Sau khi giảm mạnh tuần qua, giá vàng tuần này được dự báo sẽ phục hồi nhờ hoạt động “săn hàng” giá rẻ và lệnh bán khống sẽ phải tất toán trạng thái.
Sau khi giảm mạnh tuần qua, giá vàng tuần này được dự báo sẽ phục hồi nhờ hoạt động “săn hàng” giá rẻ và lệnh bán khống sẽ phải tất toán trạng thái.
Biểu đồ giá vàng. Nguồn: Gold Price
Tuần qua, giá vàng đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 9, với giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex ở Mỹ sụt 3,5%, trái ngược với dự báo tăng của đa phần các chuyên gia phân tích. Áp lực giảm giá vàng là sự cộng hưởng giữa sức mạnh của đồng USD và hoạt động bán vàng của giới đầu tư để có tiền bù lỗ cho các danh mục khác.
Giá vàng có thể đã giảm sâu hơn sau 3 tuần tăng liên tục trước đó nếu như không có hoạt động gom mua của các quỹ lớn. Trong tuần, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 24,4 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên 1.293,1 tấn vàng.
Trong cuộc thăm dò ý kiến các nhà dự báo về giá vàng tuần này do Kitco News tiến hành, có 13/24 người trả lời dự báo giá tăng, 10 người nhận định giá giảm, 1 người dự báo giá đi ngang.
Tương tự, trong cuộc thăm dò do hãng tin Bloomberg thực hiện, có 19/29 nhà dự báo cho rằng giá vàng sẽ tăng, 6 người dự báo giá giảm và 4 người dự báo giá đi ngang.
Các nhà dự báo có nhận định giá lên cho rằng, vùng giá 1.700 USD/oz sẽ thúc đẩy hoạt động săn hàng giá rẻ, tạo ra một bệ đỡ giúp giá vàng khó có thể giảm sâu hơn. Thêm vào đó, một khi giá vàng ổn định trở lại, nhiều nhà đầu tư đã bán khống vàng trước đó sẽ mua vàng để tất toán trạng thái.
Sàn giao dịch Comex sẽ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn vào thứ Năm tuần này, nên khối lượng vàng giao dịch được dự báo sẽ giảm nhanh từ giữa tuần. Sang ngày thứ Sáu, thị trường mở cửa trở lại, nhưng có khả năng không ít nhà đầu tư vẫn nghỉ thêm.
Những người ủng hộ quan điểm giá lên đều tin tưởng rằng, những diễn biến ở châu Âu sẽ hỗ trợ cho giá vàng. Cuộc khủng hoảng nợ công xấu đi sẽ giúp vàng phát huy mạnh vai trò kênh đầu tư an toàn. Còn trong trường hợp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) in tiền để chặn khủng hoảng, thì sự gia tăng của lượng tiền mặt cũng giúp vàng lên giá.
Tuy nhiên, ngân hàng Đức Deutsche Bank lại cho rằng, đồng USD mạnh đã trở thành “một diễn biến nguy hiểm” đối với các kim loại quý nói chung, trong đó có vàng. Ngân hàng này nhận xét, lực hỗ trợ chính cho vàng sẽ đến từ hoạt động gom mua vàng của các ngân hàng trung ương. Số liệu do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố mới đây cho thấy, các ngân hàng trung ương đang mua ròng vàng với tốc độ mạnh.
Các nhà phân tích dự báo giá vàng xuống thì nhận định, đợt bán tháo vàng trong tuần qua có thể tiếp diễn trong tuần này. Ông Dennis Gartman, chủ bút tờ tin The Gartman Report, cho rằng, hoạt động bán vàng sẽ diễn ra ở các quỹ đầu cơ cần tiền mặt trong bối cảnh thị trường chứng khoan suy yếu.
Một ví dụ điển hình của tuần qua là việc tỷ phú John Paulson, cổ đông lớn nhất của quỹ SPDR Gold Trust mạnh tay bán ra cổ phiếu vàng này, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Động cơ bán cổ phiếu vàng của Paulson là không rõ ràng, nhưng theo tin từ Reuters, giá trị danh mục đầu tư quỹ Advantage Plus của Paulson đã “bốc hơi” gần một nửa tính đến cuối tháng 9 do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán lao dốc.
Nhà phân tích thị trường kim loại Robin Bhar thuộc ngân hàng Credit Agricole-CBI cho rằng, vàng đang hành xử như một tài sản rủi ro thay vì một tài sản an toàn. “Các áp lực về nguồn vốn đã tăng lên nhiều khi mà lãi suất vay vốn trái phiếu ở Eurozone leo thang.
Đồng USD đang có mức lãi suất vay vốn cao và nguồn vốn thì thắt chặt, buộc các nhà đầu tư phải bán vàng mua USD nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn”, nhà phân tích này viết trong một báo cáo.
Với quan điểm tương tự, các nhà phân tích thuộc Barclays Capital cho rằng, kim loại quý bao gồm vàng, bạc và bạch kim đang chịu ảnh hưởng bất lợi từ cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone.
Phương Anh
Theo NDHMoney