Là một trong 5 huyện, thành phố sở hữu “vàng xanh” của đất trời cực Bắc với bạt ngàn những nương chè Shan tuyết cổ thụ, chè cành, chè hạt ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã và đang cho người dân tộc Dao nơi đây cuộc sống ấm no. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thời gian qua, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã thực hiện chiến lược phát triển bền vững chuỗi giá trị chè Shan tuyết. Qua đó, không chỉ gìn giữ uy tín, danh tiếng chè Shan mà còn nâng cao giá trị, tạo thu nhập bền vững cho người trồng chè.
Chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Bắc Quang (Hà Giang). Tại huyện Bắc Quang có 2 vùng trồng chè. Trong đó, chè trồng vùng thấp tập trung chủ yếu ở các xã: Tiên Kiều, Vĩnh Hảo, Hùng An, Vĩnh Tuy, Đông Thành...
Chè trồng vùng cao chủ yếu là chè Shan tuyết cổ thụ ở các xã: Tân Lập, Tân Thành và một số ít diện tích nằm ở xã Đức Xuân. Do chưa có sự tác động về hóa chất trong quá trình sản xuất, lại được trồng, phát triển trên những đồi cao, quanh năm mây mù bao phủ nên chè Shan tuyết có lợi thế cạnh tranh và phù hợp để sản xuất, chế biến chè xanh, Ô Long, chè hữu cơ chất lượng cao… Nhờ đó, uy tín, danh tiếng chè Shan tuyết đã vang xa đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, Âu, Mỹ.
Xác định chè là cây trồng mũi nhọn của địa phương, huyện Bắc Quang đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh, thực hiện việc sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất kinh doanh chè. Diện tích chè của huyện Bắc Quang hiện có gần 6 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch là trên 5 nghìn 700 ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 26.000 tấn. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết có 1.485ha chiếm 25,9% tổng diện tích chè. Huyện đã chú trọng phân vùng nguyên liệu chè với diện tích trên 4 nghìn ha thuộc 5 nghìn 100 hộ để tập trung phát triển, nhờ vậy chất lượng và sản lượng chè búp tươi của địa phương tăng cao.
Thông qua mối liên kết “4 nhà”: Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp đã thúc đẩy sản xuất chè Shan tuyết huyện Bắc Quang phát triển theo hướng bền vững. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè của địa phương, như: Công ty TNHH Trà Hoàng Long, Công ty TNHH chè Biên Cương, Công ty Cổ phần chè Hùng An, cơ sở chế biến chè Kim Chỉnh, Tổ hợp tác chế biến chè Vinh Sính... đã liên kết với người trồng chè để tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, xuất khẩu. Với liên kết này, người dân được doanh nghiệp ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để đầu tư sản xuất. Sau khi thu hoạch, sản phẩm chè búp tươi được doanh nghiệp bao tiêu theo hợp đồng, tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, một phần xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan…
Từ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 209, 86, 29 của HĐND tỉnh, toàn huyện Bắc Quang có 74 hộ được giải ngân số tiền hơn 7 tỷ đồng để thâm canh 237 ha chè. Cơ sở chế biến chè Kim Chỉnh của ông Nguyễn Đức Kim, thôn Chu Thượng (xã Tân Lập) được giải ngân số tiền 500 triệu đồng để đầu tư nhà xưởng. Ông Kim không giấu được niềm vui: “Khi chưa đầu tư thiết bị hiện đại để chế biến chè, lợi nhuận chưa đạt 100 triệu đồng/năm nhưng nay, lợi nhuận đã lên đến gần 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt, sản phẩm chè Shan tuyết Cổng trời I của gia đình đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh”.
Cùng với cơ sở chế biến chè Kim Chỉnh, toàn huyện Bắc Quang có thêm 2 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: Trà Shan tuyết công phu Độ Khoa, Trà Shan tuyết Hợp Tâm Tương Mai. Kết quả này là minh chứng cho việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như nỗ lực quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết của các cơ sở chế biến.
Tại xã Tân Lập là địa phương có diện tích chè Shan lớn bậc nhất của huyện Bắc Quang, với tổng diện tích 453ha chè Shan tuyết, trong đó có hơn 395ha đang cho thu hoạch, giúp nhiều hộ tăng thu nhập từ 15 đến trên 20 triệu đồng/ha/vụ,... Cây chè nơi đây tập trung nhiều nhất tại các thôn Khá Thượng, Khá Trung 107ha, thôn Chu Thượng 80ha…
Ông Triệu Chàn Phú, người dân tộc Dao, thôn Chu Thượng, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang cho biết, toàn thôn hiện có gần 100 hộ gia đình dân tộc Dao sinh sống, diện tích chè Shan Tuyết đang cho thu hái trên 80/80ha. Trong đó có hàng nghìn cây chè vài chục đến cả trăm năm tuổi. Những cây chè cổ thụ này thường có giá bán chè búp tươi luôn cao gấp nhiều lần so với giá chè búp tươi ở vùng khác.
Ông Phú cũng cho biết, hiện giá bán chè búp loại 1 tôm, 2 lá là 20.000 - 25.000 đồng/kg, loại búp bán để chế biến Bạch trà có đầu búp phủ đầy tuyết đang được thu mua từ 250.000 - 270.000 đồng/kg. Còn lại, giá bán xô để các cơ sở chế biến thu mua làm chè cấp thấp cũng đang dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Cây chè ở Chu Thượng đang mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân.
Công ty Cổ phần Chè Hùng An ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) là một trong những đơn vị tiêu thụ và sản xuất chè lớn của tỉnh Hà Giang. Bình quân mỗi năm Công ty thu mua sản phẩm chè búp tươi từ 70 đến 80 nghìn tấn, chế biến thành phẩm khoảng 20 nghìn tấn chè khô với hai loại chè xanh và chè đen xuất khẩu. Công ty hiện có hơn 20 loại sản phẩm chè sau chế biến, gồm: chè xanh phục vụ nội tiêu truyền thống, chè đen xuất khẩu sang thị trường Âu, Mỹ, chè Matcha sang Nhật làm thực phẩm, mỹ phẩm…
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Hùng An (Bắc Quang, Hà Giang) cho biết, để duy trì sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Công ty vẫn bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho người dân, không để người trồng chè phải gặp khó khăn trong tiêu thụ, đồng thời công ty cũng phải cân đối tài chính một cách hợp lý từ khâu thu mua, đến tiêu thụ sản phẩm để sản xuất chè không bị đình trệ. Ngoài ra, công ty cũng phải đảm bảo chi trả mức thu nhập cho 55 công nhân trực tiếp sản xuất, chưa tính đến thuê số lao động theo thời vụ.
Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Giang, Chủ tịch UBND xã Hùng An, huyện Bắc Quang cho biết, hiện nay toàn xã có 803ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 12.000 tấn/năm. Xã cũng đã xây dựng và duy trì được hơn 500ha chè đạt chuẩn VietGAP. Những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều hơn các mô hình chè theo chuẩn hữu cơ, VietGAP năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác sản xuất nhỏ lẻ, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, phục vụ nhu cầu, tín hiệu của thị trường.
Sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ được người dân ở huyện Bắc Quang ngày càng quan tâm thực hiện tốt, nhờ đó năng suất và giá trị sản phẩm chè được tăng lên. Hiện tại, Bắc Quang có trên 2.400ha chè được cấp chứng nhận VietGAP và 595ha được cấp chứng nhận hữu cơ.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Sản xuất chè Shan tuyết tuy đạt nhiều thành tựu quan trọng, song thực tiễn sản xuất cũng bộc lộ không ít hạn chế như: Việc thả rông gia súc, chăn thả tại vườn chè và thu hái không tuân thủ quy trình kỹ thuật đã ảnh hưởng đến sự phát triển, năng suất, sản lượng và tuổi thọ của cây chè Shan. Việc liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, cơ sở chế biến với các hộ sản xuất còn rất hạn chế; thậm chí thiếu sự liên kết chặt chẽ trong quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản, vận chuyển. Trong khi đó, một số hộ trồng chè chưa chú trọng đầu tư thâm canh dẫn đến chất lượng chè búp tươi không đồng đều, năng suất, sản lượng thấp. Ngoài ra, đường đi đến các khu trồng chè gặp nhiều khó khăn làm gia tăng chi phí vận chuyển. Chè Shan chủ yếu mới qua sơ chế nên giá trị sản phẩm không cao…
Khắc phục những hạn chế trên, hiện nay, UBND huyện Bắc Quang đang xây dựng dự án phát triển bền vững chuỗi giá trị chè Shan tuyết tại 3 xã: Tân Thành, Tân Lập, Đức Xuân. Khi dự án đi vào cuộc sống với nhiều giải pháp đồng bộ, được kỳ vọng tạo bước ngoặt trong sản xuất, chế biến chè Shan tuyết trên địa bàn huyện. Qua đó, tiếp tục phát triển bền vững và nâng cao chuỗi giá trị chè Shan tuyết theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa với các sản phẩm đa dạng có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tạ Thành
Theo KTDU