Sự kiện hot
3 năm trước

Hà Giang: Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản xuất chè hàng hoá ở huyện Quang Bình

Sản xuất sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và đời sống người dân là định hướng của huyện Quang Bình (Hà Giang) đối với việc phát triển chè Shan tuyết, cây trồng chủ lực của địa phương. Do đó, thời gian qua, huyện Quang Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển chè, thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Người dân xã Tiên Nguyên (Quang Bình, Hà Giang) thu hái chè - Ảnh: IT

Thời gian qua, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn vùng chè đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để người dân, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, nhân rộng vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Bên cạnh đó, huyện Quang Bình cũng thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất VietGAP, cách ghi chép sổ sách về quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch chè...

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, huyện Quang Bình hiện có trên 3.000 ha chè Shan tuyết, tổng diện tích chè chăm sóc theo hướng VietGAP 1.189 ha và 300 ha chè hữu cơ. Sản lượng búp tươi hàng năm đạt 12.000 tấn, giá trị kinh tế đạt từ 96 - 120 tỷ đồng. 

Với mục tiêu phát triển các sản phẩm chè Shan tuyết đạt hạng 3, 4 và 5 sao OCOP trở lên, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện OCOP cho cấp ủy, chính quyền cơ sở, các doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè Shan tuyết; đưa đề án OCOP vào nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quang Bình đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, mức độ hoàn thiện của các sản phẩm được huyện lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm chè Shan tuyết: Tiến hành hoàn thiện mã số, mã vạch, mã QR và tem chống hàng giả cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện…

Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết OCOP được đánh giá là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, đơn vị sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Minh Quang hay chè Shan tuyết Quang Sơn đều được sản xuất theo chuỗi, đảm bảo chất lượng, nhãn mác rõ ràng và tham gia trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh, có sức tiêu thụ lớn.

Tại HTX Chè thiên nhiên Bản Rịa huyện Quang Bình được thành lập từ năm 2017 với số vốn đầu tư ban đầu 500 triệu đồng, gồm 8 thành viên, trong đó duy trì thường xuyên 6 lao động thời vụ và trên 10 lao động theo giờ, chủ yếu sản xuất các loại chè vàng, chè khói xuất khẩu.

Khi mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn như: Hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, nhân công lao động, nguyên liệu. Một bộ phận xã viên chưa tin tưởng vào sự phát triển của kinh tế tập thể và HTX kiểu mới nên việc thu hút nhân lực, tiền vốn để xây dựng HTX chưa được nhiều.

Trước những khó khăn đó, Ban Giám đốc HTX đã mạnh dạn đầu tư, cải tiến, nâng cấp mở rộng hệ thống nhà xưởng. Đồng thời, học hỏi và tăng cường năng lực, công nghệ chế biến chè các loại, chủ yếu là chè vàng và chè khói nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường chè trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, HTX đang có tổng diện tích chè cho thu hoạch theo Quyết định phân vùng nguyên liệu của UBND huyện là 531,39 ha, trong đó đang cho thu hoạch là 369,67 ha và đang chăm sóc là 161,72 ha.

Sau 5 năm hoạt động, HTX sản xuất, chế biến chè với quy mô diện tích nhà xưởng là 800 m2, thu mua mỗi ngày từ 2 - 2,5 tấn chè. Từ khi có HTX chế biến chè, người trồng chè trên địa bàn xã Bản Rịa và các xã lân cận yên tâm sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho HTX. Giá thu mua ổn định từ 9.000 - 11.000 đồng/1kg chè tươi; bên cạnh đó, mỗi ngày nhân công lao động thu nhập từ 50 - 100.000 đồng/kg từ việc nhặt chè; HTX còn khuyến kích, động viên người dân trồng chè để làm ra những nguyên liệu tốt, chế biến ra những sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường; HTX cũng tạo công ăn việc làm cho lao động theo thời vụ tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Chất lượng chè đen của HTX luôn đạt yêu cầu của khách hàng, nhưng HTX vẫn không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, đa dạng hoá các loại sản phẩm, tiến tới chế biến các loại chè xanh chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới Hợp tác xã chè thiên nhiên Bản Rịa sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, để đảm bảo hơn nữa dây chuyền sản xuất chế biến chè, mở rộng quy mô xưởng, nâng cao công xuất, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động hơn tại địa phương.

PV

Theo KTDU

Từ khóa: