Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Giá hàng hóa không giảm theo xăng, doanh nghiệp thực phẩm nói gì?

Nhiều doanh nghiệp thực phẩm cho rằng thời gian qua họ liên tục bù lỗ nên việc giá xăng giảm gần đây không tác động nhiều đến giá thành hàng hóa.

Chia sẻ về câu chuyện giá hàng hóa, ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA)- khẳng định rằng: Để đảm bảo giá hàng hóa cung ứng ra thị trường bình ổn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ có giá xăng.

Cụ thể, trong lĩnh vực hàng lương thực thực phẩm, có hai nguồn là tự sản xuất trong nước và nhập khẩu. Về nhập khẩu, thời gian qua Việt Nam có nhập gia súc, gia cầm cùng các mặt hàng khác nhưng việc nhập khẩu lại ảnh hưởng rất lớn bởi giá nhập vào tăng, chi phí vận chuyển quốc tế (logistics) tăng tối thiểu 5-15 lần tùy vùng vận chuyển.

Về nguyên liệu trong nước, sau dịch dù việc nuôi trồng dần phục hồi, nông dân quay lại sản xuất nhưng thực tế, phục hồi hoàn toàn là chưa. Do đó vẫn có thời điểm, một số mặt hàng sản xuất lương thực thực phẩm thiếu và chưa kịp thời.

“Xăng chỉ là một yếu tố cấu thành trong giá hàng hóa. Theo đó, giá hàng hóa còn bị chi phối bởi các yếu tố khác như chi phí vận chuyển, bao bì, vật tư, chi phí điện, nước… Tuy nhiên các chi phí này đều chưa có dấu hiệu giảm nên nhiều loại thực phẩm và hàng hóa bán trên thị trường tới nay chưa giảm”- ông Dũng cho biết.

Giá hàng hóa không giảm theo xăng, doanh nghiệp thực phẩm nói gì?
Giá hàng hóa chưa hạ nhiệt do nhiều yếu tố

Cũng theo ông Dũng, thời gian qua, các doanh nghiệp thuộc Hội này đã gánh vác rất nhiều và chịu nhiều áp lực đảm bảo trạng thái hoạt động liên tục dù chấp nhận lỗ. Do đó qua việc giá xăng giảm liên tiếp 4 lần là tín hiệu đáng mừng, giúp chặn đà tăng của giá hàng hóa nhưng vẫn cần phải có thời gian và độ trễ nhất định.

Là doanh nghiệp đang cung cấp lớn lượng thực phẩm chế biến cũng như tươi sống ra thị trường, ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam - cho biết: Thực tế từ đầu năm tới nay giá hàng hóa của doanh nghiệp này không điều chỉnh theo giá xăng nên giá xăng dù giảm 4 lần cũng không phải là yếu tố chính cấu thành vào giá sản phẩm.

“Trong chăn nuôi, giá thành sản phẩm phụ thuộc chính vào giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác như xăng dầu, logistics, phụ liệu chỉ là một trong những yếu cấu thành giá. Mặc dù tất cả các chi phí này đều tăng mạnh nhưng chi phí thức ăn chăn nuôi là tăng cao nhất (trên 40%) và nay mới chỉ có giá xăng giảm nên giá hàng hóa vì thế chưa thể giảm theo ngay được”- ông Huy giải thích.

Liên quan đến giá heo hơi tăng mạnh trong gần 1 tháng trở lại đây và cũng đang giảm nhiệt, theo ông Huy, giá heo hơi tăng mạnh và cũng đột ngột giảm mạnh là do cung - cầu trên thị trường chứ hoàn toàn không chịu tác động bởi giá xăng.

Theo đó, có một số thời điểm nguồn cung ít nên đẩy giá lên sát mốc 70.000 đồng/kg. Nay tiêu thụ thịt heo rơi vào tháng thấp điểm (do tháng 7 âm lịch nhiều người ăn chay nên lượng tiêu thụ giảm), giá heo hơi theo đó cũng giảm về mốc 62.000-65.000 đồng/kg.

Cũng thuộc lĩnh vực chăn nuôi, theo ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), giá xăng vẫn chưa tác động ngay đến việc giảm giá các mặt hàng thiết yếu. Đơn cử, trứng gà của V.Food tăng thêm 2.000 đồng/vỉ 10 quả từ thời điểm xăng chưa giảm (ngày 15/6/2022) và tới giờ qua mấy đợt xăng hạ, nhưng giá vẫn như cũ. Lý do, xăng dầu chỉ tác động đến chi phí logistics (chiếm khoảng 20% trên tổng giá thành của quả trứng), trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, mà đây lại là thành phần chính chiếm tỷ trọng nhiều nhất cấu thành lên giá sản phẩm trứng.

Ông Thiện cho rằng, giá xăng giảm có ưu điểm là các nhà cung cấp nguyên vật liệu không còn tâm lý tăng giá theo đà tăng giá xăng, còn thức ăn chăn nuôi tăng chưa giảm do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tương tự, đại diện phụ trách nhóm hàng nui, mì của Công ty TNHH Meizan CLV - cho hay: Giá nguyên liệu đầu vào mặc dù đã tăng nhiều song từ đầu năm đến nay doanh nghiệp này chỉ điều chỉnh giá bán sản phẩm duy nhất một lần vào tháng 1/2022 với mức tăng từ 7- 10% tùy mặt hàng (tức là thời điểm giá xăng chưa tăng cao). “Mức điều chỉnh giá này chỉ giúp doanh nghiệp bớt lỗ nên chỉ khi giá nguyên liệu nhập khẩu giảm, giá chi phí logistics giảm thì hàng hóa mới có thể hạ nhiệt phần nào”- vị này cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu giảm chỉ có thể làm chậm lại và dừng vấn đề tăng giá trong thời gian tới, còn nếu điều chỉnh giảm giá hàng hóa tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay thì cần có nhiều giải pháp và chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa về cơ chế điều tiết giá trên thị trường.

Bán lẻ nỗ lực kiểm soát giá hàng hóa thiết yếu

Bà Tạ Thị Minh Hợp - Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+, cho biết: Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng, một số nhà sản xuất, nhà cung cấp buộc tăng giá bán. Trước áp lực này, WinCommerce đã nỗ lực kiểm soát chi phí bán hàng, và thực hiện nhiều giải pháp “kìm giá”.

Đơn cử, ở nhóm hàng tươi sống, giá thịt heo trên thị trường đồng loạt tăng. Tuy nhiên, WinCommerce đã triển khai chương trình bán hàng ưu đãi đối với sản phẩm heo MEATDeli, đảm bảo mức giá cạnh tranh so với thị trường, một số sản phẩm được giảm giá thấp hơn tại chợ truyền thống. Bên cạnh đó, các mặt hàng trái cây nhập khẩu không có thay đổi về giá trong suốt vài tháng qua. Rau xanh và trái cây nội địa có nhiều mặt hàng có giá thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, đơn vị này cũng triển khai liên tục 2 kỳ khuyến mại/ tháng, mỗi kỳ kéo dài 2 tuần. Do đó, khách hàng mua sắm tại WinMart/WinMart+ vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể lựa chọn các mặt hàng thiết yếu với mức giá phù hợp với nhiều phân khúc tiêu dùng khác nhau.

Mai Ca
Theo congthuong.vn

Từ khóa: