Sự kiện hot
13 năm trước

"Đừng mất tiền thật để mua tiền giả"

Nhiều người coi đi lễ là phải mâm cao cỗ đầy, sắm nhiều vàng mã thì Phật ban lộc nhiều, không ai để ý đến việc họ đang mất tiền thật để mua tiền giả. PV đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Nhiều người coi đi lễ là phải mâm cao cỗ đầy, sắm nhiều vàng mã thì Phật ban lộc nhiều, không ai để ý đến việc họ đang mất tiền thật để mua tiền giả. PV đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Đầu năm, người dân thường có tục lệ đi lễ để cầu may, cầu bình an cho một năm mới, Hòa thượng nghĩ sao về tục lệ này?

Dù xã hội hiện đại có nhiều điều sầu muộn, lo lắng nhưng các phật tử vẫn có một tấm lòng, một đức tin với những điều Phật răn... Điều đó giúp cho họ thanh thản hơn, tĩnh tâm nhìn nhận lại sự đúng, sai trong cách hành xử của mình để sống tốt hơn, đó là một điều vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, việc đi lễ chùa của người dân vẫn còn rất nhiều điều làm cho nhà chùa phiền muộn.

Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu - phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Hòa thượng có thể chia sẻ về những nỗi phiền lòng của nhà chùa với việc đi lễ của phật tử?

Đất nước đang ở trong thời hội nhập, đời sống của người dân đã khá lên rất nhiều. Tuy nhiên cùng với đó, nhiều nét sinh hoạt văn hóa tâm linh cũng đã có nhiều thay đổi. Người dân đi lễ họ cứ nghĩ là mâm cao cỗ đầy, lễ to thì Phật nhớ, Phật ban lộc nhiều! Họ ít hiểu được rằng quan trọng là cần có một tấm lòng. Trong chùa có rất nhiều ban, khu thờ nhưng người đi lễ chùa chỉ cần mua ít hoa quả để ban chính là Tam bảo, nhà Tổ.

Ngoài ra, họ chỉ cần mua một ít hương vòng để nhà chùa tự thắp. Người đi lễ không nên mua hương thắp nhiều, thứ nhất là gây ô nhiễm môi trường, thứ hai là gây lãng phí. Đặc biệt, trong các loại hương có nhiều tạp chất của mùn gỗ của nhiều loại gỗ độc. Vàng mã cũng không nên mua. Các sư cụ trong chùa mất đi, nhà chùa cũng không bao giờ đốt vàng mã, quần áo. Đây là tập tục có từ xưa.

Hòa thượng vừa nói, các sư mất đi, nhà chùa cũng không đốt vàng mã. Nói như vậy nghĩa là Hòa thượng khuyến cáo người đi lễ không nên đốt vàng mã?

Nhà chùa luôn khuyên răn người đi lễ không nên mua vàng mã và làm gương bằng chính hành động của mình. Nhà nước nên cấm từ nơi sản xuất vàng mã chứ không nên chỉ cấm phần ngọn (cấm đốt vàng mã ở nơi công cộng-PV) như hiện nay. Người dân bỏ tiền thật đi mua tiền giả rồi đốt ra tro bụi gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe chính họ.

Trong những điều Hòa thượng trăn trở về người đi lễ, cách ăn mặc của người dân ở chốn cửa Phật còn điều gì cần bàn?

Chốn cửa Phật là nơi linh thiêng. Những người quy y cửa Phật chỉ có hai màu nâu hoặc màu vàng. Những trang phục này đều giản dị và kín đáo. Trong khi đó, nhiều người đi lễ chùa hiện nay, đặc biệt là nữ giới trang phục thì vô cùng bát nháo và đôi khi cực kỳ phản cảm, vô văn hóa. Du khách phương Tây khi vào chùa họ còn có chiếc khăn để cuốn, che đi nếu mặc đồ không phù hợp.

Tết đến, xuân về, người dân vẫn có tục hái lộc đầu năm. Hòa thượng nghĩ sao khi người dân có suy nghĩ hái lộc, thậm chí bẻ cây, cành lộc to thì sẽ càng gặp nhiều may mắn?

Đến chùa lễ Phật đầu năm cầu bình an, sức khỏe cho cả nhà là một sinh hoạt văn hoá của nhiều gia đình. Người đi lễ chỉ nên xin một bông hoa hoặc nén hương tượng trưng cho lộc và lửa trong năm mới. Cầu nguyện cho vận hạn qua đi, những điều tốt lành trong năm mới. Nhiều chùa ở Hà Nội sau đêm giao thừa hoặc ngày lễ đầu năm như một cái chợ vừa tan với đầy hương khói, bụi bặm, cây lá xác xơ. Đó là mất lộc chứ không thể gọi là xin lộc được.

Vào những ngày cuối năm, nhiều chùa có dịch vụ cúng sao giải hạn, nhiều người dân phải bỏ ra cả chục triệu để sắm lễ rước người về nhà cúng. Hòa thượng nghĩ sao về vấn đề này?

Cách gọi cúng sao giải hạn (dâng sao giải hạn) là cách gọi từ xưa của người dân. Người nhà chùa gọi đó là Lễ cầu bình an. Như tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), nhà chùa vào dịp cuối năm thường tổ chức Lễ cầu bình an tại chùa cho các phật tử với mong muốn cầu sức khỏe cho họ, sự bình an, tài lộc sẽ đến với phật tử trong năm mới. Nhưng nếu người dân bỏ ra nhiều tiền của để cúng sao giải hạn mà trong tâm họ không bình an, thanh thản thì đó cũng là điều vô nghĩa.

Lời khuyên của Hòa thượng dành cho phật tử nói riêng và người dân nói chung, trong dịp tết đến xuân về?

Cửa Phật luôn rộng mở với những người có tấm lòng, có tín tâm với đức Phật. Tuy nhiên, người đi lễ cần có ý thức và văn hoá hơn nữa để làm sao giữ được sự tôn nghiêm, linh thiêng ở chốn này.

Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Đỗ Thơm
Theo Người đưa tin

Từ khóa: