Sự kiện hot
13 năm trước

Dùng trực thăng chữa cháy?

Máy bay trực thăng rất cần trong công tác chữa cháy, nhưng để máy bay trực thăng hoạt động hiệu quả thì phải cần hàng loạt những điều kiện như bãi đỗ, cầu thang thoát hiểm hợp lý, đào tạo phi công…

Máy bay trực thăng rất cần trong công tác chữa cháy, nhưng để máy bay trực thăng hoạt động hiệu quả thì phải cần hàng loạt những điều kiện như bãi đỗ, cầu thang thoát hiểm hợp lý, đào tạo phi công…

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP. Hà Nội liên tục xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, như vụ cháy liên hoàn 5 ki ốt hàng hóa ở thị trấn Xuân Mai - Chương Mỹ. Đặc biệt là vụ cháy kinh hoàng tòa tháp đôi EVN tại phố Cửa Bắc - Ba Đình vào chiều tối ngày 15/12. Qua các vụ cháy đó đã bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Xung quanh vấn đề này, PV báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS, đại tá Ngô Văn Xiêm – phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy - Bộ Công an.

Phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu

- Qua vụ cháy tòa nhà EVN 33 tầng ở Hà Nội, theo ông, bất cập trong công tác cứu nạn - cứu hộ và chữa cháy ở các nhà cao tầng là gì, thưa ông?

Theo tôi, khó khăn đầu tiên đó chính là việc trang bị phương tiện để phục vụ công tác chữa cháy của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, nhất là việc trang bị các phương tiện đáp ứng công tác chữa cháy, cứu hộ trên các nhà cao tầng.

Vì sao trong diễn tập PCCC thì làm rất tốt, nhưng trong các tình huống thực tế, ví dụ như vụ cháy ở tháp EVN vừa rồi thì công tác chữa cháy, cứu hộ lại gặp rất nhiều khó khăn?

Đó là khi cháy xảy ra thì trong môi trường đám cháy, những yếu tố độc hại từ đám cháy là rất lớn. Những tình huống xảy ra ngoài dự kiến hoặc là giả định ban đầu. Đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khi xảy ra cháy thật thì thông số đám cháy nó tác động rất lớn đến công tác chữa cháy, tiếp cận mục tiêu, ví dụ như nhiệt độ đám cháy, độ bức xạ nhiệt xung quanh đám cháy như thế nào... hoàn toàn khác xa so với giả định trong diễn tập. Rồi khói của đám cháy, chủ yếu là khói độc, khí độc người hít vào thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, trước hết là hệ hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay người chết trong đám cháy đa số bị tác động của các khí độc, ngạt khói.

Đại tá Ngô Văn Xiêm

- Ở vụ cháy tháp EVN, sau khi dập lửa, lực lượng cứu hộ rất khó khăn trong việc tiếp cận với người bị nạn vì khói quá nhiều, trong khi các phương tiện cứu hộ như bình ô xy, mặt nạ phòng độc thì lại thiếu nghiêm trọng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Việc đầu tư cho PCCC cần kinh phí rất lớn. Một xe chữa cháy trung bình giá vài tỉ đồng, còn chưa nói đến máy bay trực thăng, có khi lên đến mấy chục triệu USD một chiếc. Đặc biệt là máy bay trực thăng để phục vụ cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy thì thiết kế, kết cấu của nó cần có các thiết bị đặc chủng đi theo, rất tốn kém. Chính vì thế, theo tôi cần phải xã hội hóa công tác PCCC, trách nhiệm của các nhà đầu tư, quản lý các tòa nhà cần có sự đồng bộ, nghiêm túc về PCCC, sẵn sàng phối hợp tốt nhất với lực lượng PCCC chuyên nghiệp ở địa bàn đó.

Dùng trực thăng phải tuân thủ một số điều kiện

- Sau vụ cháy tòa tháp đôi EVN, có nhiều ý kiến cho rằng cần tính đến phương án sử dụng trực thăng để dập lửa, cứu nạn, cứu hộ?

Máy bay trực thăng rất cần, nhưng để máy bay trực thăng hoạt động hiệu quả trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì phải cần những điều kiện sau: Thứ nhất, là khi thiết kế nhà chung cư cao tầng cần tính toán xây dựng bãi đỗ trực thăng trên nóc nhà, và nếu không tính toán kỹ thì có thể khi đám cháy xảy ra khói lại bao trùm hết bãi đáp trực thăng.

Thứ hai, là phải có điều kiện để người thoát lên trần, trên mái nhà, hoặc phải tính toán cầu thang bộ để người bị nạn có thể tiếp cận được với trực thăng nhanh và an toàn nhất. Ngoài ra cần tính đến trường hợp máy bay trực thăng không đỗ được thì phải chú ý công tác diễn tập, hướng dẫn cho người dân việc sử dụng thang dây trực thăng một cách cụ thể. Mặt khác cũng cần đào tạo, hướng dẫn phi công trong công tác bay cứu hộ, cứu nạn, bay trong điều kiện thành phố như thế nào, để công tác cứu hộ bằng trực thăng đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay ủy ban tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Quốc gia đã đầu tư máy bay trực thăng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, lũ lụt... Và điều này hoàn toàn có thể sử dụng trong việc cứu hộ, cứu nạn ở các tòa nhà cao tầng.

- Hiện nay, máy bay trực thăng ở nước ta đều thuộc quản lý của Quân đội hoặc Tổng công ty Dịch vụ bay miền Nam hoặc miền Bắc. Theo ông, cần có sự phối hợp như thế nào giữa các lực lượng để có thể đảm bảo hiệu quả cao nhất về cứu nạn, cứu hộ?

Để cho thật chặt chẽ và sử dụng một cách có hiệu quả, tôi thấy cần thiết xây dựng các phương án chữa cháy ở các nhà cao tầng. Trong các phương án đó cần nêu rõ việc có quyền điều động máy bay trực thăng, và điều này phải đ

ợc các cơ quan quản lý máy bay trực thăng đó ký vào phương án, để khi có xảy ra sự việc thì họ có thể điều động ngay, bỏ qua các thủ tục rườm rà.

Tôi nghĩ đã đến lúc phân chia các cấp độ chữa cháy từ Quốc gia, cho đến Liên Bộ, Bộ rồi các địa phương. Mỗi một cấp độ quy định được sử dụng những phương tiện gì, và cao hơn nữa là cần xây dựng trung tâm chỉ huy về chữa cháy, cứu hộ cứu nạn quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Hà Khê -Văn Tuấn
Người đưa tin

Từ khóa: