Xã Mường Lai (huyện Lục Yên, Yên Bái) có 3 đập thuỷ lợi lớn là Roong Đeng, Tặng An và Từ Hiếu. Có 143 hộ nằm trong vùng nguy hiểm thuộc diện phải di dời khẩn cấp, tuy nhiên vẫn còn gần 60 hộ "cố thủ".
Xã Mường Lai (huyện Lục Yên, Yên Bái) có 3 đập thuỷ lợi lớn là Roong Đeng, Tặng An và Từ Hiếu. Có 143 hộ nằm trong vùng nguy hiểm thuộc diện phải di dời khẩn cấp, tuy nhiên vẫn còn gần 60 hộ "cố thủ".
Đập thuỷ lợi hồ Từ Hiếu đưa vào sử dụng từ năm 1999, có độ cao trên 20m, thể tích nước 2,8 triệu m3. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, đập đã bị hư hỏng, có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Gia đình bà Hoàng Thị Vẻ vẫn cố thủ tại vùng nguy hiểm với khoảng cách đến đập chỉ khoảng 100m.
Sống liều
Nằm cách chân đập chừng 100m là nhà bà Hoàng Thị Vẻ. Gia đình bà có 2 căn nhà sàn 3 gian và đã di dời một căn ra nơi ở mới. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển và xây lắp tới trên 30 triệu đồng, nên một căn nhà vẫn chưa được di dời. Bà Vẻ lo lắng: "Tôi biết sống ở dưới chân đập nguy hiểm lắm, nhưng mới chuyển một nhà mà tôi đã phải vay mượn rất nhiều, không biết khi nào mới trả xong nợ".
Sát nhà bà Vẻ là gia đình anh Hoàng Văn Tình. Anh Tình lo lắng: "Tiền ăn qua ngày còn thiếu, giờ chuyển nhà phải mất mấy chục triệu, biết là sống ở đây nguy hiểm nhưng tôi đành bó tay".
Nguy hiểm nhất là thôn 8 - vùng hạ lưu của 3 đập nước lớn, một bên là núi đá cao, thường xuyên xảy ra sạt lở; một bên là suối lớn thường xuyên có lũ quét và ngập lụt. Thôn này có 18 hộ chưa di dời. Nhà anh Hoàng Văn Thụy trước cửa là 2 con suối lớn, mỗi khi lũ về nước tràn vào thì nhà anh cô lập hoàn toàn. Phía sau nhà là vách đá dựng đứng, thường xuyên sạt lở. Nhìn ngôi nhà liêu xiêu dưới "lưới hái tử thần", anh Thụy tuyệt vọng: "Tôi muốn chuyển đi lắm nhưng tiền không có, gỗ cũng không, đành sống liều ở đây".
Là địa bàn có nhiều suối và nhiều hồ nước lớn, để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân, xã Mường Lai đã lập danh sách 143 hộ phải di dời khẩn cấp. Xã cũng đã được đầu tư xây khu tái định cư mới với diện tích trên 8.000m2. Mỗi hộ chuyển đến được hỗ trợ 10 triệu đồng và cấp 300m2 đất. Tuy nhiên đến nay mới có trên 90 hộ chấp hành.
"Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa"
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân không chịu di dời một phần do không có tiền, một phần do khu tái định cư còn quá nhiều thiếu thốn. Hiện nay, khu tái định cư mới đưa vào sử dụng 1 năm nhưng hệ thống taluy sau các nhà dân thường xuyên sạt lở; nhiều rãnh thoát nước bị lún sụt, nứt vỡ, mỗi khi mưa xuống là nước tràn vào nhà.
Ông Hoàng Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Mường Lai thừa nhận: "Nếu khu tái định cư không được nâng cấp thì việc vận động người dân di dời đến đây sẽ bế tắc".
Việc đi lại khó khăn, hàng ngày người dân phải đi hàng chục cây số mới ra đến chợ. Nông sản làm ra bán không đủ tiền đổ xăng xe đi lại. Chăn nuôi khó khăn do đất chật. Nhiều hộ đang muốn trở lại nơi ở cũ, phó mặc tính mạng và tài sản cho ông trời.
Gia đình ông Lý Văn Tám ở nhà cũ nằm dưới chân đập Từ Hiếu. Đến nơi ở mới chưa được bao lâu gia đình ông lại quay về nơi ở cũ dựng một căn nhà nhỏ. Ông bức xúc: "Nhà mới ở khu tái định cư còn nguy hiểm hơn, mỗi khi mưa về taluy sau nhà lại sạt lở, chặn hết đường đi lại, nước ngập vào tận nhà. Tôi về đây để tiện làm ăn".
Tiến Minh
theo Dân Việt