Sự kiện hot
11 năm trước

Giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chưa đạt 2% tổng nguồn vốn

Theo Bộ Xây dựng, tính đến giữa tháng 12, tổng số tiền các ngân hàng đã giải ngân theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm dành cho phát triển nhà ở chỉ đạt 555 tỷ đồng trên 1.654 tỷ đồng đã cam kết và chỉ chưa bằng 2% tổng nguồn vốn dự kiến.


Một góc khu tái định cư Nam Trung Yên, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Việc giải ngân đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đăng ký hợp đồng cho vay đối với 11 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng. Trong số này, có 6 doanh nghiệp đã được giải ngân số tiền 205 tỷ đồng.

Về phía các hộ gia đình, cá nhân tham gia vay gói tín dụng này, thống kê từ 5 Ngân hàng được chỉ định giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho thấy các tổ chức tín dụng cũng đã cam kết cho vay 1.450 khách hàng cá nhân với số tiền là 527 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho 1.436 khách hàng với dư nợ 350 tỷ đồng.

Hiện Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dẫn đầu về kết quả giải ngân với dự nợ là 201 tỷ đồng. BIDV đã cam kết cho 443 khách hàng vay số tiền 187 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 2 là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã giải ngân được 112 tỷ đồng trên số cam kết 161 tỷ đồng cho 425 khách hàng vay. Tiếp đến là Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với mức dư nợ đạt 85 tỷ đồng trên mức cam kết 122 tỷ đồng dành cho 380 khách hàng vay.

Trong số 5 ngân hàng được chỉ định giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới giải ngân được 27,6 tỷ đồng và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 5 tỷ đồng.

Việc giải ngân gói tín dụng này còn chậm. Tuy nhiên, các ngân hàng đều khẳng định con số giải ngân vẫn tiếp tục tăng bởi còn nhiều hồ sơ của khách hàng vẫn đang chờ thẩm định. Ngoài việc các thủ tục xin xác nhận, cho vay rất chặt chẽ, trên thực tế hiện quỹ nhà đáp ứng yêu cầu trong nhóm được vay vẫn thiếu và chưa đủ điều kiện để bán. Bởi vậy, ngoài việc dòng vốn đã thông cũng cần đẩy nhanh việc phát triển quỹ nhà thuộc nhóm này.

Như vậy, kể từ khi triển khai gói tín dụng ưu đãi phát triển nhà ở này, lũy kế giải ngân vẫn tiếp tục gia tăng. Cùng đó, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như cho phép chia nhỏ, điều chỉnh quy mô căn hộ, loại hình dự án; ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Những “liều thuốc” này đang dần “ngấm” và đã thúc đẩy thanh khoản của thị trường bất động sản trong quý cuối của năm 2013.

Thu Hằng
theo Vietnam+

Từ khóa: