Ngày 24/10, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười tăng 0,11% so với tháng Chín đồng thời tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng Mười, chỉ số giá tại nhóm giáo dục tăng mạnh nhất 1,31%. (Nguồn: TTXVN)
Với mức tăng này, CPI trong 10 tháng qua đã tăng 2,36% (so với tháng 12/2013) và CPI bình quân mười tháng tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười chỉ tăng 8/11 nhóm trong rổ hàng hóa tính chung, với mức tăng từ 0,02%-1,31%. Theo đó, nhóm giáo dục có chỉ số giá tăng cao nhất là 1,31% và các nhóm có chỉ số giá giảm là nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông và bưu chính viễn thông, giảm tương ứng 0,08%; 1,02% và 0,03%.
Theo Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, CPI tháng Mười tăng chủ yếu do một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí năm học 2014-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 1,31%, đóng góp 0,08% vào mức tăng chung 0,11% của CPI.
Tuy nhiên bà Ngọc phân tích, chỉ số CPI tháng Mười đã được duy trì ở mức khá ổn định nhờ các yếu tố, như giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới ổn định, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào. Bên cạnh đó, giá xăng-dầu sau 3 đợt điều chỉnh giảm giá (ngày 19/9; 30/9 và 13/10, tổng cộng xăng giảm 820đ/lít, giá dầu diezel giảm 1.530đ/lít, giá dầu hỏa giảm 1.420đ/lít) đã góp phần giúp chỉ số giá xăng-dầu giảm 2,19% và chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm 0,45% so với tháng trước.
Theo Báo cáo phân tích từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá lương thực tháng Mười chỉ tăng nhẹ 0,15% so với tháng Chín là do nhu cầu mua vào của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để thực hiện các hợp đồng giao hàng đã giảm (tính hết tháng Chín, lượng gạo theo hợp đồng chưa giao hàng khoảng 1,7 triệu tấn, trong kho của các doanh nghiệp có khoảng 1,2 triệu tấn, như vậy chỉ còn thiếu khoảng 0,5 triệu tấn.)
Bên cạnh đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch vụ Thu Đông, cùng với xuất khẩu gạo gặp khó khăn nên giá gạo trong nước có xu hướng giảm từ đầu tháng Mười.
Trên thị trường, giá gạo tẻ thường miền Bắc ở mức 11.500 đồng/kg-12.500 đồng/kg, miền Nam giá gạo tẻ thường 11.000 đồng-12.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon từ 16.000 đồng/kg-18.000 đồng/kg, gạo nếp thường 18.000 đồng/kg-23.000 đồng/kg.
Ngoài ra, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng nhẹ do nhu cầu tăng vào mùa cưới hỏi, như giá thịt lợn tăng 0,2%, giá thủy hải sản tăng 0,37%, giá các mặt hàng bơ, sữa tăng, bánh kẹo tăng 0,1%-0,3%.
Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra một số nhóm hàng có mức chỉ số giá giảm, cụ thể: giá gas giảm 0,53% (do vẫn còn ảnh hưởng từ đợt giảm tháng Chín, mỗi bình gas 12kg giảm 7.000 đồng, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 377.000 đồng/bình 12kg.) Điện sinh hoạt trong tháng giảm 0,16% và giá vật liệu xây dựng ổn định do tháng này đang là mùa mưa nên nhu cầu xây dựng chững lại.
Trong tháng này, giá vàng trong nước cũng có xu hướng giảm theo giá vàng thế giới, bình quân giá vàng trong nước ngày 15/10 dao động quanh mức 3.575.000 đồng/chỉ vàng 99,99.
Theo báo cáo, giá USD trên thị trường tự do và ngân hàng ở những phiên đầu tháng Mười cùng xoay quanh mức 21.240 đồng/USD, tỷ giá liên ngân hàng vẫn giữ ở mức 21.246 đồng/USD do lượng dự trữ USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khá dồi dào, cung cấp đủ cho các doanh nghiệp có nhu cầu để nhập khẩu nguyên vật liệu.
Hạnh Nguyễn
theo Vietnam+