Được đánh giá và xếp hạng, đến nay, các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hà Giang trở thành những mặt hàng chủ lực, góp phần gia tăng giá trị kinh tế của địa phương trên nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình theo hướng thực chất, hiệu quả. Phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương để tăng giá trị cho sản phẩm.
Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong phát triển kinh tế nông thôn, hàng năm, UBND tỉnh Hà Giang đều ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện, đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình đến các cấp, các ngành, người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ chủ thể OCOP nâng cao năng lực sản xuất hàng hoá, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2022, tỉnh Hà Giang tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Tính đến cuối tháng 7/2022, toàn tỉnh Hà Giang có 233 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận. Trong đó có 193 sản phẩm 3 sao, 38 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia. Với các sản phẩm được công nhận OCOP đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Tại huyện Vị Xuyên, sau 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã mang lại những bước tiến đáng kể cả về quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa. Toàn huyện có 25 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 23 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao.
Được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, đến nay, HTX khởi nghiệp Hữu Nghị đã có 2 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao; 4 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao, trong đó có những sản phẩm tiêu biểu rất được ưa chuộng trên thị trường như: Hồng trà cổ đại, phổ nhĩ trà, dầu ăn Thảo quả… Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, đơn vị luôn sử dụng nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, cùng với đó nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn.
Để tạo động lực và cơ hội cho sản phẩm OCOP phát triển, Ban Chỉ đạo OCOP huyện Vị Xuyên đã tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP được truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã QR ứng dụng trên điện thoại di động, đảm bảo công khai thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP để OCOP trở thành một thương hiệu, hình ảnh và niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Tại huyện Quản Bạ (Hà Giang), đến nay có 65 sản phẩm được hoàn thiện tham gia chương trình OCOP, trong đó có 24 sản phẩm đạt sao cấp tỉnh. Đặc biệt, có 4 sản phẩm đạt 4 sao là Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá của HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân; Ví kính dệt lanh, ví dài dệt lanh và ba lô dệt lanh nhỏ của HTX Dệt lanh Cán Tỷ.
Để giúp các tổ chức và cá nhân tham gia chương trình OCOP, ngành chuyên môn của huyện Quản Bạ đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân triển khai mô hình sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP; phối hợp với các xã, thị trấn tập huấn về chương trình OCOP. Từ nguồn kinh phí chương trình OCOP, UBND huyện Quản Bạ đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình về: Tem truy xuất nguồn gốc; bao bì, nhãn mác sản phẩm; xây dựng website quảng bá; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
Nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chuyên gia đầu ngành về y dược, HTX cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang) đã xây dựng được hệ thống nhà xưởng sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm với khu sơ chế, chế biến dược liệu rộng hơn 4.000 m2, có nồi chiết xuất bằng hơi công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày; vườn ươm giống nhà kính rộng 1.200 m2, khu tắm lá thuốc… Các sản phẩm của HTX được bán tại các điểm dừng chân trên Cao nguyên đá Đồng Văn, các địa điểm du lịch để giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến với du khách xa gần.
Đến nay, HTX cộng đồng Nặm Đăm đã sản xuất được 20 sản phẩm, như: Cao Atiso, cao củ Dòm, cao Mạnh gân hoạt cốt, cao Ích não, trà gừng, dầu xoa bóp, cao Hà thủ ô, nước tắm thảo dược, tinh dầu… Trong đó, có 3 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh gồm: Cao Atiso, trà gừng, hoa Kim ngân. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, mỗi năm HTX trồng gần 10 ha cây dược liệu các loại như: Atiso, Kim ngân, Đương quy, Huyền sâm, củ Dòm… Bên cạnh đó là mua dược liệu thu hái tự nhiên trong dân. Các sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng tin tưởng, tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, sản xuất, kinh doanh ổn định.
Để đáp ứng yêu cầu và chất lượng sản phẩm, huyện Quản Bạ đã đưa về các xã chương trình kế hoạch để các xã chỉ đạo nhân dân tích cực phát triển sản phẩm của địa phương qua tuyên truyền và vận động. Đặc biệt, các xã tổ chức tập huấn cho người dân về cách xây dựng sản phẩm của xã mình đạt chuẩn OCOP.
Có thể thấy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Giang là hướng đi đúng đắn, tăng giá trị sản phẩm, giúp người dân thay đổi tư duy làm kinh tế từ nhỏ lẻ, manh mún thành các hộ sản xuất kinh doanh hiệu quả. Qua chương trình đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững.
Thanh Tú
Theo KTĐU