lên cơ quan làm việc

Ngày 13/2, nhiều phụ huynh của một số trường mầm non trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) khá bất ngờ khi được nhà trường thông báo sẽ điều chỉnh giờ học của học sinh theo chỉ đạo mới của Phòng GD-ĐTquận Long Biên.

Theo đó, thay vì trông trẻ đến 17h30 như mọi khi thì bắt đầu từ 14/2, nhà trường cho trẻ ra về lúc 16h30 và muộn nhất là 17h sẽ kết thúc việc trông trẻ.

Việc thay đổi này đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Lý do là vì giờ học của các con được điều chỉnh lại nhưng giờ làm của công chức sau khi đổi thì không được điều chỉnh theo. Vì thế, họ không biết sẽ phải xoay sở thế nào khi mà muộn nhất 17h phải đón con nhưng đến 17h30 họ mới được tan sở.

Điều chỉnh lại giờ học của con nhưng không điều chỉnh giờ làm của cha mẹ khiến việc đưa đón con của nhiều gia đình trở thành một vấn đề lớn.

Chị Hường có con học tại trường mầm non xe lửa (khu ga Gia Lâm) hiện làm kế toán cho một doanh nghiệp nhà nước tại quận Long Biên cho biết, từ hôm đổi giờ làm, đúng 17h30 chị mới được tan.

Khi nhận được thông báo điều chỉnh lại giờ học của con, chị đã xin sếp mỗi ngày đúng 16h15 cho phép chị được đi đón con, đến 16h30 quay trở lại cơ quan làm việc tiếp đến 17h45 (thay vì 17h30) để bù cho 15 phút trước đó. Chị cũng phải mang con lên cơ quan ngồi đợi mẹ đến giờ tan sở thì cùng về.

Trước thực thế này, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm cho biết quan điểm của mình: “Làm lệch giờ không có tác dụng nhiều trong việc giảm ùn tắc giao thông, chỉ là biện pháp tình thế. Nếu gây ra những xáo trộn như thế này, tôi cho rằng có thể lại để các cháu mầm non, tiểu học tan học lúc 17h30 để đồng bộ với giờ giấc của bố mẹ”.

Theo ông Thủy, việc công chức bớt xén thời gian chừng 15 phút thì còn chấp nhận được, nếu bớt xén đến cả tiếng đồng hồ thì không nên. “Không nên vì muốn giảm ùn tắc mà làm giảm cả hiệu quả lao động của toàn xã hội”, ông Thủy nói.
“Rất may là nhà tôi gần trường học của con. Chồng tôi làm việc xa không thể đón con, còn tôi không có ông bà nội ngoại giúp đỡ, càng không thể thuê riêng ôsin để đón con được”, chị Hường cho biết.

Theo quan điểm của chị Hường, nếu những phụ huynh ở xa mà phải đón con theo cách của chị sẽ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc, thậm chí gây thêm tắc đường vì người dân cứ phải lộn đi lộn lại.

Tại cơ quan chị Hường, sếp đã phải họp "đặc cách" cho một chị có 2 con nhỏ cùng học mẫu giáo. Theo đó, chị này được về sớm, đón hai con xong không phải quay lại cơ quan làm tiếp. Đổi lại, chị phải mang nốt phần việc còn dở dang trong ngày về nhà làm để nộp vào sáng sớm hôm sau!

“Trốn” việc để đón con, gia đình lục đục, căng thẳng

Trong khi đó, tại những cơ quan có thể “lách” được giờ làm thì tình trạng về sớm, cắt xén thời gian làm việc ở công sở đang diễn ra khá phổ biến. Đây là việc khó tránh khỏi trong bối cảnh “con tan trước bố mẹ”.

Chị Yến, công tác tại một viện nghiên cứu ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện của mình trên một diễn đàn trực tuyến lớn: “Cơ quan tôi từ hôm điều chỉnh giờ học của con trở về như cũ là cứ đến 16h30 đã vắng hoe (trong khi 17h30 mới hết giờ làm). Như vậy là mỗi người bớt mất 1 tiếng giờ làm thay vì khoảng 30 phút như trước đây (trước đây 17h được tan - PV)”.

Nhiều người đang tìm mọi cách để có thể đón con đúng giờ

Chị Yến cho biết, chắc chắn sẽ có nhiều công chức như mình nhưng đây là việc không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh này.

Trước đó chị và chồng đã bàn chuyện thuê người đi đón con vì nếu cứ bớt giờ mãi như thế sẽ không ổn. Tuy nhiên, với đồng lương công chức của hai vợ chồng, việc này đã không thể thực hiện được. Khi chưa tìm được giải pháp, hai vợ chồng thậm chí còn lớn tiếng với nhau.

Trong khi đó, có những người không còn cách nào khác ngoài cách chi thêm một khoản để thuê người đón con. Chị Oanh có nhà tại phường Gia Thụy, quận Long Biên nhưng đi làm mãi bên Thái Hà. Cơ quan chị lại rất chặt chẽ chuyện giờ giấc nên không có chuyện đi muộn về sớm.

Không thể về đón cậu con trai 4 tuổi tan học lúc 16h, chị đành thuê bà hàng xóm nhàn rỗi đón rồi trông giúp đến 18h30. Như vậy, mỗi tháng chị tốn thêm một khoản 900.000 đồng cho việc này.

Chị Oanh than thở: “Đáng ra đã điều chỉnh phải điều chỉnh đồng bộ giờ của cha mẹ và con cái thì mới không gây xáo trộn. Nhưng ở đây chỉ mỗi điều chỉnh giờ của con, còn giờ của cha mẹ vẫn không điều chỉnh thì làm sao người dân có thể yên ổn mà làm việc được?

Người nào may mắn “bớt xén” được thì không sao, nhưng “cứng nhắc” như cơ quan tôi thì khổ lắm. Hi vọng các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ cho dân đỡ khổ”.

Ngọc Anh
Theo Vietnamnet

Từ khóa: