Ông Nguyễn Văn Khiêm – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thượng Đình thừa nhận có sự việc nhét phế thải vào giày vải mà phóng viên Báo Đời sống & Tiêu dùng phản ánh đồng thời cho biết, việc làm trên xuất phát từ “sáng kiến” của doanh nghiệp…
Vừa qua, Báo Đời sống & Tiêu dùng có bài viết phản ánh tình trạng “rác thải công nghiệp trong sản xuất giày da tồn tại trong sản phẩm giày vải đưa ra thị trường… Để hiểu thêm về sự việc này, phóng viên Báo Đời sống & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khiêm – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thượng Đình.
“Sáng kiến” xả thải?
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khiêm – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thượng Đình cho biết: “Công ty thừa nhận hành vi trên, sau khi nhận thông tin từ Báo, lãnh đạo công ty đã có chỉ đạo dừng ngay toàn bộ việc nhét phế thải vào giày vải. Việc làm này trước đây từng là “sáng kiến” của doanh nghiệp”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án thu hồi số phế thải đã đưa ra thị trường, ông Tổng Giám đốc cho rằng: “Việc thu hồi như vậy rất nan giải, khoảng 2-3 tháng số hàng đó sẽ được tiêu thụ hết”.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bình – Phó Trưởng phòng Hành chính Công ty cổ phần Giày Thượng Đình cung cấp cho phóng viên xem bản Hợp đồng thuê xử lý thải đã hết hạn số 14/CTSH/2016 ngày 02/01/2016 và có hiệu lực trong 1 năm với Công ty cổ phần Dịch vụ Môi trường Bình Minh (trụ sở tại 666 Ngô Gia Tự, Phường Đức Giang, Quận Long Biên) xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường với đơn giá 3.000 đ/kg.
Cung cấp hợp đồng đã hết hạn và không có thông tin về việc gia hạn thực hiện hợp đồng, vô hình chung, vị Phó Trưởng phòng Hành chính đã thừa nhận việc nhét phế thải vào sản phẩm để xả thải? Bởi theo lý thuyết, Hợp đồng xử lý rác thải với Công ty Bình Minh đã hết hạn từ 01/2017 thì kể từ đó đến nay, số phế thải mà Công ty Giày Thượng Đình thải ra có được đơn vị chức năng nào xử lý? Hay doanh nghiệp nào đã thải ra môi trường bằng cách nhét vào sản phẩm theo “sáng kiến” trước đó?
Có dấu hiệu vi phạm
Theo số liệu bà Trịnh Thị Thúy Mai – Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng tiêu thụ của Công ty Giày Thượng Đình cung cấp, mỗi tháng doanh nghiệp này bán ra thị trường khoảng 200.000 sản phẩm.
Cứ mỗi sản phẩm lại kèm theo một số lượng phế thải, tổng số sản phẩm được bán ra mang theo một số lượng không nhỏ phế liệu làm ảnh hướng lớn đến môi trường. Một người cán bộ có trách nhiệm cho biết, đây là rác thải công nghiệp rất khó phân hủy, phải đốt ở nhiệt độ cao và khí thải ra phải xử lý kiềm chứ để ở môi trường cả trăm năm nó cũng chẳng phân hủy.
Luật gia Nguyễn Thùy Dương - Văn phòng Luật Hải Phòng cho biết: Các hành vi xả thải gây nguy hại cho môi trường được quy định rất cụ thể tại Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Khung hình phạt được quy định rất rõ tại điều 235 cho tội gây ô nhiễm môi trường. Hình phạt được xác định theo hành vi và khối lượng, chủng loại phát thải. Khung hình cao nhất có thể bị phạt tiền lên tới 3 tỉ đồng hoặc phạt tù cao nhất tới 7 năm.
“Để xác định cụ thể khung hình phạt cho hành vi xả thải ra môi trường, các cơ quan chức năng cần xác định rõ hành vi xả thải của doanh nghiệp cụ thể từ thời gian nào đến thời gian nào, các căn cứ để tính số lượng phải chính xác theo các yếu tố như sản lượng sản phẩm, khối lượng nguyên vật liệu nhập vào... Luật gia Nguyễn Thùy Dương nhận định.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!
Phạm Duy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng