Sự kiện hot
11 năm trước

Gần 90 tuổi vẫn đạp xe, bán chuối làm từ thiện

Dantin - Bất kể nắng, mưa, gió rét cụ Nguyễn Trung Khánh ( SN 1927, trú tại thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn rong ruổi vượt qua quãng đường hơn 20 cây số, mang theo những buồng chuối chín tự tay mình trồng lên trung tâm TP Hà Nội bán lấy tiền làm từ thiện.

Dantin - Bất kể nắng, mưa, gió rét cụ Nguyễn Trung Khánh ( SN 1927, trú tại thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn rong ruổi vượt qua quãng đường hơn 20 cây số, mang theo những buồng chuối chín tự tay mình trồng lên trung tâm TP Hà Nội bán lấy tiền làm từ thiện.


Chiếc xe đạp cụ Khánh dùng làm phương tiện chở chuối suốt hơn chục năm nay.

Từ những vòng quay nhọc nhằn...

Trong một lần đi trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), tôi vô tình gặp mặt cụ Khánh đang bán chuối ven đường. Dáng người nhỏ thó, giọng nói sang sảng với mái tóc và bộ râu trắng như cước. Cụ Khánh cho biết cụ bắt đầu “hành nghề” bán chuối từ lúc còn là cậu bé Khánh. Hồi đó, xe đạp chưa có, hàng ngày cậu bé Khánh với đôi quang gánh trên vai cứ rong ruổi khắp các vùng quê ven đô để mưu sinh. Năm 1983, cụ chính thức “tăng hiệu quả” công việc của mình bằng chiếc xe đạp Phượng hoàng và cũng kể từ năm đó cụ bắt đầu đạp xe đi bán chuối dạo ở các phố phường Hà Nội.

Lộ trình quen thuộc hàng chục năm của cụ vẫn là từ nhà lên tới phố Hạ Đình (Q. Thanh Xuân). Giữa phố phường đông đúc, một dáng người nhỏ nhắn, xiêu vẹo len lỏi qua dòng người tấp nập. Chiếc xe đạp cũ kỹ không phanh với 50 nải chuối phía sau dần tiến về phố thị. Ngày nắng, cụ với bộ quần áo nâu, không mũ, không dép, chiếc xe của cụ vẫn ì ạch trên đường. Trời mưa, vẫn không dép, cụ mặc thêm chiếc áo mưa choàng – những “vòng quay” vẫn chậm chạp lăn giữa dòng người tấp nập. “Tôi không quen đi dép, đi vào cảm thấy vướng víu khó chịu lắm”, cụ Khánh phân bua.

Bữa sáng sơ sài với lưng cơm do con dâu nấu cho là “năng lượng” cho cụ trong suốt 20 km đường dài. Bữa trưa với cụ chỉ là cái bánh mì mua dọc đường hoặc hôm nào “đổi món” là vài cái bánh khúc hoặc nắm xôi đậu của một cửa hàng trên phố Hạ Đình .“Chuối của cụ rất ngon nên bán chạy lắm. Thường thì cụ đến đây là chuối đã gần hết. Chị vẫn thường mua chuối của cụ để thắp hương vào ngày rằm và mùng 1 nhưng phải dặn trước thì cụ mới để cho đấy. Không hẳn là vì chuối của cụ rẻ hơn những người khác bán mà người ta hay mua mà là vì một điều gì đó rất khó nói. Có lẽ người ta thấy thương cụ hoặc khâm phục cụ nên nhiều người vẫn mua chuối của cụ, có người còn mua với giá cao nữa là khác”, người chủ bán xôi tâm sự.

Tích cóp tiền làm từ thiện


Đối với cụ Khánh, bán chuối để lấy tiền làm từ thiện là nguồn vui sống tuổi già.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, con cháu cụ Khánh chẳng ai muốn bố mình phải vất vả vì đồng tiền cả. “Dạo đầu mọi người và con cháu tôi ngăn cản tôi đi dữ lắm. Chúng nó phá hỏng xe của tôi, giấu sọt của tôi. Trong thời gian ấy, gia đình tôi trở nên căng thẳng. Anh con trai cả về nhà khuyên tôi không nghe, giận tôi nó liền quay về nội thành nhưng cũng không ngăn cản được tôi”, cụ Khánh kể.

Cụ Khánh ở với gia đình người con trai thứ 2 trong một căn nhà cấp 4 khang trang. Được biết, gia đình cụ sống rất hòa thuận, con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo với bố, với ông. Cô Đỗ Thị Điển, con dâu thứ hai của cụ Khánh bảo mình cảm thấy dằn vặt trước cảnh bố mình ngày ngày phải khó nhọc đi bán từng nải chuối khi cụ đã quá già. “Ngày xưa còn khó khăn với lại ông còn khỏe mạnh thì cũng không cản ông. Nhưng những năm gần đây đời sống gia đình có khá hơn nên các con cũng không để cho bố mình thiếu thốn gì cả. Bảo ông ở nhà ông không chịu. Nói dại, chẳng may ông bị làm sao ra đấy thì vợ chồng cô chú lại ân hận cả đời”, cô Điển bộc bạch.

Quả thật những “tai nạn nghề nghiệp” xảy đến với cụ không biết bao nhiêu lần mà với cụ “đó là cơm bữa”. Cụ chìa cái chân trái ra, vén chiếc quần nâu cũ kỹ của mình lên rồi chỉ vào vết thương đã khô vảy và nói : “Đây là tai nạn gần đây nhất đấy. Do chiếc xe bus quệt vào nhưng cũng may mà tôi không việc gì”. Nói rồi cụ hể hả cười với tôi. Cụ cũng bảo có lần cụ bị xe máy tông vào, phải khâu mất 18 mũi nhưng chỉ nghỉ ít hôm là lại chở chuối lên đường .

Số tiền cụ Khánh kiếm được mỗi ngày cũng lên tới vài trăm nghìn đồng. Vậy số tiền ấy cụ để đi đâu trong suốt thời gian qua? “Người ta giàu thì người ta làm từ thiện nhiều tiền. Tôi tuy không giàu nhưng cũng làm từ thiện. Tất cả số tiền tôi kiếm được nhờ bán chuối tôi đem tặng cho các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc giúp đỡ những gia đình còn khó khăn trong xã mình. Tôi còn sức khỏe, tôi còn có thể lao động, tôi muốn đóng góp chút gì đó cho xã hội này tới khi nào tôi không thể làm được nữa thì thôi. Tôi không muốn cho mọi người biết điều này vì sợ mọi người nói ra nói vào lại bảo tôi lo chuyện bao đồng mà không lo gì cho con cái cả”, cụ Khánh chia sẻ với ánh mắt rạng ngời.

Hòa Thắng

Từ khóa: