Xăng kém chất lượng - người tiêu dùng đang trông đợi ở các cơ quan quản lý nhà nước việc kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo chất lượng đối với mặt hàng thiết yếu này.
Không chỉ xăng kém chất lượng vừa được phát hiện mới đây tại TP.HCM mà thực tế tình trạng này đã có từ nhiều năm trước ở tất cả tỉnh, thành khác trên cả nước. Người tiêu dùng đang trông đợi ở các cơ quan quản lý nhà nước việc kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo chất lượng đối với mặt hàng thiết yếu này.
Thủ đoạn gian lận mới trong kinh doanh xăng dầu
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) xung quanh vấn đề quản lý xăng dầu hiện nay.
Khó kiểm soát
-Việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã xảy ra thường xuyên từ nhiều năm nay, nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN). Ảnh: Minh Cường
-Ông Trần Văn Vinh: Gian lận xăng dầu có hai hình thức chính. Một là gian lận về số lượng và hai là gian lận về chất lượng. Cả hai hình thức gian lận này nhằm mục đích chính vẫn là người kinh doanh xăng dầu thu lời bất chính. Đáng lẽ 1 lít thì người ta chỉ đong có 0,8 hay 0,9 lít để lãi về số lượng. Xăng hiện nay có nhiều loại với giá tiền khác nhau như xăng RON 83, 92, 95 nhưng người kinh doanh bán xăng 83 lại ghi là xăng 92, hay bán 92 lại ghi là 95. Hoặc họ đổ lẫn xăng 83 rẻ hơn vào xăng 92 để bán thành xăng 92 để hưởng chênh lệch giá…
Việc này tái diễn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là đạo đức kinh doanh của người bán xăng, dầu. Người tiêu dùng rất khó có thể kiểm soát, nhận biết được ngay về hành vi gian lận về số lượng là 5% chẳng hạn hoặc gian lận chất lượng xăng của người kinh doanh xăng, dầu. Việc gian lận về số lượng, chất lượng có thể thu được chênh lệch từ 500-1000đồng/lít.
Do đó, người kinh doanh thấy rằng bằng việc gian lận này thì họ có thể thu lời bất chính dễ dàng. Hơn nữa, việc thực hiện hành vi gian lận lại đơn giản, dễ dàng, chỉ cần bằng một cái bấm điều khiển từ xa là có thể đong thiếu ngay lượng xăng, dầu bán cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe, tối đa cũng chỉ mấy chục triệu nên sau một vài ngày gian lận là có thể thu hồi lại được. Cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể kiểm tra thường xuyên vì số lượng kiểm soát viên có hạn.
-Ông đánh giá thế nào về tình hình chất lượng mặt hàng xăng dầu trên thị trường hiện nay?
-Đầu vào xăng dầu có hai nguồn chính một là nhập khẩu, hai là sản xuất trong nước. Cả hai nguồn này đều đã được kiểm soát rất chặt chẽ theo một quy trình khép kín. Tuy nhiên, hệ thống giao nhận, bán lẻ là nơi nảy sinh gian lận. Các cửa hàng mua xăng 83 về trộn lẫn với xăng 92 và bán với giá xăng 92, 95 để gian lận về chất lượng. Hơn nữa, là lắp chip điện tử để đong thiếu gian lận về số lượng.
-Các phương pháp gian lận hiện nay chủ yếu là gì, thưa ông?
-Trước đây các hình thức gian lận điều chỉnh bầu đo, tháo kẹp chì (thay đổi đổi cơ học), bị các cơ quan chức năng đã phát hiện, hầu như hình thức này các cửa hàng không còn sử dụng. Nay các hình thức gian lận tinh vi, kín đáo hơn để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Thay vì thay thế con chíp điện tử mới trong gian lận xăng dầu thông thường, các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu móc túi khách hàng bằng cách tác động vào chíp điện tử của bộ điều khiển trong cột đo xăng dầu làm thay đổi tỷ số đếm, lập trình đúng, sai theo ý muốn, làm cơ quan kiểm định hoặc kiểm tra không thể xác định được sai phạm. Bên cạnh đó, người bán hàng còn dùng hình thức cơ học như bơm nối giữa hai khách hàng, vô hình chung người mua sau phải thanh toán thêm tiền của người mua trước.
-Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên kiểm tra chất lượng mặt hàng xăng dầu để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng?
-Theo tôi, việc kiểm tra, thanh tra cũng chỉ là một biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng ta cần một giải pháp tổng thể như nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt người kinh doanh và các biện pháp quản lý phải mang tính răn đe, phòng ngừa hữu hiệu.
Về nguyên tắc, việc thanh tra doanh nghiệp thì cũng chỉ tiến hành một năm một lần, còn việc kiểm tra chất lượng hàng hóa thì cho phép làm nhiều lần nhưng thực chất vấn đề ở đây là lợi nhuận quyết định hành vi gian lận của người bán hang. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm hành chính thì chỉ có mức độ trong khi chỉ sau vài ngày gian lận là người bán hàng đã có thể thu lời lại được nên họ sẵn sàng vi phạm. Lực lượng cán bộ thanh kiểm tra có hạn trong khi cả nước có tới hàng vạn cây xăng, với lại còn hàng trăm mặt hàng khác nữa phải quản lý.
Do vậy, việc thanh kiểm tra không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Cần phải có sự tham gia của nhiều bên lien quan, đặc biệt pháp luật nghiêm minh, răn đe để làm thay đổi đạo đức kinh doanh của những đối tượng kinh doanh gian lận, chộp giật.
-Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc công bố các hành vi gian lận xăng dầu lên các phương tiện thông tin đại chúng?
-Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định các cơ quan kiểm tra khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật chất lượng thì phải thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thong tin đại chúng. Thông báo để cảnh báo cho người tiêu dùng biết họ đang bị lừa dối, để họ tẩy chay. Từ đó, góp phần tác động đến việc thay đổi hành vi đạo đức của người kinh doanh. Tôi thấy biện pháp này rất hay và hiệu quả. Ở nhiều nước đã áp dụng từ lâu, còn ở Việt Nam thì bây giờ mới chính thức được áp dụng.
Cần phải xử lý hình sự
- Ông nhận định thế nào về tác hại của việc kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng?
-Tùy theo mức độ không đảm bảo đến đâu. Tác hại đầu tiên là người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Bỏ tiền ra để mua một sản phẩm tốt nhưng lại phải dùng một sản phẩm kém hơn. Ngoài ra, một số thiết bị phải dùng đúng loại xăng mới đảm bảo độ bền động cơ, tốc độ nhưng dùng xăng kém chất lượng thì sẽ kém bền, gây hỏng động cơ.
Các cách thao tác này điều chỉnh cột đo rất nhanh và khó phát hiện. (Ảnh minh họa)
Đó là chưa kể, xăng dầu kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Chẳng hạn, chỉ cho phép xe chạy dầu với hàm lượng lưu huỳnh tối đa là 0,05mg/lít nhưng lại chạy với hàm lượng là 0,25mg/lít thì sẽ rất ồn, bụi, khói, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, điều kiện sống của người dân.
-Trước tình hình TPHCM và nhiều địa phương đã phát hiện nhiều cửa hàng bán xăng kém chất lượng có thể gây hại động cơ. Tổng cục đã có kế hoạch “xử lý triệt để” tình trạng này chưa? Qua các đợt thanh kiểm tra ông nhận thấy những địa phương nào bị phát hiện gian lận nhiều nhất?
-Thật ra các hành vi gian lận và xử lý các hành vi gian lận thì nhà nước đã quy định rõ ràng trong luật từ lâu. Hiện tại, chỉ còn việc tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh chế tài xử phạt để đủ sức răn đe như Luật Đo lường sắp có hiệu lực trong năm 2012.
Khi thanh kiểm tra, tất cả các tỉnh thì đều bị phát hiện sai phạm cả về gian lận chất lượng và số lượng ở nhiều mức độ khác nhau. Chúng tôi cũng đều tiến hành xử lý, thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
-Ông có những khuyến cáo gì với người tiêu dùng khi mua xăng dầu?
-Khi mua xăng dầu nên mua ở những nơi có uy tín, có hệ thống bán lẻ từ trung ương đến địa phương để đảm bảo chất lượng và số lượng. Khi chạy xe cố gắng để ý động cơ, vạch đồng hồ để kiểm tra chất lượng và số lượng xăng dầu. Không nên mua theo số tiền bởi rất có thể bị gian lận về số lượng.
Thông thường khi tiến hành kiểm định các cột bơm xăng dầu, đơn vị kiểm định phải làm theo quy trình và kiểm định ở số lượng lít chẵn như: 2 lít, 5 lít, 10 lít, 20 lít, 50 lít… Tất cả các điểm đó, IC điều chỉnh, lập trình đúng. Khi mua hàng theo số lít trên thì khả năng số lượng xăng dầu sẽ đủ. Tuy nhiên, người Việt Nam có thói quen mua xăng chẵn tiền như 30.000, 50.000 đồng… lượng xăng dầu lúc đó không đúng với IC đã được điều chỉnh. Đây chính là điểm mà nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể tận dụng để gian lận của khách hàng. Chính “văn hóa mua hàng” của người Việt Nam đã vô tình tiếp tay người bán hàng gian lận xăng dầu.
-Để ngăn chặn tình trạng gian lận kinh doanh xăng dầu, theo ông cần có những biện pháp gì?
-Điều quan trọng để hạn chế tình trạng gian lận xăng dầu là nhận thức người kinh doanh và hành lang pháp lý phải mạnh hơn nữa để răn đe, xử lý các đối tượng có hành vi gian lận. Việc cố tình gian lận trong kinh doanh xăng dầu phải được coi là hành vi ăn cắp, móc túi khách hàng và ăn cắp thì không thể chỉ xử lý hành chính được, phải có chế tài mạnh hơn cần thiết thì phải xử lý hình sự.
Người tiêu dùng phải trở thành những người tiêu dùng thông thái, nếu chỗ nào nghi ngờ gian lận thì không mua nữa và thông báo cho các cơ quan chức năng biết để kiểm tra. Từ đó người kinh doanh thấy rằng nếu không có người tiêu dùng thì họ không sống được nên không dám lừa dối nữa.
-Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Đất Vỉệt