Dantin - Dân buôn gạo đường biên Cao Bằng ai cũng thán phục khi nhắc đến ba cái tên, ba người đàn bà khét tiếng như: Lương Thìn, Lâm, Thủy. Kho tập kết hàng của những chủ hàng này phải đến hàng nghìn tấn.
Dantin - Dân buôn gạo đường biên Cao Bằng ai cũng thán phục khi nhắc đến ba cái tên, ba người đàn bà khét tiếng như: Lương Thìn, Lâm, Thủy. Kho tập kết hàng của những chủ hàng này phải đến hàng nghìn tấn. Phóng viên Đời sống & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với trực tiếp các đầu nậu và người đứng đầu Chi cục quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng.
Thao túng giá gạo cả khu vực
“Bà T là tổng kho gạo lậu tại đây. Mỗi ngày có đến hàng chục xe tải lớn nhỏ từ kho của bà ấy nằm gần ngã 5 (thuộc km số 5) vận hàng đi đường cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng, Cao Bằng. Bà này thuộc dạng “cơ” lớn nhất Cao Bằng hiện nay đấy”, anh C cho biết thêm.
Quả nhiên lời đồn đại của dân chở gạo lậu thuê là chính xác khi tận mục sở thị “tổng kho” của một bà trùm cạnh ngã 5 (thuộc km số 5, đường đi Hà Nội cũ). Khoảng 17h chiều, hàng chục xe tải xếp đuôi nhau về đây ăn hàng.
Chỉ cần một cú điện thoại, cửu vạn từ khắp các bản lũ lượt kép nhau xuống
Nhà kho rộng trên trên 500m2, từng dãy gạo lớn ước tính đến hàng nghìn tấn được xếp khá ngăn nắp. Mỗi khi xe tải vào lùi đuôi vào cửa, lập tức đội bốc vác lực lưỡng nhanh chóng xếp kín các thùng xe trong vòng vài chục phút. Ăn đủ tải, các xe từ từ tiến ra phía cửa, xếp thành hàng khá ngay ngắn, chờ giờ lên đường.
Anh C cho biết, hàng gạo lậu trong khu vực phía Bắc thì khó có ai vượt mặt bà này: “Nhiều đợt, Trung Quốc “ăn” hàng mạnh, bà này đi gom hết hàng từ khắp các nơi về đây. Giá gạo trong khu vực gần như là phụ thuộc vào lượng hàng nhiều hay ít trong kho này”.
Diện kiến “bà trùm”
“Thương nhân” Thìn khá tự tin. Bà cho biết theo nghề buôn gạo đã gần 10 năm. Hàng của bà đã làm nghề gạo được gần chục năm và hàng của bà thuộc thành phần chính sách hỗ trợ cho các xã vùng cao, chứ không hề buôn lậu..
Trước những tấm hình cung cấp những bằng chứng về việc hàng đoàn xe tải lớn nhỏ “ăn” gạo từ kho của bà tại khu vực km số 5, sau đó chuyển thẳng lên biên qua đường tiểu ngạch thuộc địa phận Hà Quảng, thì bà một mực khẳng định “chẳng hề biết những chiếc xe đó là của ai và từ đâu đến”.
“Đó không phải là xe hàng của chúng tôi, nhà tôi chỉ có 2-3 xe, chủ yếu là chở gạo thuộc diện hỗ trợ cho các xã vùng cao của tỉnh. Họ đứng trước cửa kho chắc là đỗ nhờ thôi. Mà nếu là gạo lậu đi chăng nữa, sao cơ quan chức năng không ra mà bắt”, bà Thìn khẳng định.
Khi được hỏi về nạn buôn gạo lậu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, bà Thìn nói sẵn sàng cung cấp số điện thoại của một đầu nậu và bật mí: “Nói về nạn buôn gạo lậu ở đất Cao Bằng này chỉ có bà L làm lớn chứ riêng tôi không làm. Nhà bà ấy đi hàng trăm xe mỗi ngày đấý. Nếu muốn hỏi kỹ, chú cứ gọi điện thoại mà hỏi”.
Mở tung cửa kho, chỉ vào những chồng bao gạo được xếp cao đến nóc, anh C cho hay: “Kho của bà L đấy, mỗi ngày hàng trăm tấn gạo từ các nơi tập kết về đây. Sau đó bà ấy thuê các xe tải chở lên biên giao cho các đầu bên Trung Quốc”.
Qua số điện thoại bà Thìn cung cấp, phóng viên đã liên hệ và có cuộc trao đổi với chủ thuê bao là bà Lâm. Bà Lâm thừa nhận là thỉnh thoảng có đi gạo lậu, nhưng chỉ buôn bán nho nhỏ. Và cũng giống như bà Thìn, bà Lâm lắc đầu quầy quậy: Việc các lái xe cho rằng hằng ngày họ chở hàng gần trăm tấn gạo của bà giao sang Trung Quốc qua các đường tiểu ngạch chẳng qua là chuyện họ nói cho sướng miệng. Chứ bà không hề thuê các lái xe này chuyển hàng.
Và đến lượt mình, bà Lâm cũng “chuyền” bóng sang sân đội bạn. Bà không không ngần ngại cho chúng tôi biết: “Nhà L.T mới buôn lậu gạo lớn qua biên, chứ chị đi hàng này được là bao. Chú cứ qua kho nhà bà ấy chỗ đường đi Hà Nội cũ ấy thì biết. Hàng chục xe chở hàng mỗi ngày. Chị thì chỉ thỉnh thoảng mới ké vào hàng nhà bà ấy thôi”.
Tinh vi lách luật
Trước thực tế nhức nhối này, ông Nông Văn Xứng, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng cho hay, ông có biết đến hai đầu nậu gạo này hoành hoành, nhưng chưa lần nào bắt được quả tang thành công.
Theo ông Xứng, nhiều lần đơn vị sở tại, thậm chí cả liên ngành từ Trung Ương về kiểm tra, nhưng đều bất lực bởi bọn buôn lậu có mối quan hệ khá rộng và lách luật cực kỳ tinh vi.
“Chúng lợi dụng khá tốt quy định về thời gian xuất trình hóa đơn chứng từ sau 24h (theo Thông tư 60/2012/TT-BTC). Nhiều vụ chúng tôi theo dõi, triển khai kiểm tra bắt giữ nhiều chuyến hàng gạo không có hóa đơn, nhưng không hiểu sao chỉ vài tiếng sau, chúng lại tòi ra hóa đơn để hợp lý hàng hóa hết. Thế là mình bó tay luôn”, ông Xứng ngán ngẩm chia sẻ.
Chủ hàng người Trung – Việt trao đổi giá cả, thanh toán ngay khi hàng qua biên an toàn
Nói về sự bất lực của các cơ quan sở tại, ông Xứng chia sẻ thêm: “Gọi là gạo lậu thì cũng khó, vì nó vận chuyển nội địa, lúc mình bắt thì trong vòng 24h nó lại xuất trình giấy tờ được ngay. Lại phải thả ra. Còn đến lúc nó chuyển lên biên rồi thì thầm quyền lúc đó lại thuộc của biên phòng và hải quan rồi. Chúng nó có đủ mánh khóe để vận chuyển trót lọt”.
Còn anh H.L, một tài xế nhiều năm chạy tuyến xe khách tuyến Hà Quảng – Cao Bằng chẳng hiểu có ai chống lưng cho họ không mà anh chỉ biết: Từ bao năm nay L.T và L đi gạo lậu rồi nhưng có ai dám động chạm đến các bà ấy đâu?
“Sự tự tin đến của L.T từ xưa rồi. Kho gạo của bà ấy nằm nghênh ngang ngay gần đây, nhưng chẳng có ai dám động vào. Mỗi đêm gạo về và đi hàng chục xe. Có lần tôi có ý kiến, dẫn đến xích mích, chúng nó cho cả người đến nhà tôi đập phá”, anh H, một hộ dân tại đường tròn km số 5 cho hay.
“Bức màn” các đầu gạo lậu và mối quan hệ chân trong chân ngoài với người làm trong các cơ quan có chức năng tỉnh Cao Bằng vẫn còn là một điều bí ẩn. Nhưng có một điều hiển nhiên nhiều người hàng ngày chứng kiến, lượng gạo theo các xe tải lên biên từ các kho lớn nhỏ ngày một gia tăng một cách công khai.
Sa Hà
Tóm tắt kỳ trước: Theo dấu gạo xuất lậu
Trên chiếc xe chở gạo lậu trọng tải 10 tấn, từ thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng,Cao Bằng), men theo con đường tiểu ngạch lên cột mốc 107, chừng 5h đồng hồ, chúng tôi có mặt tại bãi tập kết, vận chuyển gạo lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tại đây, hàng chục xe tải lớn gạo lớn nhỏ đang chờ xe bên nước bạn sang ăn hàng.
Mỗi khi xe chở gạo đến điểm tập kết, từ bên kia biên giới, những chiếc xe tải lớn nhỏ mang biển kiểm soát nước ngoài, cùng hàng chục cửu vạn, ào ào đấu thùng xe với nhau, sang gạo, nhanh chóng chạy mất hút về phía bên kia.
|