Sự kiện hot
13 năm trước

Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy 'ngộp thở' vì đèn đỏ

Đoạn đường nối từ ngã tư Xuân Thủy - Trần Thái Tông đến ngã tư Xuân Thủy - Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) dài không đầy 800 m nhưng có đến 4 cột đèn báo hiệu giao thông cùng hoạt động trong khi không hề có đường giao cắt, khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.

Đoạn đường nối từ ngã tư Xuân Thủy - Trần Thái Tông đến ngã tư Xuân Thủy - Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) dài không đầy 800 m nhưng có đến 4 cột đèn báo hiệu giao thông cùng hoạt động trong khi không hề có đường giao cắt, khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.

Thường xuyên ùn tắc vì cột đèn tín hiệu dày đặc

Bà Hoàng Thị Oanh (sinh năm 1942), đã nhiều năm bán nước ở cạnh đường Xuân Thủy (cạnh cây xăng số 171 Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho biết: “Hôm nào cũng thế, cứ vào khoảng 16h là đường phố kẹt cứng người và xe, không tài nào đi được. Có hôm tắc đường suốt hơn 2 giờ, đến tận 19h 30 mà đường vẫn tắc”.

Cũng theo bà Oanh, trước kia đường Xuân Thủy rất ít khi bị ùn tắc giao thông dù nơi đây tập trung nhiều trường đại học và chợ. Tuy nhiên, khoảng gần một năm trở lại đây thì tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ “thường xuyên xảy ra như cơm bữa” trên tuyến đường này. Tình trạng ùn tắc giao thông nói trên bắt đầu từ khi những cột đèn giao thông được dựng lên dày đặc tại đây.


4 cột đèn báo hiệu giao thông cùng hoạt động trong khi không hề có đường giao cắt, khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra

Theo giải thích từ các cơ quan chức năng, đoạn đường là nơi tập trung nhiều sinh viên 3 trường ĐH là Học viện Báo chí, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội, ngoài ra còn có trường cấp ba Nguyễn Tất Thành và 2 chợ lớn là chợ Nhà Xanh và chợ đêm sinh viên. Vì vậy lượng người đi bộ qua đường khá đông, cần phải có những cột đèn tín hiệu để ưu tiên làn đường dành cho người đi bộ.

Tuy nhiên, do mật độ đèn tín hiệu giao thông quá dày đặc, trong khá đông người và các phương tiện giao thông qua đường Xuân Thủy, nhưng lại thường xuyên phải dừng vì đèn đỏ (mỗi lần từ 30 giây trở lên) đã khiến cho các phương tiện bị dồn ứ lại, gây nên cảnh ùn tắc giao thông cục bộ.

Người tham gia giao thông bức xúc

Anh Đỗ Văn Trường, nhân viên của Hãng taxi Mai Linh bày tỏ bức xúc: “Tôi là người thường xuyên phải qua lại trên đoạn đường này, nhiều hôm đang đi thì phải phanh gấp dúi dụi vì đèn đỏ. Có hôm còn bị xe ở đằng sau tông thẳng vào. Vừa vượt qua chốt đèn đỏ ở ngã tư Trần Thái Tông thì đụng ngay đèn đỏ ở chốt Chợ Xanh và ĐHQGHN, khoảng cách ba chốt lại quá gần nên nhiều lúc vô cùng ức chế”.

Không chỉ riêng anh Trường mà nhiều người đi qua đoạn đường này đều có chung tâm trạng tương tự. Nguyễn Thị Hoài Anh – sinh viên năm cuối Khoa Ngữ Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Trước kia không có các cột đèn giao thông này em thấy cũng chẳng sao, bây giờ có lại khiến vướng và tắc đường. Các chỗ sang đường dành cho người đi bộ ở một số nơi như chợ Nhà Xanh, cổng trường Đại học Sư phạm không hiểu sao bị bịt kín lại, buộc bọn em mỗi khi qua đường phải lên tận cổng trường ĐH Quốc gia hay Học viện Báo chí mới có chỗ sang đường, cách xa hàng 200-300 m, rất bất tiện”.

Theo quan sát, tại vị trí trước cổng chợ Nhà Xanh, dù đã có cột đèn tín hiệu báo dừng xe nhưng tình trạng giao thông ở đây vẫn khá hỗn loạn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm. Người và phương tiện giao thông sang đường rất tự do, bất chấp có đèn đỏ. “Tôi nghĩ những vị trí gần trường đại học và chợ như thế này thì nên xây cầu vượt dànhcho người đi bộ qua đường, chứ đặt đèn tín hiệu nhiều chẳng giúp được gì nhiều, có khi còn là nguyên nhân gây tắc đường”, chị Nga bán hoa quả ở chợ Nhà Xanh bày tỏ.

Đi tìm lời giải

Thực tế cho thấy, đèn tín hiệu giao thông phân bố không hợp lý gây chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân gây nên cảnh ùn tắc giao thông cục bộ trên đường Xuân Thủy.

Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy (nối liền với QL 32) là trục giao thông “xương sống” không chỉ của quận Cầu Giấy mà còn của thành phố Hà Nội. Đây là cửa ngõ quan trọng nằm ở phía tây của thành phố.

Trên đường này mật độ phương tiện tham gia giao thông rất đông, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Nhiều điểm dừng đỗ xe bus cũng được thiết lập ở hai bên đường, lại là nơi tập trung rất nhiều học sinh, sinh viên các trường Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm, Học viện Báo chí, học sinh các trường chuyên Nguyễn Tất Thành, Dịch Vọng (chưa kể đến 2 chợ họp ở 2 đầu đường là chợ Nhà Xanh và chợ đêm sinh viên) khiến cho tuyến đường luôn là “điểm nóng” về giao thông.

Chính vì vậy, biện pháp trước mắt là phải giảm lưu lượng người và phương tiện lưu thông qua tuyến đường này bằng cách “chia lửa” sang một số tuyến đường khác song song như đường Duy Tân, Tôn Thất Thuyết.

Các phương tiện giao thông khi di chuyển hướng từ Cầu Giấy ra Phạm Hùng và ngược lại, thay vì phải qua đường Xuân Thủy có thể đi theo đường Trần Thái Tông - Duy Tân - Phạm Hùng hoặc Trần Thái Tông - Tôn Thất Thuyết - Phạm Hùng, sẽ tiết kiệm được cả về đường đi lẫn thời gian và tránh được ùn tắc ở nút giao thông Xuân Thủy. Tuy nhiên để làm được điều đó cần phải xây dựng hệ thống biển báo hợp lý để hướng dẫn các phương tiện. Hiện nay trên các tuyến đường này (kể cả ngã tư Xuân Thủy - Trần Thái Tông) vẫn chưa hề có biển báo giao thông hướng dẫn các phương tiện khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, về lâu dài, cần gấp rút xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ mỗi khi sang đường để thay thế cho những cột đèn tín hiệu giao thông dày đặc nhưng hoạt động “nửa vời” như hiện nay.

Theo Thể thao và văn hóa

Từ khóa: