Dantin - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đều xác định rằng, triển khai gói tín dụng này sẽ liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, nhưng khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó.
Dantin - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đều xác định rằng, triển khai gói tín dụng này sẽ liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, nhưng khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó.
Các con số biết nói
Theo NHNN, trong tháng đầu tiên triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, đã có 3 ngân hàng cho vay với tổng số tiền giải ngân và đề nghị được tái cấp vốn gần 37,76 tỷ đồng. Trong đó, cho vay đối với khách hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở khoảng 3,5 tỷ đồng; cho vay đối với DN là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội là 34,3 tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã giải ngân trên 1,7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gần 1,2 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giải ngân hơn 34,8 tỷ đồng.
Chỉ trong ít ngày đầu tháng 7/2013, BIDV đã giải ngân cho 7 khách hàng cá nhân, với tổng số tiền là 1,78 tỷ đồng. BIDV chi nhánh Bình Dương đã ký Thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH một thành viên (Becamex IDC) trong việc hỗ trợ các khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua nhà ở tại dự án nhà ở xã hội do DN này làm chủ đầu tư.
Riêng VietinBank đã giải ngân cho khách hàng cá nhân được 2,8 tỷ đồng. Hiện ngân hàng này cũng đang xem xét 18 dự án của DN và 160 hồ sơ khách hàng cá nhân. Vietcombank trong tháng 6 đã cho vay 7 khách hàng cá nhân với giá trị đạt gần 1,18 tỷ đồng và hiện nay đang xem xét hơn 10 hồ sơ của khách hàng cá nhân.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mặc dù chưa phát sinh dư nợ nhưng đến nay đã ký hợp đồng nguyên tắc và xem xét thẩm định hồ sơ của 10 DN với 13 dự án. Đại diện ngân hàng cũng cho biết, chưa có các hồ sơ cá nhân vay mua nhà tại ngân hàng. Cùng cảnh chưa phát sinh dư nợ trong tháng 6, Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng đang xem xét 32 hồ sơ của khách hàng cá nhân và 3 dự án.
Lý giải thắc mắc về việc phần vốn giải ngân đa phần tập trung vào DN xây dựng, các ngân hàng thương mại cho biết: Hiện nguồn cung căn hộ đủ điều kiện tiếp cận vốn vay còn hạn chế. Đến nay, Bộ Xây dựng mới công bố 47 dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội.
Thống kê mới đây của Bộ này cho thấy, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Trong đó có 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.
Điểm lại các dự án, đa phần đang chuẩn bị khởi công hoặc còn đang dang dở, khiến người mua trong thời gian qua còn đang thăm dò, tìm hiểu. Đối với nhà ở thương mại, những dự án đáp ứng đủ tiêu chí về diện tích và giá cũng khá ít. Chính vì vậy, dù ngân hàng sẵn vốn giải ngân nhưng người vay vốn còn chủ yếu đến để nghe ngóng, thăm dò trước khi quyết định. Đây cũng là một trong những lý do làm chậm tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ này.
Dù kết quả giải ngân trong tháng đầu tiên còn khiêm tốn, nhưng những dự án và hồ sơ vay đang được thẩm tra ngày càng dày thêm là điểm tựa để có thể tin tưởng tốc độ giải ngân trong thời gian tới sẽ có những tiến triển nhất định.
Vướng đến đâu, tháo gỡ đến đó
Qua một thời gian triển khai, các ngân hàng đều cho rằng, về cơ bản Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 07/2013/TT-BXD và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã đáp ứng được yêu cầu cho vay của khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu là việc xác định đối tượng mua nhà được tham gia chương trình. Để khai thông “ách tắc” này, Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành văn bản số 1250/BXD-QLN ngày 25/6/2013, về cơ bản đã tháo gỡ được các vướng mắc của ngân hàng và khách hàng.
Tuy vậy, phản ánh từ các chủ đầu tư cho thấy họ gặp khó khăn trong khâu làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, khách hàng cá nhân khó lấy xác nhận của các cấp về thực trạng nhà ở tại địa phương...
Hiện nay, một số địa bàn phường không xác nhận về thực trạng nhà ở cho khách hàng, hoặc chỉ xác nhận thực trạng trên địa bàn phường đó nên ngân hàng khó xác định về tình trạng nhà ở của khách hàng, hoặc việc đã đóng bảo hiểm nhưng không liên tục thì có thuộc đối tượng được vay hỗ trợ không?
Một số ngân hàng cũng phản ánh băn khoăn khi cho vay gói hỗ trợ này. Ví dụ, ngân hàng đã chấp nhận cho khách hàng sử dụng chính căn hộ làm tài sản đảm bảo, nhưng vẫn còn những vướng mắc so với quy định hiện hành như: Phải 10 năm mới được chuyển nhượng ra ngoài, khi phát mại thu hồi chỉ được bán cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, người có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Vấn đề xác định các thành viên trong gia đình chưa được hưởng chính sách này cũng chỉ có cơ sở tin vào cam kết của khách hàng là chính…
Việc thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chưa có tiền lệ, mặc dù triển khai trong tháng đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ nhưng đã có những kết quả nhất định, dù còn khiêm tốn. NHNN và Bộ Xây dựng đều xác định rằng, triển khai gói tín dụng này sẽ liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, nhưng vướng đến đâu thì sẽ tháo gỡ đến đó.
Những tín hiệu trong triển khai gói 30.000 tỷ đồng của tuần đầu tiên tháng 7 cho thấy, người dân đã cơ bản nắm bắt rõ được quy định khi tham gia vay theo chương trình này, sẽ quyết định mua, thuê, thuê mua cho mình một chỗ ở hợp lý và tiến độ giải ngân cho vay sẽ được đẩy nhanh trong những tháng tiếp theo.
Ông Võ Minh - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng thông báo với UBND TP. Đà Nẵng: Các NHTM đã tiếp nhận hơn 120 hồ sơ đăng ký tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng và cũng đã bắt đầu giải ngân. Theo đó, VietinBank Ngũ Hành Sơn giải ngân 2 hồ sơ với số tiền cho vay trên 200 triệu đồng/hồ sơ; Vietcombank Đà Nẵng cho vay 1 hồ sơ 230 triệu đồng; Agribank Đà Nẵng đã giải ngân được 5 hồ sơ, với dư nợ 900 triệu đồng…
Bà Lê Thị Thanh Toàn - Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Ngũ Hành Sơn cho biết, đơn vị đã chủ động ký hợp đồng với chủ đầu tư dự án. Trên cơ sở đối tượng cho vay đủ điều kiện được UBND TP. Đà Nẵng xét duyệt, chi nhánh đã duyệt thủ tục cho vay và tiến hành giải ngân.
Ông Đoàn Phúc - Phó giám đốc Agribank chi nhánh Đà Nẵng cho biết, sau khi nhận 60 bộ hồ sơ đăng ký, chi nhánh đã ký hợp đồng trực tiếp với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland - một DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Đà Nẵng, để giải ngân cho các giao dịch mua nhà ở xã hội được duyệt trong thời gian tới.
|
P.V (tổng hợp)