Báo cáo tháng 7 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, giá cà phê thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm do tiến độ thu hoạch vụ mới của Brazil diễn ra nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn chưa có nhiều cải thiện so với những tháng trước.
Giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp bởi ICO tiếp tục giảm 7,2% trong tháng 7 xuống còn bình quân 158,4 US cent/pound (tương ứng 155,6 – 162,6 US cent/pound), mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Nhìn chung giá của tất cả các nhóm cà phê đều giảm trong tháng vừa qua. Trong đó, arabica Colombia giảm tới 10% xuống mức trung bình 190,6 US cent/pound. Nhóm cà phê arabica khác và arabica Brazil cũng giảm lần lượt 6,7% và 9,6% xuống mức trung bình 193,5 US cent/pound và 159,5 US cent/pound. Riêng giá cà phê robusta giảm ít nhất, chỉ giảm 3,4% và đạt trung bình 127,6 US cent/pound.
Trên thị trường kỳ hạn New York và London giá cà phê robusta và arabica cũng giảm lần lượt 8,6% và 4,7% xuống 159,6 US cent/pound và 113,6 US cent/pound. Chênh lệch giá cà phê trên hai sàn giao dịch tiếp tục giảm 16,9% xuống còn 45,95 US cent/pound trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Giá cà phê arabica giảm mạnh hơn so với robusta do chịu sức ép bởi vụ thu hoạch mới của Brazil đang diễn ra với tiến độ nhanh hơn năm ngoái.
Báo cáo của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 6/2023 đạt 10,4 triệu bao, giảm so với gần 11,2 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, xuất khẩu cà phê toàn cầu sau 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 6/2023) đã giảm 6,7% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 93,4 triệu bao.
Ngoại trừ khu vực châu Á có sự tăng trưởng, xuất khẩu cà phê của tất cả các khu vực còn lại trên thế giới đều giảm trong tháng 6 và 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023.
Theo ICO, Nam Mỹ vẫn là khu vực xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong tháng 6 với khối lượng đạt 3,65 triệu bao, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu là do hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất khu vực là Brazil và Colombia chứng kiến các lô hàng xuất khẩu giảm lần lượt 15,5% và 20,3%, xuống còn 2,6 triệu và gần 0,8 triệu bao.
Xuất khẩu của Brazil vẫn còn thấp do nguồn cung tương đối hạn chế sau hai năm liên tiếp thu hoạch dưới mức trung bình, mặc dù vụ thu hoạch hiện tại đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn vụ trước.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê từ châu Á và châu Đại Dương tăng 0,5% lên 3,6 triệu bao trong tháng 6/2023 và tăng 2,9% lên 35,3 triệu bao trong 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023.
Việt Nam là động lực chính cho sự tăng trưởng này với khối lượng xuất khẩu tính từ đầu niên vụ 2022-2023 đến nay đạt 24,1 triệu bao, tăng 6% so với 22,8 triệu bao của cùng kỳ vụ trước. Điều này phản ánh sự chuyển dịch nhu cầu sang cà phê robusta có giá rẻ hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 12 tháng qua đang chậm lại, từ mức tăng 12,5% vào tháng 10/2022 xuống 4,2% vào tháng 6/2023. Điều này cho thấy việc thu hẹp chênh lệch giá giữa cà phê arabica và robusta có thể tác động đến nhu cầu cà phê từ Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, với tỷ lệ pha trộn trong cà phê hòa tan quay trở lại hướng sử dụng tương đối cao hơn của arabica.
Hoài Anh
Theo Kinh tế và Đồ uống