Giữa trưa, trong ngôi nhà khép hờ cửa bên rừng tràm ở thôn 2C xã Quế Châu (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) người con 51 tuổi gầy ốm ngồi bón cơm cho người mẹ 82 tuổi nằm một chỗ vì tai biến não.
Giữa trưa, trong ngôi nhà khép hờ cửa bên rừng tràm ở thôn 2C xã Quế Châu (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) người con 51 tuổi gầy ốm ngồi bón cơm cho người mẹ 82 tuổi nằm một chỗ vì tai biến não. Đã gần một năm nay, người đàn ông đơn độc này phải gượng vượt qua sự hành hạ của các bệnh ung thư dạ dày, suy giảm chức năng tim, hở van hai lá để nuôi mẹ dưới mái nhà hiu quạnh...
Đến ngã ba Chợ Nón, xã Quế Châu hỏi nhà anh Trương Minh Thắng, ai cũng ân cần chỉ dẫn. Có người không cầm lòng được, buột miệng: “Sao người hiền như anh Thắng lại ngặt nghèo quá đỗi. Tưởng đâu ảnh hiếu thảo sẽ được ông trời thương cho yên thân để nuôi mẹ già. Ai ngờ mẹ đang đau nằm một chỗ trên giường, giờ ảnh lại lâm bệnh nặng...”
Anh Thắng tranh thủ lúc khoẻ đan rổ để bán. Anh ngồi gần bên mẹ để mẹ vui.
Xuất viện để về nuôi mẹ
Gầy còm, da mặt tái mét, bón cơm cho mẹ xong là anh Thắng lên cơn mệt. “Tui mới ăn một chén cơm lưng lửng. Hễ cứ ăn xong là phải nằm một hồi lâu, chứ ăn xong mà ngồi hay đứng là muốn nôn. Bởi vậy, mỗi lần muốn đi đâu xa là tui phải nhịn đói...”, anh Thắng nói, bụng áp vào thành chõng. Anh mới từ bệnh viện đa khoa Đà Nẵng về nhà hơn hai tuần nay vì không thể gởi mẹ lâu cho hàng xóm được. Trong lần nằm viện này, kết quả khám nghiệm cho biết anh mắc thêm những bệnh mới: suy giảm chức năng tim, hở van hai lá 1/4. Những cơn mệt, khó thở mới đến làm anh càng khó khăn hơn khi phải lo đi chợ, cơm nước, vệ sinh, tắm giặt cho người mẹ già nằm một chỗ gần bốn năm nay.
Tai hoạ giáng xuống làm đảo lộn chút bình yên cuối cùng của mẹ con anh là khi căn bệnh ung thư dạ dày bộc phát hồi cuối năm 2010. Dù đã được bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày nhưng những cơn đau vẫn chưa hết. “Sau lần phẫu thuật hồi cuối năm 2010, đến tháng 3.2011, tui lại đau, phải ra nằm ở khoa ung bướu bệnh viện Đà Nẵng gần một tháng. Bỏ mẹ ở nhà không ai nuôi, bí quá, tui xin đưa mẹ ra nằm ở khoa nội tim mạch cùng bệnh viện để tiện chăm sóc...”, anh Thắng kể lại.
Nhìn người mẹ nằm một chỗ không nói không rằng, chỉ mở to đôi mắt nhìn con với nỗi ái ngại bao năm nay, anh Thắng cố vượt qua nỗi đau, cố nói cười để mẹ bớt lo buồn. Ngôi nhà – vốn là nhà “đại đoàn kết” (tên gọi mới cho diện “nhà tình thương”) trống tênh, chỉ một chiếc bàn và hai chiếc ghế dài xiêu vẹo, một chiếc nồi cơm điện, một chiếc quạt, cả hai đều quá cũ. Chỉ có bếp lửa là ấm nóng. “Tui ráng lội ra rừng kiếm cành khô. Phải giữ bếp lửa đỏ để mái nhà được ấm áp, lại luôn có nước nóng để lau chùi, làm
vệ sinh cho mẹ...”, anh Thắng giãi bày.
“Thấy tình cảnh của mẹ con anh Trương Minh Thắng ngặt nghèo quá, năm ngoái địa phương đã xét cho ảnh được hưởng chế độ người đau ốm, mỗi tháng được 180.000 đồng, còn mẹ ảnh thì hưởng chế độ người già, cũng 180.000 đồng/tháng. Nhưng chừng ấy mà cả hai mẹ con đều bệnh nặng thì không đủ trang trải. Vừa rồi, để có tiền cho ảnh đi bệnh viện Đà Nẵng, chúng tôi đã vận động giúp ảnh 100.000 đồng. Bà con ở đây ai cũng lo rủi anh Thắng không qua được thì không biết ai lo cho bà cụ. Người có hiếu với mẹ như ảnh mà lâm cảnh cơ cùng như vậy thật là đáng thương...”, ông Trịnh Luôn, thôn trưởng thôn 2C, xã Quế Châu.
Mong sống nuôi mẹ đến cùng
Thương mẹ một đời khó nghèo, vất vả, những ngày chưa lâm bệnh, anh Thắng làm đủ việc để mẹ được no đủ. Năm 1986, từ chiến trường K trở về sau bảy năm ròng làm nghĩa vụ quốc tế, niềm vui của anh là lập gia đình, phụng dưỡng mẹ đến cuối đời. Nhưng quê nghèo, cha mất sớm, gia cảnh lại quá gieo neo, anh nhủ lòng phải cố làm cho có chút vốn rồi mới cưới vợ. Nhưng mẹ già hay ốm đau, bao nỗ lực làm lụng của anh nơi mảnh đất quê cằn cỗi cũng chỉ đủ ăn, ước mong về một mái ấm có người vợ yêu thương dần tan biến khi sức khoẻ anh ngày một thua sút. “Năm 1988, hai năm sau ngày xuất ngũ tui thấy sức khoẻ xuống dần, dạ dày đau râm ran, người hay mỏi mệt. Nhưng thời đó phương tiện thiếu thốn, mình cứ ráng chịu rồi quen dần. Không ngờ bệnh cứ phát triển, khi bộc phát thì đã nặng lắm rồi...”, anh Thắng kể.
Lục chiếc ví đựng tiền chỉ còn 50.000 đồng, anh Thắng ra quán mua cho mẹ chai nước cam giá 5.000 đồng. “Đây là thứ nước mẹ tui thích. Hôm ở bệnh viện về tui chỉ mua được cho mẹ hộp bánh 15.000 đồng, ăn để dành, nay còn mấy cái. Mấy tháng nay tui bị đau nặng nên không làm gì kiếm tiền, mấy đồng còn trong túi là người ta cho khi ở bệnh viện đó...”, anh Thắng nói. Năm 2008, lúc mẹ lâm bệnh tai biến não cũng là thời điểm sức khoẻ anh suy kém. Không thể làm những việc nặng nhọc như trước, anh chuyển sào ruộng của mình cho người trong xóm làm, đan lát kiếm mỗi ngày 15.000 đồng nuôi mẹ. Nhưng rồi nghề đan lát không kéo dài bao lâu: sau lần mổ cắt dạ dày hồi cuối năm 2010, sức khoẻ anh xuống quá nhanh.
Nhưng nay thì anh phải cố gượng đan lát lại để có tiền mua thức ăn cho mẹ già. “Tre thì bà con cho. Còn chặt tre, chẻ tre thì có mấy em trong xóm giúp. Riêng việc mang rổ, rế đi bán thì đã có một người trong xóm nhận mang ra chợ Nón bỏ mối giúp. Tui phải cố để có tiền mua miếng tươi cho mẹ như trước đây. Với lại, tui biết, mẹ tuy không nói được nhưng nằm trên giường nhìn thấy tui đan lát mẹ sẽ vui...”, anh Thắng nói,
Huỳnh Văn Mỹ
Theo Sài Gòn giải phóng