Sự kiện hot
2 năm trước

Hà Giang: Đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, phát triển kinh tế vườn hộ

Sau gần 2 năm tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ-TU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, đến nay những mảnh vườn tạp canh tác kém hiệu quả trước đây đã được thay thế bởi màu xanh tươi tốt của những vườn rau, cây ăn quả; nhiều hộ gia đình đã có sự thay đổi về nhận thức trong việc chỉnh trang lại vườn, ao, chuồng và nhà ở được bố trí lại khoa học; tư duy về sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế có sự thay đổi rõ nét, thu nhập trên diện tích đất canh tác nhiều hộ tăng lên.

Cải tạo vườn tạp không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn đem lại thu nhập cho các gia đình - Ảnh: Hữu Thắng.

Cải tạo vườn tạp không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn đem lại thu nhập cho các gia đình - Ảnh: Hữu Thắng.

Ngày 1/12/2020, Tỉnh uỷ Hà Giang ban hành Nghị quyết 05-NQ-TU về Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây là Đề án lớn mang tầm chiến lược. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận của người dân, tạo thành phong trào sâu rộng xuống tận các tôn, xóm, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Đến nay, Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi giữa các hộ gia đình, thôn, xã.

Tại huyện Quang Bình, bằng cách làm cụ thể, sáng tạo, chương trình cải tạo vườn tạp (CTVT) được các hộ dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia. Đặc biệt, ở một số xã còn xây dựng thành thôn kiểu mẫu, vườn mẫu trong CTVT, hình thành mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân tiếp cận thị trường, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Mô hình trồng và chăm sóc cây Thanh long của thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) - Ảnh: BHG.

Xác định việc cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là cần thiết. Đảng ủy xã Vĩ Thượng huyện Quang Bình đã xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp nhằm bố trí lại không gian vườn, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ năm 2021 đến nay xã đã triển khai thực hiện cho 336 hộ, riêng từ đầu năm 2022 đến nay thực hiện được 218 hộ, trong đó có 22 hộ nghèo, cận nghèo. Đã giải ngân vốn vay cho 16 hộ đủ điều kiện vay vốn là 480 triệu đồng. Các hộ đã sử dụng kinh phí được vay vào cải tạo vườn, mua con giống và trồng, chăn nuôi đúng mục đích.

Gia đình ông Bùi Văn Thoại ở thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng cho biết: Năm 2021, sau khi được giải ngân nguồn vốn vay 30 triệu đồng, ông Thoại đã quy hoạch lại khuôn viên mảnh vườn của mình để nuôi lợn, trồng rau và chăm sóc cây Thanh long. Riêng cây Thanh long hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, lại được chăm sóc chu đáo nên phát triển tốt, cho quả to, đều đẹp, dễ tiêu thụ. Tính cả thu nhập từ vườn Thanh long và xuất bán đàn lợn là 36 triệu đồng. Chương trình CTVT không chỉ tạo bước chuyển biến về tư duy sản xuất, mà còn nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Còn hộ gia đình anh Nông Văn Thánh ở thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng, trước đây gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do anh bị tai biến liệt tay bên phải, không có vốn sản xuất. Khi có chương trình Cải tạo vườn tạp, anh Thánh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quang Bình để trồng 100 gốc chanh tứ mùa, xây dựng chuồng và mua dê để nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó cùng với quyết tâm thoát nghèo, đến nay, sau 1 thời gian triển khai vườn và khu chăn nuôi của gia đình anh đã cho thu nhập ổn định. Anh đang thực hiện cải tạo khu vườn để trồng thêm cây Thanh Long.

Có thể nói, phong trào CTVT là hướng đi đúng đang được người dân trong xã tích cực hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Trong đó, thôn Yên Thượng trở thành điểm của huyện và thôn Trung Thành là điểm của xã về CTVT, xây dựng nhiều mô hình mẫu chất lượng cao.

Hội viên phụ nữ Chi hội thôn Thâm Mang, xã Nà Khương, huyện Quang Bình giúp đỡ gia đình chị Lù Thị Sinh cải tạo vườn tạp trồng cỏ chăn nuôi - Ảnh: Hội LHPN VN.

Trong gần 2 năm qua, chương trình CTVT, phát triển kinh tế vườn hộ nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân. Với quan điểm làm đến đâu chắc đến đó, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Quang Bình có hơn 110 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện CTVT, diện tích cải tạo đạt 40,5 ha. Bằng sự kiên trì, bền bỉ, người nông dân đã gặt hái được những thành quả ban đầu từ những mảnh vườn và bước đầu thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Được biết hiện nay, tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc đang thí điểm xếp đá, đổ đất tạo vườn gắn với cải tạo vườn, phát triển kinh tế vườn hộ 22.127m2/33 hộ thực hiện. Đến nay đã có những sản phẩm ban đầu từ cải tạo vườn tạp như: Bắp cải tại Đồng Văn, dưa chuột tại Hoàng Su Phì, rau củ tại Quản Bạ...

Thông tin từ ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang được biết, năm 2021, có 2.467 hộ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cải tạo vườn tạp. Trong đó, thực hiện theo Đề án được 1.220 hộ/11 huyện, thành phố. Cơ quan chức năng đã tổ chức thẩm định và giải ngân cho 1.032 hộ vay vốn với số tiền 30.355 triệu đồng.

Tổng diện tích vườn tạp đã được cải tạo lũy kế tính đến cuối tháng 12/2021 là 1.155.583 m2 (tương đương 115,56 ha). Trong đó, có 802 vườn đạt từ 3 tiêu chí trở lên. Số hộ không thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị quyết đã triển khai xây dựng vườn mẫu là 1.247 hộ; diện tích vườn đã được cải tạo là 1.731.224 m2. Các địa phương đã huy động xã hội hóa hỗ trợ cho các hộ cải tạo vườn tạp được 47.784 cây, con, quy ra kinh phí là 945 triệu đồng; số công hỗ trợ gia đình 15.015 công.

Đến nay, diện tích vườn tạp đã được cải tạo trồng cây ăn quả đạt 648.181m2; diện tích vườn tạp đã được cải tạo trồng các loại rau, đậu, lạc là 308.732m2; diện tích ao đã được cải tạo chăn nuôi thuỷ sản là 62.679m2 và diện tích vườn tạp đã được cải tạo để xây dựng chuồng, trại chăn nuôi là 113.864m2.

Có thể thấy, qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về CTVT, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ và nhân dân. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, xã hội từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện cụ thể; người dân từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong CTVT và tham gia hưởng ứng mạnh mẽ với sự đồng thuận cao. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có tiến triển tốt, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét...

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa Nghị quyết 05 trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn như: Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; cấp ủy, chính quyền một số xã, phường trong lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt; đa số các hộ nghèo, cận nghèo là bất khả kháng (người già cô đơn, ốm đau, tật nguyền), thiếu nhân lực sản xuất; quỹ đất ít, nhỏ lẻ, xa nhà không thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi...

Để khắc phục những khó khăn trên, được biết tại nhiều địa phương hiện đang tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tham gia thực hiện CTVT, xây dựng vườn mẫu; huy động tối đa sự tham gia đóng góp công sức và nguồn lực của người dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Ánh Tuyết

Theo KTĐU

Từ khóa: