Nỗi lo khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn tiếp tục bao trùm thị trường dầu mỏ, nhất là nguy cơ Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone - sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo cần tới cứu trợ đang trở nên hiện hữu.
Nỗi lo khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn tiếp tục bao trùm thị trường dầu mỏ, nhất là nguy cơ Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone - sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo cần tới cứu trợ đang trở nên hiện hữu.
Dầu mỏ thế giới tiếp tục bị phủ bóng đen bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu
Ngay phiên đầu tuần 14/11 thị trường dầu ngọt nhẹ New York đã biến động khá mạnh. Giá dầu có lúc leo lên mức cao nhất trong 4 tháng qua, tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng, nhưng tới cuối phiên lại lùi về 87,14 USD/thùng khi nỗi lo khủng hoảng nợ công châu Âu tạm thời dịu bớt.
Các nhà lãnh đạo mới ở Hy Lạp và Italy vội vã chạy đua với thời gian để cứu đất nước khỏi cảnh bị vỡ nợ đã phần nào trấn an thị trường. Nhưng chính sự bấp bênh của giá dầu cho thấy tâm lý của giới đầu tư không được ổn định. Hơn nữa, chính sách thắt lưng buộc bụng đầy khắc khổ mà chính phủ các nước đang ngập trong nợ ở châu Âu đang triển khai sẽ gây bất lợi tới tăng trưởng kinh tế, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Sang phiên 15/11 giá dầu ngọt nhẹ lại đảo chiều đi lên khi giới đầu tư tỏ ra lạc quan trước báo cáo lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ: doanh số bán lẻ của nước này tiếp tục tăng 0,5% trong tháng 10 và chỉ số sản xuất tại bang New York tăng 0,6% trong tháng 11, đánh dấu lần tăng đầu tiên của chỉ số này kể từ tháng 5/2011. Nhờ đó giá dầu ngọt nhẹ tăng 1,23 USD, lên 99,37 USD/thùng, kéo theo giá dầu Brent Biển Bắc tại London tăng thêm 50 xu, đóng cửa ở mức 112,39 USD/thùng, sau khi giảm hơn 2 USD/thùng vào phiên trước đó.
Đà đi lên vẫn được duy trì sang phiên 16/11 tại thị trường New York khi giá dầu bất ngờ vượt ngưỡng tâm lý 100 USD/thùng. Trong phiên có lúc giá dầu có lúc vọt lên 102,89 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2011. Cho dù tới cuối phiên giá dầu chỉ đóng cửa ở mức 102,59 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 3,22 USD so với đêm trước.
Tuy nhiên, bên kia bờ Đại Tây Dương, giá dầu Brent Biển Bắc lại không nối dài được đà tăng của đêm trước mà để mất 30 xu xuống chốt phiên ở mức 111,88 USD/thùng.
Nhưng rồi nỗi lo ngày một lớn hơn về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu với Tây Ban Nha có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo đã lại nhấn chìm thị trường vào phiên 17/11. Ngay sau phiên tăng mạnh 16/11, giá dầu đã sụt khá mạnh tới hơn 4 USD do lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Tây Ban Nha leo lên các mức cao kỷ lục đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán đi tài sản, trong đó có cả dầu mỏ, để bảo toàn nguồn vốn.
Đóng phiên 17/11 giá dầu ngọt nhẹ New York để mất 3,77 USD xuống mức 98,82 USD/thùng. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2012 giảm mạnh hơn, sụt tới 4,17 USD, xuống 108,22 USD/thùng.
Thị trường càng thêm bất an về cuối tuần khi các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra bất đồng trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ và các cuộc đàm phán giảm nợ của Mỹ dường như bế tắc.
Tới ngày 16/11, nợ của Chính phủ Mỹ đã vượt ngưỡng 15.000 tỷ USD, sắp kịch trần mức được Quốc hội phê chuẩn hồi tháng 8. Cho dù hạn chót để đạt được một thỏa thuận về giải pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách vào ngày 23/11 đang gần kề, nhưng các nghị sỹ của hai đảng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Giới giao dịch cho rằng cuộc khẩu chiến giữa Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về cách tăng cường thêm tiềm lực tài chính cho Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) càng gây thêm sức ép lên giá dầu. Chủ tịch Mario Draghi của ECB đã bác bỏ các đề xuất mới rằng ECB đóng góp thêm tài chính cho hoạt động cứu trợ Eurozone thông qua Quỹ tiền tệ Quốc tế.
Nhìn từ góc độ đó nhà phân tích Bart Melek từ TD Securities cho rằng một lần nữa chúng ta lại nhìn thấy bất ổn xuất phát từ châu Âu. Dường như là châu Âu sẽ phải bất ổn hơn mới làm ECB phải hành động. Còn nhà phân tích Carsten Fritsch từ Commerzbank lại lưu ý nếu châu Âu rơi vào suy thoái bởi khủng hoảng nợ thì nó sẽ gây hậu quả xấu tới nhu cầu dầu mỏ.
Chốt phiên 18/11 giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 12/2011 giảm 1,41 USD còn 97,41 USD/thùng và giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 1/2012 hạ 66 xu còn 107,56 USD/thùng.
Các nhà phân tích của Commerzbank tiếp tục nâng dự báo giá dầu ngọt nhẹ New York trung bình năm tới thêm 6 USD và thu hẹp chênh lệch giá giữa dầu ngọt nhẹ New York với dầu Brent sau khi có tin Công ty Enbridge (Canada) đã mua 50% cổ phần của ConocoPhillips tại đường ống dẫn dầu Seaway có công suất vận chuyển 330.000 thùng/ngày, chạy từ Vịnh Mexico của Mỹ tới trung tâm tích trữ dầu Oklahoma- thương vụ sẽ giúp giảm bớt tình trạng "tắc nghẽn" trong hoạt động chuyên chở dầu, đồng thời làm tăng nhu cầu đối với dầu thô của Mỹ và Canada.
Theo đó, chênh lệch giữa hai loại dầu này sẽ giảm xuống 8 USD trong vòng 6 tháng và chỉ còn 3 USD vào cuối năm tới. Chênh lệch giữa hai loại dầu này liên tục được nới rộng trong năm nay và có lúc đã lên tới 30 USD vào cuối tháng 9 do đường ống dẫn dầu Seaway "nghẽn mạch."
Ngân hàng BNP Paribas đã nâng dự báo giá dầu ngọt nhẹ năm tới lên 104 USD/thùng, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu Brent ở mức 116 USD/thùng.
Hoàng Hà
Theo TTXVN/Vietnam+