Được sự hỗ trợ của Tổng cục Môi trường, ngày 13/9, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), Luật Thủy sản (sửa đổi).
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học; Vụ Pháp chế, Bộ TN-MT; các chuyên gia và đông đảo các nhà khoa học đầu ngành. TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MTVN chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp với Hiến pháp. Theo đó, trong quá trình xây dựng dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) không chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác, trong đó có Luật Đa dạng sinh học.
Theo TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn "Các Luật còn tồn tại nhiều điểm hạn chế như: thiếu sự thống nhất trong chế độ quản lý, bảo vệ loài nguy cấp, quý, hiếm quy định tại nhiều văn bản khác nhau (Luật DDSH, Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Luật Thuỷ sản) gây ra sự chồng chéo, khó áp dụng. Chưa có sự nhất quán trong cách tiếp cận về quản lý, đối tượng và nội dung quản lý thiếu nhất quán với Luật DDSH..." Đứng trên quan điểm phát triển bền vững, quản lý tổng hợp các vấn đề thiên nhiên và môi trường cho thấy, khi xây dựng các luật cần phải đặt trong mối quan hệ tổng thể chung với các luật khác, đặc biệt là đặt trong mối quan hệ với các luật cùng điều chỉnh một vấn đề.
Trong khuôn khổ, Hội thảo đã đưa ra nhiều bổ sung mới cũng như chỉ ra điểm hạn chế tồn tại trong dự thảo. Các ý kiến đều tập trung nhấn mạnh đến sự thống nhất trong các điều luật, rà soát lại các thuật ngữ nhằm đảm bảo sự dễ hiểu và dễ áp dụng hơn.
Góp ý với dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đối với loài nguy cấp quý hiếm Khoản 5, Điều 13 quy định danh mục, chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự cấp phép khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Đề nghị bỏ quy định này nhằm tránh việc chồng chéo quá nhiều các danh mục liên quan đến bảo tồn các loài nguy cấp. Vì theo quy định của Luật Đa dạng sinh học, Chính phủ đã ban hành danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm hệ thống các danh mục và tập trung chủ yếu cho vấn đề bảo tồn các loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng (Nghị định 160/2013/NĐ-CP). Nếu 2 luật đều quy định việc này thì sẽ dẫn đến chồng chéo. Do đó, cần thiết phải thống nhất để cập nhật vào cùng danh mục theo quy định của Luật Đa dạng sinh học
Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch TƯ Hội BVTNMTVN, TS. Nguyễn Ngọc Sinh đánh giá rất cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các nhà khoa học và sẽ sớm tổng hợp để trình Bộ TN&MT, Chính phủ xem xét bổ sung, sửa đổi trong thời gian tới.
Quang Thành