Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng, chủ nhân ngôi nhà tự “thổi” giá lên, chứ nhà ấy bình thường lắm. Ngôi nhà đó chất liệu có thực là gỗ sưa đỏ không? Dân buôn gỗ “xịn” bàn về nó như thế nào?
Người đàn ông bình thường và khối tài sản “khổng lồ”
Là người không thạo về gỗ sưa nên chuyện “mục sở thị” của chúng tôi ở ngôi nhà cổ được cho là làm bằng chất liệu gỗ sưa đỏ như thể “cưỡi ngựa xem hoa”. Đó là một ngôi nhà 3 gian nhưng mô hình của gian nhà không giống lắm với mô hình nhà gỗ cổ xưa của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Gian hẹn và không gian của gian nhà không thanh thoát, bí. Nhà dù nhiều cột nhưng khoảng cách giữa các cột trong một gian chưa phải là khoảng cách lý tưởng. Ước chừng, diện tích sử dụng của ngôi nhà khoảng 45 - 48m2. Nhìn kỹ, chúng tôi phát hiện ra một số hoa văn tinh xảo được chạm trổ khá cầu kỳ ở cột nhà, trên hoành phi, trên dui, mè, kèo, xà, trên cả những phần ngăn của cửa giữa các gian nhà.
Trần nhà nhiều nét chạm trổ
Vào đến trong nhà, người lạ sẽ ngửi thấy mùi thơm của gỗ. Nhưng mùi thơm đó có phải là mùi thơm của gỗ sưa đỏ hay không thì chỉ các nhà khoa học về gỗ mới khẳng định được. Chất liệu gỗ của ngôi nhà này có phải là gỗ sưa đỏ quý hiếm hay không, cho đến nay vẫn chưa ai giải thích cụ thể. Nhìn bề ngoài, gỗ ánh lên màu đỏ đun, màu hồng và bóng, độ bóng của gỗ như gỗ lim. Độ tinh xảo của hoa văn trên gỗ đã là “đỉnh” của nếp nhà cổ, có được xếp hạng vào thời trị vì nào của triều đại vua phong kiến nào hay không thì vẫn là ẩn số.
Hình như, chán với những cuộc tiếp xúc, ông K.T.B - chủ nhân của ngôi nhà có thái độ rất dửng dưng với người lạ. Theo ông B, một số đại gia buôn gỗ đã tìm gặp ông và trả giá đến 100 tỷ đồng cho ngôi nhà, nhưng ông nhất quyết không bán. Ông B lý giải cái sự không bán ấy như sau: “Gia đình tôi mua khung nhà gỗ cổ này từ Hà Tĩnh về với mục đích rõ ràng là dựng làm nhà thờ tổ tiên, dòng tộc. Ai trả giá bao nhiêu cũng không thể bán. Nếu bán, có nghĩa là chúng tôi bán dòng tộc, tổ tiên, cội nguồn”. Ngoài ra, ông B còn tiết lộ thêm: Gia đình ông mua khung ngôi nhà cổ này năm 2010, với giá 350 triệu đồng, tính cả công vận chuyển từ Hà Tĩnh ra đến Bắc Giang là 380 triệu đồng.
Sưa đỏ thật hay sưa đỏ “nhái”?!
Chính ông B cũng chưa từng khẳng định, ngôi nhà cổ của gia đình được dựng lên bằng chất liệu gỗ gì. Theo ông B, lời đồn nhà cổ, gỗ sưa đỏ lan rộng, phát ra từ cánh thợ dựng nhà cho gia đình ông. Chính một người thợ đã dẫn khách đến hỏi về ngôi nhà và cũng chính người thợ này đặt vấn đề, nếu được giá, “bác bán đi, em tìm cho bác khung nhà khác, đẹp hơn”.
Ông B cho rằng, khung nhà cổ của gia đình ông, hình như không phải là gỗ sưa đỏ, không phải gỗ sưa mà chỉ là một trong những loại gỗ quý hiếm mà thôi. Ông B giới thiệu chúng tôi trò chuyện với một người bạn - người đã giới thiệu ông mua khung nhà gỗ cổ này của chính cha mẹ mình. Đó là người đàn ông tên H. Ông H công tác tại Bắc Giang, người Hà Tĩnh, đã nghỉ hưu.
Theo ông H, khung nhà có từ cả trăm năm nay là đúng. Khi ông B vào mua, mẹ ông H đã hơn 90 tuổi. Mà, khung nhà có từ thời kỳ mẹ ông H chưa về làm dâu. Ông H khẳng định, khung nhà gỗ đó không phải là gỗ sưa. Vì, vùng đất Hà Tĩnh không phải là vùng thổ nhưỡng thích hợp với trồng cây gỗ sưa. Nhà ông H lại không phải là gia đình quan lại, địa chủ hay giàu có gì thời đó, vì thế, không thể có tiền mua gỗ từ nơi khác về dựng nhà được. Gỗ đó, chắc chắn lấy từ trên rừng của Hà Tĩnh để dựng nhà. Rừng Hà Tĩnh bao đời nay, chưa từng có bất kỳ một cây gỗ sưa cổ nào. Vừa qua, “sốt” gỗ sưa, có thể người dân mới trồng. Để có một thân gỗ sưa bán kính 10 - 15cm, đủ làm cột nhà, chất liệu gỗ già như nhà ông B, cây gỗ sưa đó có ít nhất 80 tuổi trở lên.
Ông H phân tích thêm: Năm 2010, gỗ sưa đã “sốt sình sịch” rồi, khung nhà đó giá trị như thế, không thể bán với giá 350 triệu đồng. Hơn nữa, nếu đúng là gỗ sưa đỏ thật, chắc chắn, gia đình đã bị con buôn lùng sục, hỏi mua trước chứ không còn để bán cho ông B nữa.
Cột nhà bóng, nhiều vân, rất khác lạ
Dân buôn gỗ “bình loạn”: Không và có!
Theo Văn Đông, một tay “đầu cơ” gỗ có “nghề” ở Từ Sơn, Bắc Ninh thì, khung nhà cổ của ông B ở Bắc Giang không phải là gỗ sưa đỏ. Là gỗ gì, thật ra, chính Đông cũng đang mơ hồ. Nhà Đông có 4 thế hệ theo “nghề” gỗ nhưng quả thật, Đông cũng chưa gọi được tên chính xác của khung nhà ông B, đó là gỗ gì. Đông khẳng định: “Đó chắc chắn là một loại gỗ quý, hiếm, thuộc dòng 1A, cấm khai thác nhưng tên gì thì chưa thể gọi ra được. Bởi vân gỗ thể hiện rất rõ điều đó. Song loại vân rõ, bóng hồng thì rất hiếm gặp. Vân gỗ rõ như vậy, chắc chắn cây gỗ đó phải có độ tuổi hàng trăm năm chứ không tính bằng chục năm. Mùi thơm của nó không phải là mùi của gỗ sưa, cũng không phải là mùi của gỗ hương, hoàng đàn, pơ mu, lát hoa, cẩm lai, dáng hương, muồng đen, hương tía ... Mùi thơm rất đằm, thoảng, càng thể hiện, chất liệu gỗ đó rất già gỗ".
Đông cho rằng, đó là gỗ lai của những loại gỗ quý. Đông phân tích: “Cây gỗ mọc trong rừng già, nhiều loại chen chúc nhau, nó thụ phấn bằng cách phấn hoa bay trong gió, biết đâu, trong gió nó lại lai tạo từ trò chỉ, hoàng đàn, tán, dáng hương thành một loại mới thì sao?”. Cách giải thích này của Đông, xem ra, dễ chấp nhận hơn.
Nguyễn Tuấn, một tay buôn gỗ có hạng khác ở Bắc Ninh, cho biết: “Có thể, nguồn gốc chất liệu gỗ của khung nhà cổ của gia đình ông B là ở rừng của Lào”. Với sự am hiểu về gỗ của mình, Tuấn giải thích: Khí hậu, thổ nhưỡng của Lào rất thích hợp với những loại gỗ có vân bóng như thế. Hơn nữa, những năm đầu thế kỷ XX, rừng Hà Tĩnh và rừng Lào trùng trùng, điệp điệp sát nhau, chuyện khai thác gỗ về làm nhà cũng không có gì là lạ.
Theo Tuấn, có thể, đó là biến thể của hoàng đàn, vì vân gỗ và mùi rất giống với hoàng đàn. Tuấn cũng nhận định: “Đó là khung nhà gỗ cổ, có giá trị nhưng không phải là 50, 100 tỷ đồng như người ta “đôn” giá, đồn thổi. Nếu thực chất, muốn khung nhà đó giao dịch được trên thị trường gỗ, giá của nó tầm dưới 5 tỷ đồng. Tất nhiên, khi vào tay dân buôn có “nghề” rồi, nó có thể lên giá thành cả chục tỷ đồng”.
Cũng theo Tuấn thì khung nhà đó được giá ở cái chất liệu lạ của gỗ còn những hình chạm trổ thì không được tinh xảo, cổ điển như đồn thổi. Tuấn đưa ra dẫn chứng, hình chạm trổ đó thực sự tinh xảo. Nếu là hình chạm trổ cổ thì bao giờ nó cũng ghi đậm dấu ấn thời đại trên những khuôn hình. Song, dưới con mắt “nhà nghề” của dân buôn gỗ, Tuấn cho rằng, hình chạm trổ đó lưỡng tính, không thể hiện được dấu ấn lịch sử của giai đoạn nó sinh ra, tồn tại và phát triển. Chính vì thế, nó chỉ giá trị ở cái chưa rõ ràng về nguồn gốc của gỗ chứ hoa văn thì không đặc sắc.
Dưới con mắt của bà Thuý Hằng (một “tay buôn” gỗ lành “nghề” ở Bắc Ninh), thì khung nhà gỗ của ông B ở Bắc Giang, đích thị là gỗ sưa đỏ. Bà Hằng giải thích: “Tôi trực tiếp được tiếp xúc với gỗ sưa đỏ vài lần, tôi nhớ những đặc điểm của gỗ nên khẳng định, khung nhà của ông B là gỗ sưa đỏ thực thụ. Tôi đã đến tận nơi, nhìn ngắm, xem chất liệu gỗ và trả ông B 20 tỷ đồng để mua lại khung nhà ấy nhưng ông B không bán”.
Nhà khoa học nên vào cuộc
Với cách nhìn nhận của những người tự cho mình là có “nghề” buôn gỗ ấy, ai đúng, ai sai, vẫn không thể ngã ngũ. Cái mà người ta quan tâm nhất là chưa có mẫu gỗ sưa đỏ thực thụ để đối chiếu. Nếu có mẫu, sự đối chiếu thật giả, thực hư sẽ rất đơn giản và những lời đồn thổi về giá trị ngôi nhà cũng chìm vào hư vô. Những người quan tâm đến đời sống xã hội, biết thông tin trên thì cho rằng, các nhà khoa học lâm nghiệp cần vào cuộc để xem khung nhà gỗ của ông B thực chất là gỗ gì, có phải là gỗ sưa đỏ không? Nếu đúng là loại gỗ cấm khai thác thì xử lý như thế nào để tránh những đồn thổi, thực hư không cần thiết lan truyền trong dư luận.
|
Q.Ngân H.Lan
theo Người Đưa Tin