Sau hơn một tuần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm 0,5% lãi suất cơ bản USD, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định và dự báo chỉ tăng nhẹ trong năm nay. Theo nhận định của giới phân tích tài chính, với dự trữ ngoại hối ở mức cao, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục ổn định, dự báo tỷ giá năm nay sẽ tăng không quá lớn.
Tỷ giá không biến động mạnh
Fed nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,5% trong ngày 4/5, lên mức 0,75-1%, mức tăng mạnh nhất hơn 20 năm qua. Hồi tháng 3, cơ quan này nâng lãi thêm 0,25% - lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018. Việc Fed đưa lãi suất rời vùng 0% cho thấy họ tự tin vào sức khỏe của thị trường lao động. Nhưng tốc độ tăng lãi suất cũng cho thấy Fed lo ngại về lạm phát đến mức nào. Lạm phát Mỹ hồi tháng 3 tăng với tốc độ nhanh nhất 40 năm. Điều này có thể buộc Fed tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong những tháng tới.
Việc Fed tăng mạnh thêm lãi suất USD vừa qua không khiến tỷ giá biến động mạnh. Ngày 11/5, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết là 23.141 VND/USD, giảm 3 đồng so với hôm trước. Một số ngân hàng cũng hạ giá USD như Vietcombank giảm 15 VND/USD, đưa giá mua vào xuống 22.765 VND/USD và bán ra 23.075 VND/USD.
Theo nhận định của giới phân tích tài chính, về dài hạn, lộ trình tăng tiếp lãi suất USD của Fed có khả năng sẽ tạo sức ép lên tỷ giá. Tuy nhiên, với dự trữ ngoại hối ở mức cao, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục ổn định, dự báo tỷ giá năm 2022 sẽ tăng không quá lớn.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB Research) cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá dự báo tăng không quá lớn do dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức khá cao, góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá.
Dự báo, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân vốn FDI dự báo tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm vẫn thặng dư (khoảng 4-8 tỷ USD). Và NHNN tiếp tục điều hành chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường.
TS. Châu Đình Linh (Đại học Ngân hàng TP HCM) cho rằng, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, hiện đạt gần 110 tỷ USD, gấp 10 lần quy mô năm 2010, gấp gần 4 lần so với năm 2015 và dự kiến tiếp tục tăng theo quy mô của nền kinh tế. Điều này sẽ giúp củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, duy trì niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối ở mức cao và cán cân thanh toán thặng dư là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho NHNN giữ ổn định tỷ giá.
Mặc dù đánh giá đợt tăng lãi suất lần này của Fed không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất và tỷ giá, song theo giới chuyên gia tài chính, Việt Nam phải thận trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm, nhất là khi lãi suất USD tăng nhiều lần với cường độ mạnh sẽ phần nào tác động lên tỷ giá.
Dự báo chỉ tăng nhẹ
Với sự kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường của NHNN, MSB Research dự báo, tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 0,8-1,2%.
Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối trong năm tới là không lớn, nhất là khi cung ngoại tệ của Việt Nam dồi dào. Tỷ giá đang dần phục hồi từ mức thấp nhất vào cuối tháng 1 khoảng 22.630 VND/USD, sau khi Fed bắt đầu chính sách thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất trong tháng 3. Tâm lý trên thị trường ngoại hối tại châu Á, bao gồm cả VND, tiếp tục bị ảnh hưởng từ hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
UOB tiếp tục dự báo, tỷ giá đạt mức 23.000 VND/USD trong quý II, 23.100 VND/USD trong quý III, 23.200 VND/USD trong quý IV và 23.300 VND/USD trong quý I/2023. |
Rủi ro trên dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã tăng lên gần đây do kỳ vọng tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed. “Chúng tôi dự báo Fed sẽ tăng lãi suất tại mỗi cuộc họp trong số 6 cuộc họp FOMC (Ủy ban Thị trường mở Liên bang) còn lại cho năm 2022, đưa lãi suất cơ bản USD lên khoảng 1,75-2% vào cuối năm. Do đó, chúng tôi giữ quan điểm thận trọng với VND và dự báo VND sẽ giảm giá nhẹ cùng với các đồng tiền khác tại châu Á so với USD”, lãnh đạo UOB cho biết.
Theo giới chuyên môn, việc quyết sách của Fed chưa tác động đến diễn biến tỷ giá là do mức tăng 0,5% đã được thị trường dự báo, việc họ giảm quy mô cân đối tài sản cũng không phải chuyện mới. Bất ngờ chỉ xảy ra khi cơ quan này nâng mức tăng từ 0,5% lên 0,75%, nhưng điều này đã không xảy ra. Chính vì không quá bất ngờ, nên các quyết sách của Fed đã phần nào phản ánh xong tới thị trường và được hóa giải.
Trên thực tế, áp lực của thị trường ngoại hối đã xuất hiện trong vòng 3 tuần trở lại đây. Lãi suất cho vay qua đêm với USD đã tăng tốc trong tháng 4, từ mức bình quân 0,2%/năm lên 0,38%/năm và lên mức 0,75% tại phiên ngày 5/5. Theo đó, NHNN phải sử dụng công cụ bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng nhằm hỗ trợ thanh khoản USD. Đây là lần đầu tiên nhà điều hành sử dụng công cụ này từ giữa năm 2018 đến nay.
VND nhận được yếu tố hỗ trợ từ nguồn cung USD dồi dào. Trong đó, cán cân thương mại ước xuất siêu 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và FDI giải ngân đạt 5,9 tỷ USD. Theo NHNN TP.HCM, lượng kiều hối đổ về địa phương này riêng quý I đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng, tỷ giá năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn ở trạng thái tương đối ổn định. Dự kiến, tỷ giá chỉ tăng 0,5-1% so với năm ngoái do quan hệ cung - cầu ngoại tệ tương đối tốt. Điều quan trọng giúp tỷ giá ổn định là cách thức điều hành tỷ giá của NHNN ngày càng sát với thị trường.
Dù đánh giá lần tăng lãi suất 0,5% này của Fed không đáng lo ngại, song giới chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, phải cẩn trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm.
P.V
Theo ndh.vn