Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Đột phá cơ chế, sớm triển khai 2 tuyến đường vành đai quan trọng

Những cơ chế, chính sách đang được các cơ quan chức năng đề xuất triển khai cũng như những bước chuẩn bị của TP. Hà Nội, TPHCM trong việc chuẩn bị xây dựng đường vành đai 4 TP. Hà Nội và vành đai 3 TPHCM đang được triển khai thế nào?

Đột phá cơ chế, sớm triển khai 2 tuyến đường vành đai quan trọng - Ảnh 1.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với tầm quan trọng 2 tuyến đường vành đai của 2 đô thị lớn nhất nước, đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì nhiều cuộc họp về việc đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và trước đó là chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 3 và đường vành đai 4 TPHCM.

Để hoàn thành 2 dự án đường vành đai nêu trên trước năm 2030 theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành cùng các địa phương liên quan khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách đẩy nhanh việc triển khai 2 dự án này.

Vậy, những cơ chế, chính sách đang được các cơ quan chức năng đề xuất triển khai cũng như những bước chuẩn bị của TP. Hà Nội, TPHCM trong việc chuẩn bị xây dựng đường vành đai 4 TP. Hà Nội và vành đai 3 TPHCM đang được triển khai thế nào?

Để làm rõ hơn vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" với sự tham dự của các vị khách mời: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn; Vụ phó Vụ Đầu tư Bộ Tài chính Dương Bá Đức; Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm và PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Đột phá cơ chế, sớm triển khai 2 tuyến đường vành đai quan trọng - Ảnh 2.

Phối cảnh đường vành đai 4 TP. Hà Nội

Thời điểm đã chín muồi

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương, tất cả căn cứ về mặt chủ trương chiến lược, đều cho thấy việc cần sớm triển khai 2 dự án (Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội) phù hợp với quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Trên thực tế, số lượng đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành 2 tuyến đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 TP. Hà Nội tại thời điểm hiện nay là chín muồi và mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước.

Dự án đường vành đai 4 TP.Hà Nội có chiều dài 112,8 km, qua TP. Hà Nội 58,2 km, Hưng Yên 19 km, Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến trên 87.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.

Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT), trong đó tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Dự án đường vành đai 4 TP.Hà Nội có chiều dài 112,8 km, qua TP. Hà Nội 58,2 km, Hưng Yên 19 km, Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến trên 87.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.

Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT), trong đó tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Đồng tình với Bộ KHĐT, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng: Việc Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét quyết định phải làm 2 tuyến đường vành đai cho thấy tầm nhìn của Chính phủ.

"Đây là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông. Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia cũng như chuyển hướng chiến lược nhằm phát triển vùng Thủ đô và vùng TPHCM, cả hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất, không chỉ có mục tiêu kinh tế mà cả không gian đô thị, tầm cao đô thị phát triển.

Việc này sẽ giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông của hai trung tâm kinh tế lớn suốt thời gian vừa qua, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông, thể hiện rõ nhất ở đường tuyến đường vành đai. Thêm vào đó, sau thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chúng ta phục hồi kinh tế, 2 tuyến đường vành đai này sẽ tạo ra đột phá cho 2 đô thị lớn nhất nước", PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định.

Đột phá cơ chế, sớm triển khai 2 tuyến đường vành đai quan trọng - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: VGP

Về phía Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Thủ đô Hà Nội là hạt nhân của vùng Thủ đô, đồng thời cũng là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội hiện có 6 cao tốc hướng tâm, khu vực vành đai 4 sẽ kết nối phía bắc, với cao tốc Bắc-Nam phía đông, kết nối với vành đai 3 TPHCM, cho phép Thủ đô Hà Nội hướng tới chỉnh thể của toàn bộ hệ thống cao tốc. 

Có thể nói, việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, hành lang vận tải liên vùng, là động lực quan trọng cho cả vùng kinh tế phía bắc.

Còn Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm khẳng định: Vành đai 3 TPHCM có vai trò hết sức quan trọng kết nối 4 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

"Vùng kinh tế trọng điểm phía nam có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế cả nước. Phát triển kinh tế chiếm 45% GDP, cũng như chiếm 43% nộp ngân sách. Nơi đây cũng là đầu mối giao thông với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lớn nhất cả nước và hệ thống cảng biển chiếm 1/4 cả nước, trong đó có Cảng Cát Lái là 1 trong 20 cảng lớn nhất thế giới.

Do đó, việc triển khai tuyến đường vành đai 3 TPHCM sẽ giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo dãn mật độ dân cư, đặc biệt là các khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong vùng từ Đông sang Tây; hoàn thành hệ thống cao tốc đi các nước bạn; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", ông Lâm cho hay.

Huy động vốn

Đối với dự án vành đai 3 TPHCM, ông Trần Quang Lâm cho biết: Với vai trò "nhạc trưởng", trong tờ trình Chính phủ đã trình Quốc hội, TPHCM sẽ là cơ quan đầu mối có trách nhiệm điều hành tổng thể trong quá trình triển khai thực hiện dự án, bảo đảm tính kết nối, đồng bộ thống nhất về hệ thống tiêu chuẩn, bảo đảm tuyến đường khi triển khai xây dựng cũng như quá trình khai thác đưa vào hoạt động theo đúng thiết kế phê duyệt.

Về vấn đề tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Lâm nhìn nhận: "Đây là vấn đề khó khăn nhất". Tuy nhiên, cùng với TPHCM, các địa phương đã vào cuộc và triển khai công tác chuẩn bị. TPHCM và các tỉnh đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng. Theo kế hoạch, việc giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm 2022 sẽ bắt đầu và phấn đấu khởi công dự án vào năm 2023.

Về nguồn vốn, TPHCM đã thống nhất cao với các tỉnh sẽ đóng góp từ ngân sách địa phương khoảng 50% để tham gia vào dự án.

Khác với TPHCM, đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội sẽ được triển khai theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) bởi tổng mức đầu tư của dự án rất lớn, lên đến hơn 85.813 tỷ đồng chia thành 3 nhóm dự án thành phần.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, mặc dù khó khăn về nguồn vốn, tuy nhiên, TP. Hà Nội đã được cân đối trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn Trung ương 2021-2025. Đối với phần dự án thực hiện theo phương thức PPP-BOT quy mô 29.410 tỷ, TP. Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu phải triển khai xong vào năm 2025.

Riêng với phần dự án đầu tư theo phương thức PPP-BOT, ông Tuấn thông tin: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa ban hành có điều khoản chia sẻ rủi ro tăng giảm doanh thu. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư BOT, PPP về khai thác dự án trong tương lai, để chia sẻ các rủi ro, nhận giá trị.

Thêm nữa, vành đai 4 vùng Thủ đô tạo lập khả năng thu hồi vốn khả thi. Theo tính toán của các bộ, ngành, dự án thu hồi vốn trong 21 năm và hoàn toàn khả thi thu phí áp dụng công nghệ thu phí không dừng, thu phí kín…

"TP. Hà Nội đang trong quá trình hoàn chỉnh kế hoạch triển khai dự án nhưng đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn", ông Tuấn cho biết thêm.

Khó khăn lớn nhất của dự án được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ đó là công tác giải phóng mặt bằng.

"Hiện quy mô giải phóng mặt bằng đối với Vành đai 4 tương đối lớn, 1.341 ha cho cả 3 tỉnh, thành phố; chiếm 19.000 tỷ trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ, dưới 25%. Riêng TP. Hà Nội phải có phương án bồi thường tái định cư cho khoảng 14.647 hộ và tái định cư cho 2.203 hộ, Hà Nội đã chuẩn bị 9 khu tái định cư quy mô khoảng 36,3 ha.

Khi vượt qua khó khăn này thì các dự án thành phần kế tiếp như dự án nhóm 2 đường song hành đô thị sẽ diễn ra từ năm 2022-2026. Đặc biệt, dự án thành phần trung tâm theo phương thức PPP-BOT với 65% đi trên cao, 35% đi dưới thấp để tạo ra điều kiện phát triển đô thị hai bên tuyến đường sẽ được Hà Nội hoàn thành trong năm 2025", ông Dương Đức Tuấn cho hay.

Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (TPHCM 47,51 km, Đồng Nai 11,26 km, Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81km) với điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức-Long Thành (huyện Bến Lức, Long An).

Dự án được đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó có hơn 41.500 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ đồng cho xây dựng và thiết bị.

Dự kiến, công tác chuẩn bị dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023; triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ quý III/2022 để hoàn thành vào quý II/2024. Việc xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành sẽ được khởi công vào quý IV/2023 và hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Vụ Phó Vụ Đầu tư Bộ Tài chính Dương Bá Đức đánh giá: Rất may mắn khi 2 tuyến đường này đi qua 2 vùng kinh tế trọng điểm. Quốc hội cũng đã cho cơ chế đặc thù cho phép các địa phương thực hiện quyết định đầu tư, nguồn vốn giao trực tiếp cho các địa phương thực hiện nguyên tắc tại chỗ. Thực tế qua số thu ngân sách của 7 địa phương đã có bức tranh rất sáng. Điều này thể hiện sự đồng thuận từ Trung ương và các địa phương.

"Hiện nay có kiến nghị của địa phương giao tăng phần cân đối địa phương. Đây là điều đáng mừng vì cho thấy các địa phương đều quyết tâm tăng nguồn vốn ngân sách để chia cho đầu tư hạ tầng", ông Dương Bá Đức nói.

Phân cấp cho địa phương

Một điểm rất mới trong triển khai 2 dự án đường vành đai đó là địa phương kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng theo tiến độ triển khai dự án, trong đó ưu tiên hoàn thành công tác GPMB trong giai đoạn 2021-2025.

Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (TPHCM 47,51 km, Đồng Nai 11,26 km, Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81km) với điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức-Long Thành (huyện Bến Lức, Long An).

Dự án được đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó có hơn 41.500 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ đồng cho xây dựng và thiết bị.

Dự kiến, công tác chuẩn bị dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023; triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ quý III/2022 để hoàn thành vào quý II/2024. Việc xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành sẽ được khởi công vào quý IV/2023 và hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết: Từ trước đến nay, công tác giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải nhất với các dự án hạ tầng bởi nhiều khi chỉ cần một vài hộ gia đình không đồng ý là toàn bộ dự án bị hỏng hết. Do đó, rút kinh nghiệm từ các dự án trước, chúng ta cần có phương án xử lý linh hoạt giao cho địa phương quyền tiếp cận để chọn phương án xử lý vấn đề này tốt nhất.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng lưu ý: Linh hoạt điều chuyển trong phạm vi để làm sao tổng mức không quá mức cần thiết. Tức là, địa phương không được lạm dụng quyền linh hoạt để hưởng lợi. Địa phương được trao quyền chủ động để giải quyết công việc cho phù hợp nhưng địa phương muốn làm tốt thì phải có giải pháp giám sát thỏa đáng.

Ủng hộ vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quá trình thực hiện 2 dự án đường vành đai, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Phân cấp, phân quyền cho địa phương có nhiều thách thức nhưng xét về lợi ích sẽ lớn hơn. Để làm được việc này thì vai trò điều phối của Trung ương và của Bộ GTVT rất quan trọng.

Đột phá cơ chế, sớm triển khai 2 tuyến đường vành đai quan trọng - Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (giữa) tham dự Tọa đàm. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, phân cấp tổ chức thực hiện dự án là 1 trong 4 nhóm cơ chế đặc thù mà Bộ GTVT đã phối hợp cùng TPHCM và Hà Nội kiến nghị Chính phủ đề xuất lên Quốc hội bao gồm: Phân cấp tổ chức thực hiện; nguồn vốn đầu tư; cơ chế chỉ định thầu; khai thác vật liệu xây dựng.

Trong đó, về phân cấp tổ chức thực hiện dự án sẽ phân chia Dự án thành các dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Giao UBND TPHCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TPHCM, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án.

Về nguồn vốn đầu tư, cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương để thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 phù hợp cơ cấu nguồn vốn, tiến độ thực hiện Dự án. Đồng thời, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Như vậy, với những cơ chế đặc thù mới được đề xuất cũng như sự chủ động của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, 2 tuyến đường vành đai đô thị quan trọng này sẽ sớm được khởi công và hoàn thành như kỳ vọng. Đây cũng là điều mà PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ: "Từ sự ùn tắc giao thông bấy lâu nay, tôi hoàn toàn có thể hình dung ra sự "bùng nổ" mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam khi hoàn thành 2 tuyến đường vành đai".

Phan Trang
Theo baochinhphu.vn

Từ khóa: