Sự kiện hot
7 năm trước

Giảm lãi suất cho vay, giữ nguyên lãi huy động: Lợi ích kép

Ngày 10/7, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong khi lãi suất huy động không tăng.

Sau thông điệp chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất mới đây, nhiều ngân hàng đã công bố chính thức giảm lãi suất theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Đây là tín hiệu tích cực có tính lợi ích kép đối với nền kinh tế.

Nhiều lĩnh vực được giảm lãi suất vay ngân hàng

Theo quy định của NHNN, từ ngày 10/7/2017 sẽ giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.

Từ 10/7/2017, nhiều lĩnh vực được giảm lãi suất vay ngân hàng (ảnh minh họa: DĐK)

Đồng thời, giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Tính đến 15h30 hôm nay (10/7), nhiều ngân hàng đã thực giảm lãi suất cho vay. Cụ thể: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ từ 10/7 ở mức 6,5%/năm đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định của NHNN.

BIDV cũng áp dụng mức lãi suất tối đa 6,0%/năm (thấp hơn so với quy định 0,5%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN, thỏa mãn các điều kiện cho vay của BIDV (gồm: Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

Hưởng mức lãi suất này của BIDV còn có doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất kinh doanh, khoản vay dự án hiệu quả.

"So sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô"- ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ngày 17/5/2017.

Với các lĩnh vực ưu tiên nêu trên, nhiều ngân hàng khác cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Trong đó, LienVietPostBank cũng chính thức giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) giảm thêm mức từ 0,5% đến 1%/năm, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank....

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Lợi ích kép

Mặc dù khi giảm lãi suất, các ngân hàng đều có những điều kiện cụ thể cho đối tượng khách hàng của mình. Nhưng nhìn chung, việc nhiều ngân hàng cùng thông báo giảm lãi suất như vậy cho thấy một động thái tích cực đối với nền kinh tế, trong đó thực hưởng là những khách hàng vay được vốn. Bởi dù giảm ít hay nhiều thì nó cũng góp phần giảm giá vốn của nền sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, cho chi phí đầu tư...

Đặc biệt, một lợi ích quan trọng nữa từ động thái này, đó là các ngân hàng giảm lãi cho vay trong khi giữ nguyên lãi suất huy động. Theo ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, trần lãi suất huy động được giữ ổn định trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến và kỳ vọng của lạm phát. Hơn nữa, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng phải thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động... để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay

"Trong thời gian tới, đồng bộ với giải pháp điều chỉnh giảm lãi suất, NHNN sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay."- ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.

Về bản chất, hoạt động ngân hàng là kinh doanh tiền. Khi dòng vốn "đầu vào" mà lãi huy động giữ nguyên nhưng lãi cho vay - "đầu ra" giảm thì ngân hàng ít nhiều chịu tác động tiêu cực bởi phải giảm lợi nhuận.

Cũng có ý kiến cho rằng quyết định giảm lãi suất cho vay bằng VNĐ sẽ tạo gánh nặng cho ngành ngân hàng, vì biên độ lợi nhuận bị co lại.

Nhưng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, việc tăng "sức khỏe" cho nền sản xuất kinh doanh là đặc biệt cần thiết. Không thể vì giữ biên độ lợi nhuận của ngành ngân hàng mà "đẩy khó" cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác có chi phí đầu vào là vốn vay ngân hàng.

Do vậy, chính sự "co lại" lợi nhuận của ngân hàng lúc này là cú huých quan trọng và rất cần thiết để các ngân hàng muốn giữ ổn định hoặc gia tăng lợi nhuận thì phải nỗ lực đổi mới, sáng tạo để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động. Cuộc cạnh tranh giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí, tăng lợi nhuận, phát triển khách hàng của các ngân hàng sẽ là động lực không chỉ thúc đẩy ngành ngân hàng ngày càng lớn mạnh mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế. Tất nhiên, điều này chỉ có thể là lợi ích lâu dài, nếu việc giảm lãi suất trở thành xu hướng, không phải là giải pháp tình thế trong ngắn hạn.

Xuân Thân
Theo VOV

Từ khóa: