Sự kiện hot
11 năm trước

Đòi nợ và câu chuyện văn hóa doanh nghiệp FPT

Người dân không ký hợp đồng sử dụng dịch vụ Internet từ nhà cung cấp FPT Telecom nhưng lại liên tục nhận được tin nhắn đòi tiền cước, thậm chí sẽ phải ra hầu tòa vì số nợ “trời ơi” không phải của mình.

Người dân không ký hợp đồng sử dụng dịch vụ Internet từ nhà cung cấp FPT Telecom nhưng lại liên tục nhận được tin nhắn đòi tiền cước, thậm chí sẽ phải ra hầu tòa vì số nợ “trời ơi” không phải của mình. Với cách hành xử nêu trên, FPT đang dần đánh mất đi hình ảnh một thương hiệu lớn?


Một thương hiệu lớn như FPT rất cần coi trọng cách hành xử với khách hàng và người dân. Ảnh: Internet

Trong các hoạt động giao dịch thương mại, việc công ty nhắn tin nhắc khoản nợ của khách hàng là chuyện hết sức bình thường, song việc đòi nợ như thế nào, cách thức tiến hành ra sao để vừa xử lý được nợ vừa giữ được hình ảnh của công ty với hệ thống khách hàng là điều còn phải đáng bàn.

Ông N.V.L. (Láng Hạ, Hà Nội) số di động 0966.839.XXX và ông N.H. (Phúc La, Hà Đông) số 093.621.XXX đều không ký Hợp đồng số HND464766 để sử dụng dịch vụ Internet từ nhà cung cấp FPT Telecom nhưng liên tục bị đòi nợ tiền cước cho số hợp đồng này. Trong khi đó, người ký chính thức trên hợp đồng là ông Trần Văn Lừng, có địa chỉ tại số nhà 10b, ngách 56, ngõ 1, đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Chưa biết ông Trần Văn Lừng - chủ nhân đích thực của Hợp đồng số HND464766 có nhận được tin nhắn đòi nợ hay không, còn hai con nợ “bất đắc dĩ” như các ông N.V.L.; N.H. thì đang đối mặt với vòng xoáy lao lý nếu không chịu trả vài trăm nghìn tiền nợ cước cho FPT Telecom.

Cách đòi nợ theo kiểu nhắn tin đến không đúng đối tượng như trên của FPT Telecom đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, gây nên những bức xúc không đáng có, thậm chí làm xấu đi hình ảnh một thương hiệu lớn như FPT. “Giả sử trong số hàng nghìn khách hàng của FPT Telecom nếu có đến vài phần trăm khách hàng chưa kịp trả cước thì liệu FPT Telecom có hoàn thiện hồ sơ đưa hết khách hàng đó ra tòa”  - ông N.H. nói.

Dưới góc nhìn là một lãnh đạo công ty, ông Đặng Đình Quang - giám đốc 1 công ty truyền thông cho rằng: “Trong bất kỳ loại hình kinh doanh nào với mức độ quy mô khác nhau của các công ty, việc xử lý các vấn đề “rắc rối” với khách hàng nên được tiến hành một cách khoa học, bài bản trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tìm phương hướng giải quyết vấn đề tốt nhất hơn là nghĩ đến giải pháp mang tính áp đặt một phía. Điều đó càng làm vấn đề khó giải quyết hơn thậm chí sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của chính công ty”.

Cũng theo giám đốc này, “một thương hiệu lớn như FPT, ngoài việc kiến tạo và đưa ra thị trường sản phẩm tốt, cần phải xây dựng và phát triển hình ảnh thương hiệu trong lòng công chúng kể cả khi khủng hoảng diễn ra” .

Quang Đông
theo Thanh tra

Từ khóa: