Sự kiện hot
7 năm trước

Dự án Khuyến nông Trung ương: Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị và phát triển bền vững

Hà Tĩnh là một trong 28 tỉnh trồng chè công nghiệp trên cả nước, trong những năm qua chính quyền tỉnh rất quan tâm đến chính sách phát triển cây chè và xác định cây chè là cây thế mạnh của đồng bào các xã trung du miền núi thuộc các huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh, huyện Hương Sơn.

Tính đến hết ngày 31/12/2016 diện tích chè công nghiệp toàn tỉnh đạt 850ha. Tuy nhiên diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chè còn nhiều hạn chế, người dân rất cần sự liên kết và hướng dẫn quy trình canh tác an toàn để sản xuất chè phát triển ổn định, bền vững.

Sơn Kim 2 là xã thuộc vùng biên giới Việt - Lào. Dân số toàn xã là 4.518 khẩu (1.358 hộ), trên 70% dân số sinh sống bằng nghề nông, với 86 hộ dân tộc, 291 khẩu dân tộc cùng chung sống, trong đó các dân tộc thiểu số như: Mán Thanh chiếm trên 6,3%, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Diện tích chè của toàn xã là 262 ha, chiếm 70% diện tích chè của huyện; chè là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa của địa phương; đã ngày càng xuất hiện nhiều hộ nông dân có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm từ cây chè.

Tuy nhiên quy mô hộ còn quá nhỏ lẻ, manh mún; Để giúp người dân nâng cao nhận thức trong sản xuất chè an toàn, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới bền vững - được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, Hiệp hội Chè Việt Nam đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh, Xí nghiệp Chè Tây Sơn, xã Sơn kim 2 triển khai dự án Xây dựng mô hình Sản xuất chè an toàn Nâng cao giá trị gia tăng và Phát triển bền vững năm 2017 tại xã Sơn Kim 2.

Mục tiêu của Dự án: Xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, chế biến chè, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm làm nguyên liệu cho chế biến sản phẩm an đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước...

Địa điểm thực hiện dự án tại thôn Làng Chè gồm 80 hộ, thôn Thượng Kim xã Sơn Kim gồm 68 hộ với tổng diện tích là 30 ha. Các hộ tham gia Dự án đều thuộc diện khó khăn và dân tộc thiểu số.

Đơn vị liên kết: Xí nghiệp chè Tây Sơn thuộc Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh.

Dự án đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 100% các hộ tham gia Dự án với nội dung quy trình sản xuất chè theo VietGap và được chia làm 3 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Trồng và chăm sóc chè kiến thiết cơ bản.

Chuyên đề 2: Kỹ thuật thâm canh chè kinh doanh.

Chuyên đề 3: Bảo vệ thực vật trên chè theo hướng an toàn, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Hiệp hội chè Việt Nam tổ chức mua phân bón và triển khai cấp phát cho các hộ kịp thời để đầu tư đúng thời vụ. Các hộ đã triển khai bón phân đúng theo thời gian chỉ đạo, phương pháp bón: cày, bón, lấp phân đúng quy trình, kỹ thuật, có sự giám sát của cán bộ chỉ đạo, chỉ trong một thời gian cho thấy cây chè sinh trưởng tốt, búp phát triển nhiều và to, năng suất vườn chè tăng khoảng 15%, vườn chè sạch sâu bệnh từ đó đã mang lại thu nhập cho bà con và bà con rất phấn khởi.

Công tác BVTV: Hiệp hội phối hợp với Xí nghiệp Chè Tây Sơn thành lập tổ BVTV tập trung , trong thời gian qua đã kiểm tra chặt chẽ tình hình sâu bệnh trên vườn chè, khi xuất hiện sâu bệnh, Ban chỉ đạo triển khai ngay phun tập trung, nên đã xử lý triệt để sâu hại chè. Tình hình sâu bệnh hại giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2016.

Về tiến độ thực hiện Dự án, trong thời gian qua đã đáp ứng kịp thời về vật tư, phân bón, thuốc BVTV cho bà con, nên bà con đã đầu tư đúng thời vụ, kết hợp bà con thực hiện đầu tư đúng quy trình kỹ thuật, tổ chức phun thuốc BVTV tập trung từ đó cho thấy sử dụng vật tư, thuốc BVTV rất hiệu quả. Với mức độ đầu tư như trên dự kiến năng suất vườn chè trong vùng dự án đạt 13.8 tấn/ha, tăng 15% so với năm 2016. Dự kiến đến kết thúc Dự án năng suất vườn chè trong vùng Dự án đạt ở mức 20 - 22 tấn/ha, sản lượng chè sẽ tăng 20 đến 25%/năm so với năng suất ban đầu thực hiện Dự án.

Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã thực hiện thu mua 100% sản phẩm chè búp tươi của diện tích tham gia Dự án với giá bình quân 7.000 đồng/kg, cao hơn so với thị trường 250đồng/kg. Chất lượng chè tăng được nội chất và làm tăng được tỷ lệ thu hồi. Như vậy khả năng thực thi Dự án sẽ rất hiệu quả, tạo ra được sản phẩm chè an toàn, phát triển bền vững, Xí nghiệp có sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, giúp cho bà con ổn định việc làm và tăng thu nhập từ sản xuất chè.

Mô hình tuy mới triển khai năm đầu tiên nhưng đã được hầu hết người làm chè trên địa bàn xã Sơn Kim 2 ủng hộ và mong muốn được áp dụng theo quy trình của mô hình. Đặc biệt là Xí nghiệp Chè Tây Sơn ủng hộ và có kế hoạch nhân rộng mô hình trên toàn bộ diện tích Xí nghiệp đang thu mua nguyên liệu để nâng cao chất lượng và an toàn cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Việc triển khai dự án Xây dựng mô hình Sản xuất chè an toàn Nâng cao giá trị gia tăng và Phát triển bền vững năm 2017 tại xã Sơn Kim 2 là phù hợp với nhu cầu của những người dân và Xí nghiệp Chè Tây Sơn.

Mô hình đã tạo ra mối liên kết sản xuất chè an toàn và bền vững giữa Xí nghiệp Chè Tây Sơn với các hộ dân sản xuất chè trên địa bàn xã Sơn Kim 2. Mô hình phù hợp với định hướng phát triển của Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh trong xu thế hội nhập hiện nay, phù hợp với nguyện vọng của những người làm chè tại xã Sơn Kim 2 nói riêng và những người làm chè trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung.

Tuấn Hải
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: