Sự kiện hot
8 năm trước

Giảm nghèo bền vững, chuyện không chỉ là tín dụng ưu đãi

Thông tư số 30/2014/TT-NHNN đã quy định rõ hoạt động cho vay ủy thác, nhưng đối với tín dụng chính sách xã hội, nghiệp vụ này có những đặc thù nhất định. Và dù đã có những kết quả ấn tượng sau 5 năm triển khai, song để giảm nghèo nhanh và bền vững, câu chuyện không chỉ nằm ở chính sách tín dụng…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai Lê Thị Thu Hà chia sẻ, với phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) qua các tổ chức chính trị-xã hội trên cơ sở thiết lập các Tổ Tiết kiệm và vay vốn có sự giám sát đến hết tháng 8/2016, tổng dư nợ Hội Phụ nữ quản lý là 593 tỷ đồng, với 19.890 hộ vay thuộc 639 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, tăng 143 tỷ đồng so với năm 2011, trong đó nợ quá hạn là 0,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,09% (giảm so với năm 2011 là 0,15%).


Cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo sự kết nối, lưu thông giữa các tỉnh, hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân

Hội Phụ nữ là đơn vị ủy thác có dư nợ cao nhất và có chất lượng dư nợ tốt nhất toàn tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, doanh số cho vay ủy thác thông qua Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai đạt 679,526 tỷ đồng với 34.964 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, đã giúp cho 14.038 hộ thoát nghèo.

Chẳng hạn, gia đình anh Hà Thế Hoàn, hiện đang sinh sống tại Khu 3, xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, có 4 nhân khẩu gồm 2 vợ chồng cùng con trai, con gái. Xây dựng gia đình năm 2007, do điều kiện gia đình đông anh em, năm 2012, bố mẹ cho vợ chồng anh Hoàn ra ở riêng với tài sản chỉ là 2 gian nhà lợp mái lá trát tường đất, 1,5 tạ thóc, 1 sào ruộng, cùng với 300.000 đồng để mua sắm một số đồ dùng đơn giản để phục vụ cuộc sống. Với điều kiện gia đình khó khăn, thiếu thốn, anh Hoàn đã được tiếp cận với nguồn vốn cho vay hộ nghèo của NHCSXH, thông qua Hội Phụ nữ cùng Tổ Tiết kiệm và vay vốn.

“Năm 2012 gia đình tôi được vay 21 triệu đồng. Với số vốn này, tôi dùng 15 triệu đồng để đào ao, thả cá, mua 2 con lợn nái giống hết 4 triệu, còn lại 2 triệu mua 200 con gà. Một năm sau, ao cá nhà tôi cho thu nhập 15 triệu đồng; đàn lợn, đàn gà trong chuồng ngày càng phát triển, tôi đã bán bớt lợn con và gà thịt, thu về số tiền 25 triệu, đủ để trả nợ cho NHCSXH huyện Hạ Hòa. Số tiền còn lại, tôi đầu tư mua máy móc và mở xưởng cơ khí để tận dụng kiến thức và tay nghề cơ khí tôi học được khi tham gia quân ngũ. Bên cạnh đó, tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm… Hiện gia đình tôi đã xây được nhà và mua sắm được một số đồ dùng có giá trị để phục vụ cuộc sống, với tài sản là 1 xưởng cơ khí, 4 con lợn nái, 7 con lợn bột nuôi để bán thịt và hơn 200 con gia cầm, thủy cầm”, anh Hoàn hồ hởi nói.

Có thể thấy, nỗ lực của NHCSXH cũng như các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn đã mang lại những kết quả tích cực. Nhưng thực tế cho thấy, hoạt động tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bởi tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng Tây Bắc còn cao gấp 3 lần cả nước. Nguyên do được những người trong cuộc cho biết, nguồn vốn địa phương của các tỉnh trong vùng Tây Bắc dành cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vẫn còn hạn chế; việc phối hợp với hoạt động khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm chưa tốt; ngoài ra, những điều kiện khắc nghiệt của vùng (như mưa lũ, rét đậm, rét hại, băng tuyết, thiên tai, dịch bệnh...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của hộ vay…

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBNN tỉnh Sơn La chia sẻ: “Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay là 71.089 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh Sơn La đạt 2.981 tỷ đồng, với 123.399 hộ đang còn dư nợ ở 14 chương trình, tỷ lệ nợ quá hạn giảm, chỉ chiếm 0,16% tổng dư nợ… Tuy nhiên, Sơn La vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn nhiều, nên nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, cũng như thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội khác còn rất lớn.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và NHCSXH tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt, bố trí bổ sung nguồn vốn tăng trưởng hàng năm đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho vay ưu đãi, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”.

Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, tín dụng chính sách là một công cụ không thể thiếu trong quá trình tổ chức thực hiện, cần tăng cường nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đối với các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn để thu hút, tạo việc làm cho lao động nghèo… Nhưng cần phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông, để tạo sự kết nối, lưu thông giữa các tỉnh, hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn…            

Theo Tin nhanh chứng khoán    

Từ khóa: