Sự kiện hot
3 năm trước

Thực phẩm Sao Ta (FMC) thông tin về biến động giá cổ phiếu

Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt và ổn định, sự biến động của cổ phiếu FMC căn bản là do tác động từ thị trường, ngoài ý chí của nhà điều hành doanh nghiệp

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố thông tin giải trình về biến động giá cổ phiếu FMC.

Theo đó, trong thời gian vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động, giá cổ phiếu suy giảm đáng kể gây thiệt hại cho nhà đầu tư và cổ đông. Sự biến động này có tác động từ tình hình thế giới, đầy bất thường và lạm phát đe dọa. Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt và ổn định, sự biến động của cổ phiếu FMC căn bản là do tác động từ thị trường, ngoài ý chí của nhà điều hành doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chia sẻ thông tin về tình hình kinh doanh quý II với hoạt động chế biến xuất khẩu và nuôi tôm đều đang diễn ra suôn sẻ với nhiều tín hiệu tốt.

Mới đây, doanh nghiệp đã thông báo về phương án trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% tương ứng với mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 2.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 10/5. Ngày thành toán vào ngày 26/5.

Với gần 65,4 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Thực phẩm Sao Ta sẽ chi khoảng 130 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.

Tại Đại hội cổ đông của công ty, Sao Ta đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh số chung hợp nhất đạt 5.290 tỷ đồng, tăng 11,3%; lợi nhuận trước thuế ít nhất 320 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thực hiện 2021.

Về kết quả kinh doanh năm 2021, Sao Ta đạt gần 5.200 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 17,8% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 27% lên mức 287 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 267 tỷ đồng.

Tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp đã tập trung hoàn thiện nhà máy mới. Từ tháng 5, Sao ta cho biết hoạt động kinh doanh sẽ khởi sắc rõ nét, nhất là mảng nông sản tới thời điểm giao hàng hàng loạt và tôm từ trại nuôi sẽ tập trung thu hoạch, sản lượng tôm chế biến và tiêu thụ cũng hứa hẹn tăng mạnh.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc và chính sách “zero COVID” khiến cho nhiều nhà máy chế biến tôm tại Trung Quốc phải đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung tôm cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu.

Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng tốt và duy trì đà tăng trong nhiều tháng tới.

VASEP cho biết 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong quý II sẽ đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: