Sự kiện hot
8 năm trước

Dự án BT đường Lê Đức Thọ kéo dài của Tasco 'dính' hàng loạt sai phạm

Ngoài đề nghị TP. Hà Nội thu hồi số tiền sai phạm lên tới 20 tỷ đồng tại dự án BT đường Lê Đức Thọ kéo dài do Tasco thực hiện, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu khi thanh toán hợp đồng BT, nhà đầu tư phải tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào Ngân sách Nhà nước số tiền sử dụng đất hơn 11 tỷ đồng do áp sai suất vốn đầu tư.

Như Reatimes đã thông tin, thời gian qua, sau trào lưu BOT, việc thực hiện các dự án BT dường như đang là “miếng bánh vẽ” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hiện không chỉ có các “đại gia” BĐS “ham hố” làm dự án kiểu BT mà các doanh nghiệp xây dựng cũng đua nhau “lao đầu” vào thị phần này.

Trường hợp của Công ty cổ phần Tasco là một ví dụ. Những năm trước đây, Tasco thường được nhắc đến với cái tên “ông trùm” các dự án BOT. Sở dĩ người ta gọi doanh nghiệp này là “ông trùm” các dự án BOT, vì đơn vị này chuyên xây dựng các tuyến đường giao thông, sau đó thu phí.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do nhà nước siết chặt quy định trong việc cấp phép, quản lý, vận hành các dự án BOT, doanh nghiệp này đã nhanh chóng chuyển hướng sang làm các dự án BT, mục đích nhắm đến đằng sau là quỹ đất hoàn vốn.

Mới đây, sau 7 năm lỡ hẹn, Tasco cũng đã hoàn thành dự án BT Lê Đức Thọ kéo dài ở Hà Nội. Tuy nhiên, để xây dựng tuyến đường dài 3,5km này, Hà Nội đã phải đổi cho Tasco 70ha đất tại khu đô thị Xuân Phương và đường Trần Duy Hưng. Một cái giá mà theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS là quá đắt.

Liên quan đến việc thực hiện dự án này, ngày 19/7, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP. Hà Nội; trong đó nêu ra hàng loạt sai phạm tại dự án BT đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương (hay còn gọi là Lê Đức Thọ kéo dài) do Tasco thực hiện.

Tuyến đường BT Lê Đức Thọ kéo dài. Ảnh: Kháng Trần

Theo đó, trong quá trình kiểm tra việc thực hiện dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng làm tăng giá trị hợp đồng BT gần 20 tỷ đồng.

“Dự án chậm tiến độ theo điều khoản hợp đồng BT đã ký, không đáp ứng được yêu cầu sự cần thiết của dự án; Nhà đầu tư vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng khi chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Theo đơn vị này, ngay việc xác định giá trị tiền sử dụng đất của dự án đối ứng cũng cần phải điều chỉnh các quyết định giao đất Khu đô thị Xuân Phương đối với TASCO cho phù hợp quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được điều chỉnh tại Quyết định số 1636/QĐ-ƯBND ngày 25/3/2014 và phương thức giao đất, cho thuê đất tại Quyết định số 4324/QĐ-UBND ngày 28/8/2015 của UBND TP. Hà Nội.

Ngoài các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện dự án bị tính sai tăng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật do áp sai suất vốn đầu tư trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là hơn 11 tỷ đồng .

“Yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm và nhà đầu tư giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền là gần 20 tỷ đồng”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Ngoài đề nghị thu hồi số tiền sai phạm lên tới 20 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu khi thanh toán hợp đồng BT, nhà đầu tư phải tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào Ngân sách Nhà nước số tiền sử dụng đất hơn 11 tỷ đồng do áp sai suất vốn đầu tư.

“Đề nghị UBND TP. Hà Nội điều chỉnh các quyết định giao đất Khu đô thị Xuân Phương đối với Công ty CP Tasco cho phù hợp quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được điều chỉnh tại Quyết định số 1636/QD-UBND ngày 25/3/2014 và phương thức giao đất, cho thuê đất tại Quyết định số 4324/QĐ- UBND ngày 28/8/2015 của UBND TP.

Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng của Hà Nội, quận Nam Từ Liêm tổ chức thực hiện hoàn thành việc GPMB của dự án. Trên cơ sở đó rà soát, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và xử lý hơn 37 tỷ đồng tiền sử dụng đất tăng thêm của dự án theo quy định của pháp luật để làm cơ sở quyết toán Hợp đồng BT đã ký kết và làm cơ sở cho Công ty CP Tasco thực hiện nghĩa vụ đôi với Nhà nước”, Thanh tra Chính phủ yêu cầu.

Trước đó, như Reatimes đã phản ánh, tuyến đường Lê Đức Thọ đến đường 70 (Lê Đức Thọ kéo dài) thuộc quận Nam Từ Liêm do Công ty CP Tasco làm chủ đầu tư đã chính thức đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, từ khi đi vào sử dụng (28/4 vừa qua), người dân lưu thông qua đây tỏ ra bức xúc vì cây cầu vượt do Tasco xây dựng đã cắt đôi đường Phương Canh, biến đường thằng thành đường vòng.

Trước sự việc trên, trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để xảy ra sự việc trên, không chỉ chủ đầu tư, đơn vị thiết kế tắc trách mà đơn vị thi công cũng rất máy móc. Đáng ra trong lúc thi công, nếu thấy hiện trạng như vậy thì phải báo cáo chủ đầu tư để điều chỉnh.

“Ở đây có thể thấy rõ, tư vấn giám sát cũng vô trách nhiệm hoặc trình độ không có, không hiểu vấn đề. Bây giờ phải đảm bảo việc đi lại của người dân. Để xảy ra việc như vậy, ngoài chủ đầu tư, các cơ quan liên đới đều phải chịu trách nhiệm”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng nói.

Tuấn Minh
Theo Reatimes

Từ khóa: