Ốc dùng để chế biến giò ốc là lốc nhồi, ốc bươu vàng. Nhưng ngon nhất và đúng kiểu thì phải chọn ốc nhồi. Chỉ vì ngày nay ốc nhồi hiếm và muốn thu nhiều lợi nhuận hơn nên người ta dùng ốc bươu vàng thay thế.
Ở những miền Trung du, ốc nhồi mới phát triển tốt. Muốn ăn ốc người ta chỉ cần ra đồng vài tiếng là có thể có môt bữa ốc ăn. Nhưng nay ốc nhồi hiếm, người ta phải nuôi và nếu muốn ăn thì phải ra chợ mua. Ốc nhồi mua về cần phải đem ngâm với nước vo gạo kèm lá canh để ốc nhả hết chất bẩn.
Sau đó đem rửa sạch ốc, cho vào nồi luộc sơ rồi dùng dao chặt trôn ốc và gợi vảy ốc. Làm giò ốc chỉ cần lấy lưỡi ốc, vì lưỡi ốc làm giò mới giòn, giò mới săn chắc. Tiếp đó cho lưỡi ốc vào xào lẫn với thịt tai mũi lợn (thịt thủ). Mộc nhĩ ngâm nước nóng thái nhỏ và xào lẫn với thịt và gia vị, tiêu.
Cuối cùng là công đoạn bó giò. Giò ốc muốn ngon thì phải nén chặt, giò mới giòn và để được lâu. Vì thế người ta thường dùng ống sắt. Ngày xưa, mo cau chính là dụng cụ “chuyên dụng” để bó giò. Bó bằng mo cau giò sẽ thơm, khô ráo và để được lâu hơn.
Hỗn hợp thịt xào xong thì đổ vào giữa mo cau rồi cuộn chặt lại. Dùng vài ba thanh tre nẹp xung quanh giò và dùng lạt buộc chặt lại. Đem giò đi luộc hoặc hấp 15-20 phút. Để giò nguội và dựng ở góc nhà 1, 2 ngày là có thể ăn được.
Khi ăn dùng dao sắc, xắt từng khoanh giò rồi bóc lớp mo cau ra sẽ thấy những vân đen trắng do thịt lợn và thịt ốc cùng mọc nhĩ tạo thành. Do bó bằng mo cau nên giò rất khô ráo. Thái giò thành từng miếng nhỏ và ăn với cơm nóng.
Ăn giò có thể dùng nước chấm gừng ớt, chanh ớt và ăn kèm với rau ghém như chuối xanh, khế chua hay dưa muối chua thì ngon hết ý. Từng miếng giò giòn dai, ngọt, bùi, đậm đà kết hợp với nước chấm và rau ghém sẽ đem lại một cảm giác lạ miệng chưa từng có.
Phương Lam
Theo Lao dong